Ngày nay, việc truy bắt tội phạm bằng cách thuê họa sỹ vẽ khuôn mặt rất ít khi được sử dụng. Theo Cục trưởng C45, truy bắt tội phạm có thể bằng nhiều phương pháp, không nhất thiết chỉ dựa vào khuôn mặt. Bởi đôi khi nhân chứng chỉ gặp thoáng qua.
Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45 – Bộ Công an) cho biết, vẽ tranh nhận diện tội phạm là một phương pháp trong khoa học hình sự mà công an các quốc gia trên thế giới có thể áp dụng trong điều tra, truy bắt tội phạm.
Đại tá Tiến cho biết, để vẽ tranh nhận dạng tội phạm, phải có một khóa đào tạo họa sỹ về khoa học hình sự. Việt Nam chưa đào tạo hoàn chỉnh một đội ngũ họa sỹ pháp y nhưng công an Việt Nam cũng như các nước phát triển khoa học kỹ thuật ít khi phải điều tra bằng vẽ tranh.
Theo ông Tiến, tất nhiên trong khoa học hình sự Việt Nam vẫn có môn nhận dạng qua miêu tả của nhân chứng để truy lùng tội phạm. Lực lượng điều tra vẫn thường xuyên phải truy bắt đối tượng qua sự mô phỏng, nhận dạng.
Gặp thoáng qua, làm sao nhớ mà tả
Đại tá Hồ Sỹ Tiến phân tích: Trong các vụ án hình sự, nhân chứng thường chỉ gặp sơ qua đối tượng. Phần lớn nhân chứng không kịp nhìn kỹ khuôn mặt đối tượng. Họ chỉ có thể nhớ và mô tả lại một vài đặc điểm cao thấp, gầy béo, màu quần áo.
Họa sỹ vẽ giống hay không phụ thuộc nhiều vào lời mô tả của nhân chứng. Những vụ án mà họa sỹ vẽ được chân dung tội phạm là do nhân chứng đã tiếp xúc nhiều lần, có thời gian gần gũi nhất định với đối tượng. Khi vẽ xong, họa sỹ cho nhân chứng nhìn lại. Có điểm gì chưa đúng, họa sỹ lại chỉnh sửa.
“Những vụ án hình sự thông thường, nhân chứng chỉ gặp đối tượng thoáng qua, làm sao nhớ được?” – Đại tá Tiến đặt câu hỏi.
Chân dung “mẹ mìn” bắt cóc trẻ sơ sinh ở TPHCM được họa sĩ phác họa qua lời kể nhân chứng
Theo Đại tá Tiến, trong vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở TPHCM vừa qua, sở dĩ họa sỹ có thể vẽ được khuôn mặt là do nhân chứng và đối tượng đã có thời gian khá dài gần gũi nhau. Sản phụ Nguyễn Thị Minh T. (31 tuổi, ngụ quận 7) cũng như một vài bệnh nhân đã có một ngày tiếp xúc, trò chuyện với Lê Thị Bích Trâm.
Một ngày trước khi xảy ra vụ bắt cóc (8/1), Trâm vào Bệnh viện quận 7 rồi đến phòng chị T. đang nằm để làm quen. Hai bên trò chuyện khá nhiều. Trâm còn xin ngủ giường bên cạnh. Vì thế nên bị hại và nhân chứng đã mô tả khá chính xác đặc điểm của Lê Thị Bích Trâm.
Ngày nay ít phải vẽ tranh
Theo người đứng đầu C45, từ trước tới nay, cơ quan này đã thực hiện thành công rất nhiều vụ truy bắt tội phạm qua lời kể nhân chứng về nhận dạng đối tượng.
“Nhưng qua lời kể để vẽ khuôn mặt, chúng tôi gần như hiếm khi phải thực hiện.” – Đại tá Hồ Sỹ Tiến nói.
Theo ông Tiến, truy bắt tội phạm phụ thuộc rất nhiều yếu tố, không nhất thiết chỉ dựa vào khuôn mặt. Hình ảnh khuôn mặt chỉ là một trong số đặc điểm để làm căn cứ truy bắt tội phạm.
Hầu hết việc truy bắt lâu nay chỉ cần thực hiện qua sự mô tả tổng thể. Phần quan trọng là do cơ quan công an truy xét từ nhiều nguồn thông tin về nhân thân, quan hệ,…
Ông Tiến lấy ví dụ: Nhiều vụ án trong nước và ở nước ngoài từng được camera ghi lại. Không mấy khi camera mô tả rõ khuôn mặt của đối tượng. Thậm chí kẻ phạm tội bịt mặt. Nhưng qua nhận dạng về hình dáng, quần áo, túi xách, giày dép, kích cỡ, khổ người,… cơ quan điều tra có thể truy bắt được đối tượng.
“Ngày nay, việc vẽ khuôn mặt để truy bắt tội phạm ít khi được sử dụng.” – Đại tá Hồ Sỹ Tiến kết luận.
Một cán bộ làm công điều tra tội phạm nhiều năm tại Hà Nội cho biết, trước đến nay cơ quan công an, khoa học hình sự không ít lần phối hợp để nhận dạng tội phạm qua lời kể nhân chứng. Mặc dù không thuê họa sỹ vẽ tranh, nhưng cơ quan điều tra luôn coi việc mô tả đặc điểm, hình dạng là yếu tố quan trọng trong truy bắt tội phạm.