Huyện Xuân Trường, Trực Ninh (Nam Định) được xem là nơi dịch lợn tai xanh hoành hành lớn nhất nước. Khắp đường làng, ngõ xóm, vôi trắng phủ kín mặt đường. Gần 1 tháng nay, người chăn nuôi khốn đốn, cán bộ bám ổ dịch như bám trận địa...
Những ngả đường cấm lợn
Từ ngày dịch được công bố, nhiều chốt kiểm dịch được lập lên tại đầu các xã, thị trấn và giữa các huyện, tỉnh. Tại ngã ba Ngô Đồng (Giao Thủy), địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện Giao Thủy-Xuân Trường (vùng tâm dịch), giáp ranh giữa Nam Định-Thái Bình qua đò Ngô Đồng, Cồn Nhất; vôi phủ trắng xóa đường, người gác 24/24 giờ.
Xuân Trường, Nam Định đang là điểm nóng dịch tai xanh. Ảnh: N.T
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng công an Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy, Nam Định) cho biết đã huy động 15 người trực tại 2 bến đò Cồn Nhất, Ngô Đồng sang Thái Bình. Theo đó, các chốt trực yêu cầu chủ đò cam kết không chở lợn, thịt lợn từ Thái Bình sang Nam Định và ngược lại.
“Không biết đến bao giờ, họ mới trở lại mua lợn sau khi nghe tin dịch ở Xuân Trường”. Anh Trịnh Văn Thức - Người chăn nuôi |
Theo ông Thanh, sáng 1/5, xuất hiện 2 con lợn chết trôi trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn thị trấn Ngô Đồng, ngay lập tức, cán bộ có trách nhiệm đã mang đi xử lý. Trong những ngày nghỉ lễ, đoàn kiểm dịch gần như căng hết sức kiểm tra gắt gao do lo ngại nhu cầu thịt lợn tăng cao.
Chị Phạm Thị Cúc, cán bộ trạm thú y xã Xuân Tân và Xuân Trường, cho biết, thời gian làm việc từ sáng sớm cho đến tối muộn; hằng ngày đều phải báo cáo vào lúc 14 giờ, lợn chết trong ngày đều phải mang đi tiêu hủy. “Vừa qua là khoảng thời gian vất vả nhất, số lượng lợn báo ốm, bị chết vì dịch liên tục tăng”, chị Cúc chia sẻ.
Chiều 1/5, ông Văn Đăng Kỳ-Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch lợn tai xanh ở các tỉnh, đặc biệt là “điểm nóng” Nam Định đã giảm nhiều so với hơn một tuần trước. Khi có dịch, Cục Thú y đã cử cán bộ Cục và Cơ quan thú y Vùng I xuống trực tiếp “nằm vùng”, cùng chính quyền địa phương chỉ đạo chống dịch. Bộ cũng đã cấp 80 nghìn liều vaccine tai xanh để tiêm bao vây ổ dịch.
Người chăn nuôi điêu đứng
Chị Nguyễn Thị Lành (xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường) chỉ nuôi đàn lợn thịt 3 con, 1 con giống mới đẻ 10 lợn con (một trong những hộ gia đình bị dịch bệnh tấn công đầu tiên). Ngoài việc cấy lúa, đàn gà, đàn lợn là cả gia tài của chị Lành.
Chị chỉ tay vào chuồng lợn đã trống trơn, trắng xóa vôi bột, nói: “Tiền cám vẫn còn nợ, tôi đang định bán 3 con lợn thịt để lấy tiền gửi cho con học đại học ở Hà Nội. Giờ lợn không còn, tiền học con đang giục, tiền cám người ta đòi, không biết xoay xở ở đâu”.
Đoàn trạm thú y huyện Xuân Trường, kiểm tra, tiêm thuốc cho đàn lợn nhà anh Trịnh Văn Chinh. Ảnh: NT
Anh Trịnh Văn Chinh-chủ trang trại hơn 200 con lợn tại xã Xuân Tân (Xuân Trường) cho biết, đã có 60 con lợn chết. Trong đó chủ yếu là lợn giống mới sinh, lợn sữa từ 20-30 kg, sức đề kháng kém. Trận bão cuối năm 2012 khiến kinh tế gia đình anh Chinh mất trắng hàng trăm triệu đồng, vừa bắt đầu hồi phục.
Nay, đến lượt dịch lợn tai xanh khiến thua lỗ lên đến 300 triệu đồng. Anh Chinh thở dài: “Tiền thuốc đã hết hơn 10 triệu đồng, tiền cám còn nợ cũng lên đến 100 triệu. Lợn vẫn nằm trong chuồng, có con đủ cân cũng không được bán vì mọi hoạt động mua, bán lợn đều bị cấm. Sang tháng 7, gia đình tôi phải hoàn vốn ngân hàng”.
Anh Trịnh Văn Thức, người chăn nuôi tại xã Xuân Tân, Xuân Trường cho biết, hiện đã có 1 con lợn giống, 13 con mới đẻ và 2 con cân nặng 30 kg chết vì dịch bệnh và 15 con đang điều trị.
Theo anh Thức, để nuôi 30-40 con lợn phải mất 20 triệu đồng tiền cám/tháng. Nếu vay ngân hàng, lãi phải trả không đáng kể, nhưng nếu nợ tiền mua cám 60 triệu đồng thì phải mất thêm 6 triệu tiền lãi. Trong khi 70% vốn chăn nuôi lợn đều đi vay. Trong khi dịch bệnh hoành hành, giá cám lại tăng 5%. Gia đình anh Thức đang mua chịu 50 triệu đồng tiền cám.
“Trước đó, mỗi con lợn đều ăn 3kg cám/ngày. Từ ngày dịch bùng phát, gia đình tôi chỉ cho ăn 1,5 kg cám do lợn đã đủ cân để bán. Nếu lợn tiếp tục tăng trưởng quá 70 kg, thương lái địa phương không mua, phải chờ thương lái từ Móng Cái, Quảng Ninh về. Không biết đến bao giờ, họ mới trở lại mua lợn sau khi nghe tin dịch ở Xuân Trường”, anh Thức lo lắng nói.
Đài phát thanh xã Xuân Tân nhiều ngày nay thông báo, mỗi hộ có lợn chết được hỗ trợ 26.000 đồng/kg.
Chiều 1/5, Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định Lê Xuân Thủy cho biết, từ khi có dịch tới nay, trên 18.600 con lợn mắc bệnh tai xanh, trong đó, có 8.300 con chết. Theo ông Thủy, Nam Định đã tiêm được 90% số lợn nằm trong diện phải tiêm phòng. Tỉnh cũng bỏ ra 7 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng chống, dập dịch. |