"Việc thu gom xác thai nhi với tôi là đang đi thu gom thất bại của chính mình"

THÀNH GIANG - Ngày 20/08/2022 06:40 AM (GMT+7)

Không đành lòng để những em bé xấu số chưa kịp chào đời bị vứt bỏ ra sông, thùng rác, chị Nguyễn Thị Minh quyết định một mình thực hiện việc thu gom để an táng đàng hoàng cho các bé.

Trong số những thành viên của đội cứu hộ 116 tham gia vào quá trình tìm kiếm cô gái 23 tuổi mất tích ở xã Vân Côn (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) những ngày gần đây, có một người phụ nữ đặc biệt, đó là chị Nguyễn Thị Minh (34 tuổi, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Không chỉ nhiệt huyết với công việc cứu hộ cứu nạn, chị Minh còn đang duy trì hoạt động thu gom xác thai nhi sản nạn về an táng. Công việc không phải ai cũng dám làm và có thể làm, nhưng chị Minh lại quyết định làm một mình.

amp;#34;Việc thu gom xác thai nhi với tôi là đang đi thu gom thất bại của chính mìnhamp;#34; - 1

Chị Minh hiện vừa làm thành viên đội cứu hộ 116, vừa duy trì hoạt động thu gom thai nhi sản nạn

Chị Minh hiện vừa làm thành viên đội cứu hộ 116, vừa duy trì hoạt động thu gom thai nhi sản nạn

Từng làm mẹ đơn thân, bắt đầu từ giúp đỡ cho các mẹ bầu và hữu duyên đến với hoạt động thu gom xác thai nhi

Gặp chị Minh sau khi kết thúc hoạt động tìm kiếm cô gái mất tích, chị chia sẻ vừa trở về nhà vào lúc 4h sáng. Nhìn lại về hành trình làm công việc thu gom thai nhi sản nạn, chị Minh không khỏi xúc động.

Hoạt động này đã được duy trì hơn 2 năm nay, bắt đầu từ khoảng tháng 6/2020 và đa phần chị Minh làm một mình. Chia sẻ về quyết định làm công việc đặc biệt, chị cho biết đó là một điều hữu duyên và đến từ câu chuyện của chính bản thân.

‘‘Cách đây khoảng 11 năm, mình cũng từng làm mẹ đơn thân. Sau vài năm yêu nhau, khi phát hiện có thai, bạn trai bỏ. Thời điểm đó mình chấp nhận sinh con và nuôi con 1 mình. Chính vì vậy mình hiểu được tâm tư và tình trạng của những mẹ bầu khi rơi vào tình huống như vậy.

Từ khi sinh bé đầu tiên vào năm 2011, sau đó mình tham gia vào hoạt động bảo vệ sự sống nhưng không thiên về lĩnh vực cứu trợ thai nhi mà chủ yếu giúp đỡ, làm công tác tư tưởng cho các mẹ bầu có ý định phá thai hoặc họ tìm đến vì cần sự hỗ trợ, tư vấn về tâm lý tư tưởng. Mình đưa ra lời khuyên, giúp các bạn đó có động lực giữ lại thai’’ - chị Minh chia sẻ.

Mãi đến năm 2020, khi nghe một người bạn kể về việc có những phòng khám phá thai rất nhiều, nhưng sau đó thường vứt ra sông hoặc xử lý theo kiểu rác thải y tế. Điều này khiến chị Minh thôi thúc phải làm gì đó để các em bé xấu số không có cơ hội được sinh ra phải được an táng đàng hoàng.

‘‘Ban đầu cũng rất bị tâm lý khi mình sợ, sợ thất bại trong việc thuyết phục các phòng khám cho đem về chôn cất. Nhưng thương quá phải làm thôi. Trong vòng 3 ngày 3 đêm, mình cầu nguyện để làm sao đi nói chuyện với người ta có kết quả tốt nhất. 

Thật sự may mắn và cơ duyên. Khi đến làm việc với anh chị chủ phòng khám họ đã nhận lời luôn. Họ cho mình đón các bé từ năm 2020 đến nay. Mình hiện vẫn làm một mình. Thời gian đầu cũng không có kiến thức, kinh nghiệm để làm đúng về tâm linh lẫn pháp luật. Mình có nhờ và hỏi một nhóm hoạt động tương tự nhiều năm ở Hải Hậu (Nam Định), mọi người chia sẻ, giúp đỡ hỗ trợ khăn trắng, hộp nhựa, các túi zip để bảo quản các bé trong tủ đông sao cho hợp vệ sinh môi trường và được sạch sẽ’’ - chị Minh cho biết.

amp;#34;Việc thu gom xác thai nhi với tôi là đang đi thu gom thất bại của chính mìnhamp;#34; - 3

Sau khi thu gom xác thai nhi, chị Minh sẽ cho vào tủ cấp đông, sau đó đưa sang nghĩa trang ở Nam Định để an táng các bé

Sau khi thu gom xác thai nhi, chị Minh sẽ cho vào tủ cấp đông, sau đó đưa sang nghĩa trang ở Nam Định để an táng các bé

Mỗi tháng số lượng thai nhi bị bỏ chị Minh thu gom được khoảng từ 100 - 130 bé. Chị Minh sẽ vệ sinh, cho vào tủ đông sau đó chuyển sang nghĩa trang ở Nam Định để an táng. Cứ 2 tháng 1 lần sẽ có các thánh lễ theo nghi thức Công giáo để an táng những thai nhi sản nạn.

Để tránh những rắc rối, chị Minh âm thầm làm một mình, khả năng và kinh tế đến đâu làm đến đó. Chị tự mua tủ cấp đông và các vật dụng khác, không nhận hỗ trợ từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Dần dần công việc được nhiều người biết đến và ngỏ ý muốn làm chung. Chị Minh mong muốn mở rộng khu vực, có thể đón các bé ở bệnh viện thành phố. 

‘‘Về kinh phí thì gia đình tự chi trả, cũng không tính toán vấn đề đấy. Mình đã xác định làm vì các cháu thôi, nên cũng không nghĩ gì nhiều và cũng không muốn được biết đến rầm rộ. Trước giờ mình chỉ chia sẻ những câu chuyện đi đón thai nhi lên Facebook để mọi người biết được, đặc biệt là những mẹ bầu có thể đọc được, tìm đến mình giúp đỡ để ngăn chặn và hạn chế việc phá thai đến mức tối đa nhất.

Mình đã giúp được nhiều mẹ bầu về vấn đề giữ lại con. Mình không cần danh tiếng gì cả, chỉ muốn làm sao truyền tải được thông điệp đến các mẹ và các bạn trẻ bây giờ để mọi người nâng cao nhận thức, có lối sống tốt đẹp hơn’’ - chị Minh tâm sự.

Nghĩa trang nơi an táng các bé thai nhi xấu số

Nghĩa trang nơi an táng các bé thai nhi xấu số

Cầu xin gia đình đừng bỏ thai to đã 6 tháng tuổi

Trong quá trình làm công việc thu gom xác thai nhi, chị Minh gặp không ít những trường hợp đặc biệt. Nhớ lại về câu chuyện đau lòng khi em bé đã được 6 tháng tuổi bị phá khiến chị nghẹn ngào và tự trách bản thân không thể cứu được.

Đó là lần chị tức tốc bắt taxi từ Thái Bình lên Hà Nội khi nhận được tin có trường hợp bỏ thai to đã 6 tháng tuổi. Khi lên đến phòng khám, chị gặp bạn nữ là sinh viên đang mang thai và người nhà, cầu xin họ đừng phá và chấp nhận hỗ trợ toàn bộ chi phí từ lúc mang bầu đến khi sinh. Thậm chí nếu gia đình không có điều kiện nuôi bé chị sẵn sàng nhận về nuôi dưỡng chăm sóc. Tuy nhiên gia đình cương quyết phá, chị không làm gì được, đành đợi đưa bé về an táng.

‘‘Hôm đấy gần như mình đã khóc vì thương bé quá, đã 6 tháng rồi. Khi đến nơi bạn nữ đã vào phòng khám, mình xin vào với danh nghĩa là người nhà để nói chuyện. Nhưng mà rất buồn là gia đình lẫn bạn nữ kia rất cương quyết phải phá. Lúc đó mình bất lực vô cùng, mình khóc và xin gia đình được đón bé về an táng.

Sau khi bạn nữ mang thai đã ngậm 2 viên thuốc, mình có nói với bạn đó lẫn người mẹ rằng "kể cả đã uống 2 viên thuốc cũng được, cô chỉ cần gật đầu đồng ý cháu sẽ gọi cấp cứu đưa vào bệnh viện để hỗ trợ giữ lại thai". Nhưng thực sự họ quá cương quyết, không nghe theo.

Mình lên Hà Nội từ đầu giờ chiều đến 8h tối bé mới ra và đón bé về. Khi bế em bé trên tay, vẫn còn nóng. Thực sự nghĩ quá bất lực, đến bây giờ nhắc lại vẫn còn xúc động. Thậm chí mình còn tự trách bản thân, nếu lúc đó mình mạnh mẽ hơn để thuyết phục được gia đình có khi giữ được bé, không bị phá’’ - chị Minh nghẹn ngào kể lại.

Ngày giờ mất của thai nhi được chị Minh ghi lại rõ ràng

Ngày giờ mất của thai nhi được chị Minh ghi lại rõ ràng

‘‘Việc thu gom thai nhi sản nạn là đang đi thu gom lại thất bại của chính mình’’

Rất may mắn một điều là công việc của chị Minh nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình. Trước khi quyết định thực hiện hoạt động nhân đạo này, chị có hỏi ý kiến chồng và được chấp nhận, không phản đối. Chị Minh là người Vĩnh Phúc, lấy chồng về Thái Bình được khoảng 10 năm. Sau những biến cố, hiện tại chị có một gia đình hạnh phúc với 3 cháu nhỏ và người chồng tâm lý.

‘‘Thực sự khi mình thực hiện công việc vì cộng đồng, nếu gia đình không thông cảm và hiểu được cho nhau thì cũng khó để làm được. Mình cũng cân đối, sắp xếp để lo liệu cho việc gia đình bên cạnh các hoạt động vì cộng đồng.

Ban đầu mình cũng băn khoăn việc để tủ trữ đông các bé tại nhà vì nhà còn 3 cháu nhỏ. Nhưng từ ngày làm thấy không có việc gì xấu xảy ra nên cũng cứ làm thôi. Nhiều người bảo mình liều, dám để ở nhà nhưng thấy không vấn đề gì cả’’ - chị Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, chị Minh cho biết việc thu gom thai nhi không phải là định hướng hoạt động lâu dài. Điều chị mong muốn nhất chính là có một nhóm chuyên tiếp cận các mẹ bầu lầm lỡ, để chia sẻ, làm công tác tư tưởng, tâm lý để hạn chế tối đa việc phá bỏ thai. Việc thu gom thai, chị Minh coi đó như một thất bại và đang đi thu gom thất bại của chính mình.

Chị Minh còn muốn giúp đỡ các mẹ bầu có chỗ ăn ở miễn phí. Vì chị hiểu khi rơi vào tình huống đó, một là sẽ giấu gia đình, hai là rất khó khăn khi bị bạn trai bỏ rơi, có muốn giữ thai lại cũng rất khó. 

‘‘Vì tâm lý mẹ bầu thường rất phức tạp, nay buồn mai vui. Nhất là khi rơi vào hoàn cảnh đang muốn bỏ thai lại càng đau khổ, chỉ nghĩ theo hướng tiêu cực. Nên mình muốn làm sao để có một nhóm thay phiên nhau, người này bận thì người kia làm, để giữ được thai.

Mình cũng rất muốn có những bạn trẻ tham gia hoặc là những người thực sự tâm huyết làm cùng. Để hạn chế tối đa việc các bé bị vứt bỏ. Một mình mình làm còn nhiều hạn chế vì còn công việc nhà. Nên mình rất muốn những bạn khác dù là ở nơi khác cũng được, chung tay góp sức để giữ hoặc đón các bé về’’ - chị Minh chia sẻ.

Những chuyến xe chở các sinh linh bé bỏng đến nơi an táng

Những chuyến xe chở các sinh linh bé bỏng đến nơi an táng 

Hy vọng mọi người hãy suy nghĩ kĩ trước quyết định bỏ thai, hướng tới lối sống trách nhiệm 

Theo chị Minh, việc phá thai ngày càng trở thành vấn nạn của xã hội, giới trẻ ít kinh nghiệm về giáo dục giới tính, không có biện pháp phòng tránh cho bản thân. Thường những bạn nữ rơi vào trường hợp ngoài ý muốn đều giữ bí mật, không dám chia sẻ, kín đáo tìm đến các phòng khám. 

Với việc trực tiếp chứng kiến những sinh linh bé nhỏ không được chào đời. Chị Minh mong muốn chương trình về giáo dục giới tính sẽ được đưa vào giảng dạy cho học sinh cấp 2, cập 3. Về phía các bậc phụ huynh, nên chia sẻ với con, hướng dẫn con cách bảo vệ bản thân.

Đồng thời các bạn trẻ hãy luôn trau dồi các kiến thức và tỉnh thức trong mọi vấn đề, biết tự bảo vệ bản thân vì trong mọi cuộc tình, người thiệt thòi nhất luôn là phái nữ. Để xảy việc có bầu, chuyện đi phá hay giữ lại thì người phụ nữ luôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Cùng với đó, mong muốn cả các bạn nam cũng nên có trách nhiệm chia sẻ với bạn nữ về vấn đề và chuyện mình làm ra. 

THÀNH GIANG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h