Tử vong sau tiêm chủng: Không phải do vắc-xin?

Ngày 09/01/2013 14:50 PM (GMT+7)

Chưa tìm được sự liên quan của vắc-xin và tiêm chủng đối với trường hợp bé 3 tháng tuổi tử vong tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Cơ quan chuyên môn cũng chưa xác định được nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của cháu bé này.

Đây là kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá phản ứng sau tiêm văc-xin của Sở Y tế Hà Nội. Hội đồng này vừa nhóm họp chiều 8/1, sau khi xảy ra sự cố một trẻ 3 tháng tuổi tử vong sau tiêm vắc-xin 5 trong 1 tại Gia Lâm vào sáng ngày 5/1 vừa qua.
 
Không phải tại vắc-xin?
 
Trao đổi với VietNamNet sáng 9/1, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn, cho biết sau khi tiến hành điều tra (với đầy đủ các mẫu theo quy định của Bộ Y tế), kết quả điều tra đã được 12 thành viên tham gia hội đồng thẩm định.
 
Theo đó, Trạm Y tế xã Yên Thường – nơi cháu bé tiêm chủng – đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân lực, được cấp phép tiêm chủng mở rộng. Vắc-xin tiêm cho bé được tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản đúng quy trình, đảm bảo chất lượng.

Tử vong sau tiêm chủng: Không phải do vắc-xin? - 1
Hiện lô vắc-xin Quinvaxem tiêm cho cháu bé tử vong ở Gia Lâm đã dừng sử dụng và đang trong quá trình kiểm định.

Ngoài ra, cháu bé tử vong sau tiêm 20 giờ. Do đó, hội đồng loại trừ khả năng cháu bị sốc phản vệ do tiêm vắc-xin
 
“Từ những yếu tố trên, chúng tôi xác định không có bằng chứng liên quan đến vắc-xin và tiêm chủng khi xảy ra sự cố tử vong của cháu bé này”, ông Hạnh cho hay.
 
Ông Hạnh cho biết, các điều tra cho thấy cháu bé này có tiền sử sức khỏe hoàn toàn bình thường. Vậy câu hỏi được đặt ra là: Nếu không phải vì vắc-xin, không phải vì lỗi kỹ thuật trong tiêm chủng thì nguyên nhân thực sự khiến cháu bé tử vong là gì?
 
Theo ông Hạnh, hiện các thành viên trong hội đồng vẫn chưa thể đưa ra kết luận về điều này
 
Một số giả thuyết đã được các thành viên hội đồng đặt ra như vấn đề dinh dưỡng hoặc do ngạt khi bú mẹ. Tuy nhiên, do gia đình không đồng ý mổ tử thi nên những giả thuyết này không có cơ sở để kiểm chứng.
 
Ông Hạnh cho biết, hiện lô vắc-xin tiêm cho cháu bé trên đã tạm dừng sử dụng trên toàn thành phố để chờ kết quả kiểm định. Các lô khác (vẫn là loại vắc-xin này) vẫn tiếp tục được sử dụng.
 
Năm 2011, toàn thành phố Hà Nội đã tiêm 2.500 liều vắc-xin 5 trong 1. Năm 2012, con số này tăng lên trên 34.000 liều.
 
Gửi vắc-xin đến tổ chức độc lập để kiểm định

 
Với trường hợp 3 trẻ tử vong ở Nghệ An sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, câu trả lời về nguyên nhân gây tử vong cũng có nội dung tương tự.
 
Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: Kết quả xét nghiệm lô vắc-xin Quinvaxem tiêm cho 3 cháu bé ở Nghệ An do Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin sinh phẩm y tế thực hiện cho thấy: vắc-xin này đạt các tiêu chuẩn về chỉ tiêu sinh học, an toàn chung theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 
Ngoài ra, kết quả điều tra cũng cho thấy vắc-xin được vận chuyển, bảo quản đúng quy trình tiêu chuẩn, cán bộ tiêm chủng thực hiện đúng quy định.
 
“Như vậy có thể loại trừ nguyên nhân do chất lượng vắc-xin và do lỗi tiêm chủng” - ông Hiển khẳng định.
 
Theo ông Hiển, ngay sau các sự cố này, Bộ Y tế đã có văn bản gửi WHO đề nghị chuyển mẫu vắc-xin này đến một tổ chức kiểm định độc lập của quốc tế cũng như yêu cầu nhà sản xuất Hàn Quốc thẩm định lại mức độ an toàn.
 
So sánh tỉ lệ phản ứng giữa Quinvaxem và loại vắc-xin đã dùng trước đó (vắc-xin DPT - ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván), ông Nguyễn Trần Hiển cho biết: Tỉ lệ phản ứng nặng của DPT là 1,03/triệu và tỉ lệ tử vong là 0,6/triệu. Trong khi đó, với Quinvaxem, tỉ lệ phản ứng nặng là 0,69/triệu và tỉ lệ tử vong là 0,17/triệu.
 
“Tỉ lệ này vẫn dưới ngưỡng cho phép của WHO (dưới 1/triệu). Vì thế, cả DPT hay Quinvaxem đều nằm trong ngưỡng cho phép. Nhìn vào số liệu trên có thể thấy tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng của Quinvaxem thấp hơn của DPT khá nhiều” - ông Hiển nói.

Tin tức đang được đọc nhiều nhất:

Theo Cẩm Quyên (Vienamnet)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Tử vong sau tiêm vắc xin