Từ vụ thầy luồn tay qua nách nữ sinh: Sao cha mẹ lại thờ ơ?

Ngày 24/03/2016 22:34 PM (GMT+7)

Bị thầy giáo sàm sỡ, nữ sinh bảo với mẹ nhưng mẹ lại không tin. Em này nhờ bạn chụp và đăng ảnh lên Facebook làm bằng chứng. Nhà trường bắt em tự kiểm và tường trình vì đăng ảnh này lên Facebook.

Đây là câu chuyện của nữ sinh C.T.S.T lớp 8 trường THCS Nguyễn Trãi (TP Châu Đốc, An Giang) được báo chí đưa tin gây xôn xao mấy ngày qua.

Trước đó, theo báo Công an TP.HCM, em S.T đã nhiều lần bị thầy giáo D.A.T dạy môn Vật lý – Công nghệ ở trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Châu Đốc, An Giang) sờ mó trong lúc dạy tại nhà riêng và việc này đã xảy ra nhiều lần.

Khi em về chia sẻ với mẹ thì mẹ không tin. Có lẽ do bức xúc với hành vi của thầy giáo, đồng thời buồn về việc mẹ không tin, mình không được bảo vệ, em này đã nhờ bạn chụp ảnh thầy giáo D.A.T đang sờ soạng mình rồi đăng lên Facebook.

Từ vụ thầy luồn tay qua nách nữ sinh: Sao cha mẹ lại thờ ơ? - 1

Tấm ảnh L. chụp cảnh thầy T. có hành động sờ mó hơn thay vì chỉ bài - Ảnh: Nguyễn Nhân/Công An TP.HCM

Lí giải cho những hành động của mình, thầy T. (dạy 15 năm tại Trường THCS Nguyễn Trãi cho rằng), việc mình có trong lớp là phụ vợ sửa bài cho các em học sinh. Hành động chỉ bài bằng cách luồn tay qua nách học sinh như thế là “tiện hơn” thay vì dùng tay chỉ bài học sinh từ phía đối diện có thể làm trúng các em. Ngoài ra, hành động này không chỉ riêng em S.T. mà nhiều học sinh khác cũng thế.

Thầy T. còn nói việc bị dư luận cho rằng hành động trong ảnh là sàm sỡ là quá nặng đối với thầy, bởi xúc phạm đạo đức nghề nghiệp.

Sau khi bức ảnh xuất hiện trên Facebook, trường THCS Nguyễn Trãi đã yêu cầu nữ sinh cùng bạn – là người chụp bức ảnh làm kiểm điểm và tường trình với lý do…chụp hình đăng Facebook lung tung. Trường này sau đó quyết định kỷ luật với thầy giáo T. ở mức độ… khiển trách vì giảng dạy không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của trường.

Sự việc trên là một ví dụ cho thấy việc người lớn thờ ơ trước trình bày chuyện khó nói của con trẻ. Không phải đến bây giờ, mà trước đó, một số vụ tương tự cũng xảy ra, đến khi con mình trình bày lần thứ hai, thứ ba thì phụ huynh mới vỡ lẽ cấp tốc phanh phui sự việc.

Nói về sự việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, chưa xét ở góc độ vi phạm có tính chất pháp lý của thầy giáo và hình thức kỷ luật của nhà trường, chỉ nhìn ở thái độ thờ ơ của người lớn trước nỗi nguy hiểm của con trẻ đã là một vấn đề đáng phải lên tiếng.

Từ vụ thầy luồn tay qua nách nữ sinh: Sao cha mẹ lại thờ ơ? - 2

Trường Nguyễn Trãi- nơi thầy T. làm việc - Ảnh: Nguyễn Nhân/Công an TP.HCM

“Người mẹ của nữ sinh kia vô tình đã khiến con mình gặp hiểm nguy khi phải tự mình tìm cách tố cáo giáo viên mà không được sự hướng dẫn, che chở của người lớn. Đây cũng là 1 bài học cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh. Hãy biết nghe và tôn trọng, tin tưởng những gì con mình nói” – ông Lâm cho biết.

Đối với trẻ em, trước nguy cơ bị lạm dụng, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng các em cũng cần biết mạnh dạn phản ứng chứ đừng nên quá sợ sệt vì…cái bóng của ông thầy.

“Bố mẹ là người các em nên chia sẻ đầu tiên, nếu không được thì phải đến giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô thân thiết, hoặc lớp trưởng, bạn bè để nhờ họ can thiệp giúp. Ngay trong tình huống bị thầy sàm sỡ phải thể hiện thái độ né tránh hoặc cương quyết cho đối phương biết là mình không đồng tình với hành động này, hành động đó là không được. Im lặng và sợ sệt sẽ làm cho đối phương tưởng mình “đồng lõa” và cứ thế lặp lại những lần sau” – TS Lâm khuyên.

Còn về hình thức xử lý, thầy Lâm cho rằng, sự việc này chắc chắn thầy giáo sai vì học sinh đã đủ lớn để cảm nhận những động chạm của ông thầy là…có vấn đề chứ không thể hồn nhiên nói rằng “thầy vô can”, tố cáo chụp ảnh là bôi nhọ thầy.

Tuy nhiên, về pháp lý, không thể chỉ qua một bức ảnh mà có thể xử lý được, phải điều tra và thu thập thêm nhiều chứng cứ từ các học sinh trong lớp. Đây là trách nhiệm của trường học và cơ quan chức năng, các tổ chức này cần làm nghiêm để răn đe.

Ở một khía cạnh khác TS Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa giáo dục tiểu học – ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Lắng nghe và trang bị cho con những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính sớm nhất có thể, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đến khi có sự việc xảy ra rồi thì phải tuyệt đối tin tưởng ở con mình, đừng đánh giá, hoài nghi hay chửi bới con, điều đó chỉ khiến con bạn không dám tìm đến bạn, sợ sệt và cảm thấy xấu hổ khi muốn nói ra. Điều này vô tình đẩy trẻ ra xa khỏi gia đình, cô độc và dễ rơi vào bẫy của yêu râu xanh”.

"Cha mẹ phải là chỗ dựa đầu tiên cho trẻ trước những tình huống bị lạm dụng, xâm hại, nếu cha mẹ không làm được điều đó thì đừng mong con mình được bảo vệ bởi một tổ chức hoặc cá nhân nào đó như giáo  viên hay trường học” – TS Vũ Thu Hương.

Theo Tùng Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự