Một bài đăng so sánh mức lương của nhân viên văn phòng và người múc nước lèo quán phở gây nên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện lương bổng nhạy cảm này được đem ra bàn tán.
Liệu có quán phở thực sự tuyển nhân viên múc nước lèo, trả 5 đến 11 triệu đồng/tháng?
Bài đăng tuyển người phụ múc nước lèo với mức lương hứa hẹn từ 5 đến 11 triệu đồng gây sóng gió trên cộng đồng mạng bắt nguồn từ một trang tuyển dụng. Tuy thời gian tuyển dụng đã hết hạn vào năm 2020 nhưng gần đây vẫn gây được sự chú ý bởi mức lương hấp dẫn, ngang bằng với một số công việc văn phòng.
Công việc múc nước lèo trong hình dung của nhiều người khá đơn giản, chỉ cần quen tay và cẩn thận là có thể làm được ngay. Ai nấy đọc xong bài đều hào hứng tương tác bằng những bình luận đùa, rủ nhau nghỉ việc để tìm kiếm đến công việc múc nước lèo được trả lương cao hơn. Một tài khoản facebook có tên Hạnh Tâm viết: "Việc nhẹ lương cao, đổi nghề thôi". Một thành viên khác ủng hộ: "Đúng rồi, làm văn phòng nghèo quá, đi múc nước lèo biết đâu đổi đời".
Những bài đăng gây tranh cãi
Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên, nhiều bình luận cảnh báo rằng đây có thể chỉ là bài đăng "câu" lượng truy cập cho trang web chứ không hề có quán phở nào ở đây. Nhiều trang web việc làm uy tín cũng đã từng đăng bài cảnh báo chiêu lừa bằng bẫy lương cao để gài người đi tìm việc vào những mục đích không minh bạch khác.
Nói về câu chuyện tuyển người phụ múc nước lèo trả lương từ 5 đến 11 triệu đồng, anh Hoàng (hiện quản lý quán phở gia đình tại đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh) cho biết, trước đây, anh từng làm nhân viên tại quán được 3 năm, làm đủ việc mới được hơn 5 triệu. Đến bây giờ mức lương hiện tại của anh đạt gần 10 triệu đồng với thời gian làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày.
"Đây là quán của chú mình nên mình cũng được ưu ái hơn tí, nhưng thời gian đầu học việc chỉ bưng bê, lau dọn, làm đủ thứ việc linh tinh lương cũng hơn 5 triệu. Bây giờ mình đứng quán thay cho chú, tức là phải quán xuyến nhiều công việc khác nữa, chứ không phải chỉ múc mỗi nước lèo, sáng sớm phải thức dậy chuẩn bị rồi. Lương (múc nước lèo) mà cao vậy thì chắc quán không bao giờ thiếu nhân viên. Giờ sau dịch mình tuyển mãi mà không có ai làm" - anh Hoàng nói.
Bật cười khi được hỏi về câu chuyện phụ bán phở có mức lương trên dưới 10 triệu đồng, chị Hà (chủ quán phở tại khu đô thị Vi***, quận Bình Thạnh) nói "trên mạng nói cái gì nghe cho vui thôi". Quán phở của chị có mức giá mỗi tô cao hơn các quán phở bình dân đường phố, trung bình từ 75.000 đến 150.000/tô. Lương nhân viên phục vụ tại quán là 28.000 đồng/giờ với nhân viên bán thời gian và khoảng trên dưới 6 triệu với ca làm 8 tiếng. Chị cho biết mức lương của tiệm chị đã nhỉnh hơn so nhiều quán khác, nhân viên còn được bao ăn, môi trường làm việc mát mẻ và sạch sẽ.
"Công việc phục vụ chỉ cần cẩn thận một tí, không đòi hỏi về ngoại hình, bằng cấp, cũng không cần kinh nghiệm. Học việc một vài ngày là làm được liền không khó. Mức lương trên 10 triệu chỉ dành cho quản lý, hoặc công việc đòi hỏi độ khó như đầu bếp thôi" - chị Hà không tin có nơi lại trả cho nhân viên múc nước lèo cao như thế.
Bên cạnh đó, chủ những quán ăn này đều khẳng định công việc phục vụ chỉ là công việc tạm thời, ít ai gắn bó với nghề lâu dài. Đa phần sẽ tìm công việc khác ổn định, thu nhập tốt hơn để trang trải cuộc sống. Nhân sự ngành nghề phục vụ tại các quán ăn bình dân cũng không được tăng lương định kì hay được đề xuất lương theo năng lực, trừ khi các dịp lễ tết, khách đông thì có thêm một chút phụ cấp.
So sánh mức lương cao thấp của những ngành nghề khác nhau là khập khiễng
Câu chuyện lương bổng của thực tập sinh hay sinh viên mới ra trường luôn là nguồn cơn tranh cãi trong nhiều năm nay, khi mà nhiều sinh viên 4 năm mài đũng quần trên giảng đường đại học, ra trường tìm việc đôi lúc lại không bằng lương người giúp việc gia đình hay lương nhân viên phụ quán cơm, quán phở.
Khi được hỏi về vấn đề mức lương của sinh viên mới ra trường so với lương của nhân viên phục vụ, nhiều bạn trẻ tỏ ý không tán thành và đều có chung quan điểm: năng lực quyết định tất cả.
Bạn Như Quỳnh (sinh năm 1998, nhân viên của một công ty nội thất nhập khẩu) cho rằng so sánh giữa hai công việc này là hoàn toàn không có cơ sở. Quỳnh hiện làm nhân viên nội dung với mức lương gần 15 triệu đồng sau khi ra trường chưa đầy 2 năm. Cô cho biết ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học đã không ngừng học hỏi và cộng tác, làm việc bán thời gian cho một số công ty.
Như Quỳnh hài lòng với mức lương hiện tại và sẽ phấn đấu để đạt được mức lương cao hơn trong những năm tới.
"Các bạn trong lớp đại học của mình nhiều người đã bắt đầu có công việc từ năm 3 đại học, khi ra trường đã có chút kinh nghiệm rồi. Hiện nay các công ty đều ưu tiên và sẵn sàng trả lương cho những ứng viên làm việc đa nhiệm, ví dụ như mình chuyên về sáng tạo nội dung nhưng về khoản thiết kế hình ảnh mình cũng làm rất tốt. Bên cạnh đó, khả năng ngoại ngữ kèm theo sự chủ động trong công việc khiến mình đạt được mức lương khá ổn trong thời điểm hiện tại" - Như Quỳnh chia sẻ. Cô khẳng định nếu năng lực của ứng viên tốt vì nhà tuyển dụng sẽ không ngần ngại trả lương tương xứng, các bạn mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm nên chọn các công ty vừa sức để ứng tuyển.
Đồng quan điểm với Như Quỳnh, bạn Hoàng Huy (sinh năm 1997) tốt nghiệp khoa Quan hệ quốc tế (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM) cũng không đồng ý với việc so sánh lương sinh viên vừa ra trường và lao động phổ thông. Bén duyên với nghề môi giới bảo hiểm từ khi còn là sinh viên, công việc đem đến cho Huy một mức thu nhập tương đối ổn định.
Nhờ công việc bán bảo hiểm từ khi còn đi học mà Huy có thu nhập tốt, có cơ hội đi du lịch nước ngoài trước dịch.
"Mình cũng mất khoảng 1 tháng đầu để tham gia các khóa đào tạo về bảo hiểm và làm quen với công ty. Sau đó là mình cũng tự tìm khách hàng rồi đi tư vấn bảo hiểm luôn. Mức lương của những ngành nghề thế này thường không cao nhưng nếu chăm chỉ và phấn đấu thì tiền hoa hồng bán được sẽ rất tốt. Không phải ai bưng phở cũng 8 triệu, không phải nhân viên văn phòng nào lương cũng 6 triệu. Đặc thù hai công việc không giống nhau thì so sánh cũng vô nghĩa". - Huy nói.
Mới đây, ngay sau phát biểu nghị trường của Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan về sự yếu kém của hệ thống y tế cơ sở, câu chuyện "Bác sĩ lương 6 triệu đi ăn phở thấy tuyển rửa bát lương 8 triệu" đã gây xôn xao mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thoạt nghe con số, nhiều người sẽ cảm thấy vô lý khi ngành Y là ngành nghề có thời gian đào tạo lâu nhất, tiêu chí tuyển đầu vào lẫn đầu ra rất khó.
Chia sẻ ý kiến về mức lương ngành Y, bạn Phạm Quí (sinh viên năm cuối Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) cho biết mức lương vừa ra trường của bác sĩ không cao, nhưng sẽ được tăng dần theo các năm. Việc liên quan đến tính mạng con người thì học cả đời cũng chưa đủ, 6 năm mới chỉ là bắt đầu trên con đường hành nghề y. Ngoài ra cũng có rất nhiều bác sĩ có mức thu nhập tốt với trình độ cao hơn, sau khi tiếp tục học thêm các chương trình đào tạo khác.
Sinh viên khoa Y - Đại học Phạm Ngọc Thạch. Ảnh nhân vật cung cấp
"Tất cả những ai học y đều biết lương bác sĩ vừa tốt nghiệp không cao. Tùy từng vùng mà có các mức lương khác nhau. Một người chị của mình làm ở Bệnh viên Đa khoa vùng Tây Nguyên nhận lương 5 triệu đồng cho năm đầu làm bác sĩ. Bản thân mình cũng đã xác định được điều đó nên tập trung nâng cao chuyên môn khi học xong. Nhiều người đặc biệt xuất sắc ngay từ lúc đi học thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn còn đa số lương cũng nằm trong khoảng 5 đến 6 triệu/tháng" - Quí cho biết.
Còn Kim Duyên (sinh năm 2001) - từng làm phục vụ tại một quán ăn cũng phản đối việc so sánh mức lương của mỗi ngành nghề khác nhau. Giang chắc nịch: "Không bao giờ có cái gì gọi là việc nhẹ lương cao. Em làm bán thời gian 5 tiếng 1 ngày, lương 22.000 đồng/tiếng, nhiều ngày khách đông làm liên tục không có thời gian uống nước chứ đừng nói đến việc nghỉ ngơi. Công việc phục vụ đâu chỉ mỗi bưng bê đồ ăn cho khách đâu, phải order, khách kêu lấy gì là chạy đi lấy, khách cũ vừa rời đi là khách mới ngồi vào, vội vàng lau bàn rồi chạy việc tiếp".
"4 tiếng làm việc em nhận 110.000 đồng, làm xong người nhức mỏi, chân tay rã rời. Cố lắm được 2 tháng em nghỉ luôn vì đi làm thêm nhiều quá không tập trung được vào việc học" - Giang kể thêm.
Kim Duyên chia sẻ về trải nghiệm không hề dễ dàng khi làm nhân viên phục vụ quán trong thời gian đi học.
Phần lớn những người lựa chọn làm nghề phục vụ tại các quán ăn bình dân đều chưa đủ năng lực chuyên môn để theo đuổi một ngành nghề cụ thể, tuổi đã khá lớn hoặc lao động từ nông thôn lên thành phố. Công việc này không có sự thăng tiến, không có các chế độ bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Ngược lại, nhân viên văn phòng làm các công việc đòi hỏi chuyên môn thì sẽ được tăng lương theo chính sách của từng công ty, bên cạnh đó còn các phụ cấp và tiền thưởng trong các dịp lễ tết. Môi trường làm việc năng động, sạch sẽ. Nếu có mục tiêu phấn đấu rõ ràng thì thu nhập sẽ ngày càng được nâng cao.
Trong một diễn biến khác, mới đây trên trang facebook, diễn giả Nguyễn Hữu Trí - nhà sáng lập chương trình Awake Your Power nổi tiếng, có bài viết: "Theo bạn sinh viên năm 3-4, mới ra trường, chưa có đủ kinh nghiệm, khi đi thực tập thì nên chọn có lương hay không lương".
Nội dung này được đông đảo bạn trẻ bình luận rôm rả, đa phần đều cho rằng cần phải có lương, dù ít hay nhiều thì đó là khoản hỗ trợ để người thực tập có thêm động lực để tiếp tục học hỏi và mang đến giá trị cho công ty. Trong số các bình luận, ý kiến của bạn Minh Phúc được nhiều người đồng tình. Theo Phúc, "Nếu bạn có mang lại giá trị cho công ty thì chắc chắn phải có lương nha. Một tổ chức tốt là một tổ chức phải đảm bảo quyền lợi cho bất kì thành viên nào trong đó trên mọi khía cạnh (đào tạo bạn, trả lương,...) tệ lắm cũng phải ở mức tối thiểu trong 1 khía cạnh.
Nhưng nếu bạn không mang lại giá trị gì cho họ mà họ còn phải mất công dạy bạn làm, đợi bạn học thì đừng đòi hỏi lương mà hãy trả thêm học phí cho họ. Trước khi thực tập thì làm rõ những đóng góp và quyền lợi của mình và công ty để xem có phù hợp không, thực tập cũng là phần bắt đầu của sự nghiệp, nghiêm túc với nó thì bạn sẽ có kết quả nghiêm túc."