Vấn nạn ế vợ và những màn cầu hôn 'siêu độc' ở Trung Quốc

Ngày 19/03/2017 09:32 AM (GMT+7)

Việc mất cân bằng giới tính trong dân số khiến rất nhiều đàn ông ở Trung Quốc không lấy được vợ và tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đến năm 2020, trong dân số ở độ tuổi hôn nhân, đàn ông sẽ nhiều hơn phụ nữ 30 triệu.

Vấn nạn ế vợ và những màn cầu hôn amp;#39;siêu độcamp;#39; ở Trung Quốc - 1

Mua 99 chiếc Iphone6 làm lễ vật cầu hôn vẫn thất bại.

Những màn cầu hôn “siêu độc”

Do số phụ nữ ít hơn nam giới nên để giành được trái tim người phụ nữ mình yêu, một số chàng trai Trung Quốc đã phải nghĩ đủ mọi cách. Họ hoặc vung tiền không tiếc tay, hoặc sử dụng những cách tỏ tình, cầu hôn độc đáo, mới mẻ nhằm làm người mình yêu rung động.

“Đậu yêu Sa” - kèm theo hình mũi tên xuyên qua hai trái tim lồng vào nhau được kết bằng lá và 99.999 bông hồng là tác phẩm cầu hôn của anh chàng Đậu Tử Vượng với cô bạn gái tên Sa. Kết quả, cô gái thích lãng mạn đó đã vui lòng chấp nhận.

Một anh chàng ở Giang Tô để lấy được cô gái mình yêu đã ăn mặc thành siêu nhân, thuê một chiếc cần cẩu đưa mình lên đến độ cao ngang ngôi nhà 19 tầng, quanh mình buộc các chùm bóng bay lớn. Khi cô bạn gái đi ngang qua, mọi người hô nhắc hãy nhìn lên trời. Đúng lúc đó cần cẩu hạ anh chàng xuống, tay cầm nhẫn cầu hôn, cô nàng rất xúc động nhận lời…

Tuy nhiên, nhiều trường hợp dù mất rất nhiều tiền, các chàng cũng không thể thành công. Năm 2015 đã xảy ra vụ án một người đàn ông 40 tuổi kiện một trung tâm môi giới ra tòa vì đã không thể giúp ông ta lấy được vợ sau khi đã nhận của ông tổng cộng 7 triệu NDT (23,1 tỷ VND) chi phí các kiểu.

Nhưng ầm ĩ nhất có lẽ là vụ một anh chàng ở Quảng Châu đã chi số tiền 2,75 triệu NDT (82 ngàn USD) để mua 99 chiếc Iphone 6 được coi là mốt nhất lúc ấy để làm tín vật. Sau khi cùng bạn bè xếp 99 hộp Iphone 6 thành hình trái tim, anh chàng đã dẫn cô gái vào bên trong “trái tim Iphone” rồi tặng hoa và cầu hôn trong sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp; không ngờ người anh ta yêu đã thẳng thừng từ chối. Kết cục của màn cầu hôn không thành. Chàng trai không những thiệt hại lớn về kinh tế mà anh ta đã trở nên trầm cảm vì xấu hổ.

Vấn nạn ế vợ và những màn cầu hôn amp;#39;siêu độcamp;#39; ở Trung Quốc - 2

 Các ông bố bà mẹ đi tìm đối tượng cho con trai.

Khổ nhất là trai nghèo

Nếu “gái ế” là do kén chọn hoặc địa vị kinh tế, xã hội cao chủ yếu xảy ra đối với những cô gái có học thức cao, vị trí làm việc tốt; thì “trai thừa” lại chủ yếu là những đàn ông nông thôn, ít tiền. Quan niệm truyền thống về tiền cheo, sính lễ khiến vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Dương Hồng, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, đã kết hôn cho rằng, vấn đề “trai thừa” một phần bởi quan niệm của các bố mẹ cô dâu. “Nếu chàng trai muốn kết hôn, cha mẹ cô dâu tương lai sẽ yêu cầu anh ta mua nhà trước rồi nãy nói chuyện tiếp. Đó là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà mấy năm gần đây tăng rất nhanh”.

Chu, 39 tuổi, người Tô Châu đã có vợ, nói: cha mẹ là nguồn áp lực rất lớn đối với việc tìm người yêu và kết hôn. “Các bậc cha mẹ đều cho rằng họ có trách nhiệm lập gia đình cho con cái đã đến tuổi trưởng thành nên thường cưỡng ép con cái tìm đối tượng, hẹn hò, rồi chuẩn bị kết hôn”. Thế là sinh ta vấn đề cha mẹ can thiệp vào hôn nhân của con cái. Họ thường sắp xếp cho con cái gặp mặt người lạ để tìm hiểu. Nếu con cái chưa thành gia, họ sẽ bị xã hội chê trách nên tìm đủ mọi cách để ép buộc kết hôn, nếu là con gái thì phải lấy chồng trước 30 tuổi.

Tại các thành phố lớn như Thượng Hải có những khu gọi là “Tương thân giác” (Góc làm quen). Tại đó, các bậc cha mẹ dán đầy những tờ quảng cáo cho chính tay họ viết giới thiệu về con mình, từ tuổi tác, thu nhập, học lực đến tính cách. Có những người tuần nào cũng tìm đến xem, kiên trì mấy năm trời mà vẫn không ăn thua…

Ở Trung Quốc, những chàng trai ngoài 30 tuổi mà chưa kết hôn được gọi là “thặng nam” (trai thừa) với ý nghĩa là những người đàn ông thừa ra không lấy được vợ. Trong một quốc gia đông dân nhất thế giới tỷ lệ trai/gái lên tới 121/100 (2004) nay còn 113,5/100 (2015), đây quả là một vấn đề lớn! Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, năm 2016 nam nhiều hơn nữ 33,59 triệu người. Là hậu quả để lại của chính sách “mỗi gia đình chỉ có 1 con”. Mặc dù chính sách này đã được bãi bỏ năm 2015, nhưng ảnh hưởng do nó gây ra sẽ còn tiếp diễn trong vài chục năm nữa.

Theo Lan Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan