Từng nghĩ mình mua được mảnh đất để ổn định chỗ ở tại Hà Nội với giá rẻ, nhưng anh Biên và gia đình ở Nam Định đã ngã ngửa khi biết rằng đã mất thêm số tiền chênh đến cả trăm triệu đồng cho “cò” khi các bên ra phòng công chứng thực hiện thủ tục sang tên chuyển nhượng.
Chia sẻ về câu chuyện mua đất lần đầu tại Hà Đông (Hà Nội), anh Biên quê Nam Định cho biết gia đình mình đã mất khoản tiền chênh lệch lớn khi tin tưởng vào những lời tư vấn “có cánh” của “cò đất”.
Anh Biên cho biết hiện đang thuê nhà trọ với chi phí 2 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản chi phí khác như điện, nước, internet thì mỗi tháng khoản chi này cũng lên tới 3 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm gia đình anh chị mất gần 40 triệu riêng tiền thuê nhà. Với việc đã liên tục thuê nhà tại Hà Nội gần chục năm qua, số tiền anh bỏ ra cũng đã lên tới vài trăm triệu trong khi chỗ ở không được ổn định do lúc thì chủ nhà đòi lại phòng để sửa chữa, lúc thì gia đình không đồng tình với yêu cầu tăng giá phòng trọ của chủ nên lại phải chuyển chỗ ở mới.
Đất thổ cư vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người
Sau nhiều năm nỗ lực làm lụng và tích góp, tháng 4/2020 gia đình anh chị quyết định tìm mua một mảnh đất tại Hà Nội để ổn định chỗ ở lâu dài. Với hạn mức số tiền khoảng 1 tỷ đồng, anh cũng xác định chỉ có thể mua đất ở những vùng ven như Thanh Trì, Hà Đông và Hoài Đức (Hà Nội).
Qua tham khảo những thông tin từ người bán anh nhận thấy khu vực Yên Nghĩa, Đồng Mai, Biên Giang (Hà Đông) hay Đông La (Hoài Đức) có những tin rao khá phù hợp với ngân sách của mình. Anh cũng đã dành thời gian suốt một tháng trời theo chân các “cò đất” để xem những mảnh đất ở các khu vực này. Tuy nhiên, xuống xem thực tế thì những miếng đất phù hợp với ngân sách của gia đình thì vị trí không đẹp hoặc ngõ vào nhỏ. Trong khi những mảnh đất có vị trí thuận lợi, ngõ đi thuận tiện thì giá cao toàn từ 25 đến 26 triệu đồng/mét vuông.
Tưởng chừng kế hoạch mua đất rơi vào bế tắc thì tháng 7/2020 anh được giới thiệu một mảnh đất gần 52 mét vuông tại Biên Giang – Hà Đông, giá của cò đất đưa ra là 19,5 triệu đồng/mét vuông. Anh Biên cho biết, sau khi xuống xem mảnh đất này, cả hai vợ chồng đều rất ưng ý bởi ngõ vào nhà rộng, gần trường, gần chợ. So với những mảnh đất trước đây đã xem thì giá rẻ hơn tới 6-7 triệu đồng/mét vuông. Nghĩ rằng mua được mảnh đất có diện tích phù hợp và giá rẻ, anh chị chủ quan không tham khảo thêm giá đất đang được rao bán trong khu vực này. Do đó, đã chốt giá mua với “cò đất” là 19 triệu đồng/mét vuông, trong đó người bán lo toàn bộ giấy tờ và đóng các khoản thuế phí.
Anh Biên chia sẻ, để gom gần một tỷ đồng mua mảnh đất này, ngoài số tiền tích lũy được trong những năm qua anh chị cũng phải vay một số tiền đáng kể từ người thân hai bên gia đình. Và những suy nghĩ về việc mua được mảnh đất với “giá rẻ” của anh chị tan biến khi các bên ra phòng công chứng để công chứng hợp đồng chuyển nhượng.
Ông bố 8X cho biết sau khi hoàn tất các thủ tục về giấy tờ, anh chị có dành thời gian để trao đổi với người chủ đất thực sự về giá bán. Qua cuộc trao đổi, anh chị mới biết rằng đã mua chênh của “cò đất” tới 2 triệu đồng/mét vuông. Cả người mua và bán đều tiếc ngẩn người với số tiền lớn mà “cò” thu được từ vụ sang tay chuyển nhượng này. Ông bố 8X cho biết đây sẽ là bài học “nhớ đời” với bản thân và các thành viên trong gia đình. Bởi trước đó, tất cả đều nghĩ rằng mình đã mua được mảnh đất với giá rẻ, tìm được người dẫn đi xem đất nhiệt tình, chăm sóc khách hàng tốt.
Do không tìm hiểu kỹ thông tin, nhiều người mua đất thổ cư đã phải chi số tiền chênh lớn với các “cò đất”
Qua tìm hiểu, câu chuyện mua đất qua cò với giá “hớ” của anh Biên không phải là trường hợp cá biệt mà chuyện này từng xảy ra với rất nhiều người, đặc biệt với những người mới tìm mua đất lần đầu.
Vợ chồng anh Đức, chị Thơm ở Nam Định cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi tìm mua đất dịp giữa năm 2018. Anh Đức cho biết sau một thời gian nhờ các “cò” tìm cho mảnh đất với diện tích từ 30 đến 40 mét vuông và giá khoảng 500 triệu đồng trở lại tại các khu vực ven đô, anh chị được một “cò” dẫn xem mảnh đất 39 mét vuông tại Yên Nghĩa – Hà Đông với giá đúng 500 triệu đồng. Dù khá ưng ý với mảnh đất này nhưng anh chị vẫn không vội vàng đặt tiền cọc ngay mà xin dành thêm thời gian để suy nghĩ trước khi chốt mua.
Anh Đức chia sẻ sau lần đi xem đất cùng “cò”, hai vợ chồng còn dành thêm nhiều thời gian để tìm hiểu về giá đất trong khu vực và tìm hiểu thêm về chủ mảnh đất được “cò” đã giới thiệu. Trong một buổi tối tạt qua xem lại mảnh đất định mua, anh chị gặp được những người hàng xóm xung quanh và biết rằng chủ đất thực sự đang sinh sống trên Điện Biên và gia đình người này hiện nay không còn nhu cầu ở nữa nên nhờ những người hàng xóm cũng như “cò đất” trong khu vực rao bán giúp.
Qua trò chuyện với người hàng xóm, anh chị cũng xin được số điện thoại của chủ đất và trao đổi về giá và biết rằng người chủ đang rao bán với giá chỉ 425 triệu đồng, người mua tự sang tên giấy tờ. Còn nếu người bán làm các thủ tục sang tên thì người mua phải bỏ thêm 10 triệu đồng nữa là 435 triệu đồng. Anh Đức chia sẻ nếu không có quyết định tham khảo lại thông tin từ những người dân xung quanh lô đất mình định mua thì anh có thể đã mất thêm cả trăm triệu đồng vì quá tin vào lời giới thiệu “có cánh” của những “cò đất”.
Chia sẻ về câu chuyện “mua hớ” đất thổ cư của mình, anh Biên hy vọng đừng ai đi vào “vết xe đổ” của mình. Anh cho biết, nếu có kế hoạch tìm mua đất thổ cư hay một BĐS nào đó để “an cư lạc nghiệp” tại thủ đô thì mọi người nên dành thời gian tìm hiểu kỹ về giá cả khu vực mình định mua. Việc tìm đất hay BĐS thông qua các “cò” chỉ là một trong những kênh tham khảo, nếu được hãy dành thời gian để tìm chủ đất thực sự hoặc tìm hiểu kỹ về giá đất trong khu vực nhằm tránh trường hợp các “cò” kênh giá cao hơn nhiều so với giá người bán đưa ra.