Theo thống kê của WHO, nguyên nhân gây vô sinh ở nữ chiếm 30 – 40% các trường hợp, do nam chiếm 30%.
Với đời sống vợ chồng, chuyện hiếm muộn hay vô sinh sẽ trực tiếp lẫn gián tiếp làm cho mái ấm gia đình dễ lục đục, tâm lý căng thẳng, tình trạng hôn nhân dễ rạn nứt,...
BS Dương Quang Huy, Khoa Nam học BV Bình Dân TP.HCM, chia sẻ, trước đây, khi một cặp vợ chồng kết hôn lâu mà không thấy sinh con thì đa phần gia đình đều đổ lỗi cho phụ nữ. Thế nhưng ngày nay, khoa học đã chứng minh, vô sinh không chỉ do nữ giới mà nam giới cũng chiếm gần 30% nguyên nhân vô sinh.
Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 20% các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong nỗ lực sinh con. Riêng tại VN, tỷ lệ này chiếm 13%, tương đương khoảng 1 triệu cặp vợ chồng có vấn đề vô sinh.
Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ TP.HCM, cứ 6 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có một cặp bị vô sinh. Thống kê tại BV Từ Dũ, hàng năm có trên 300.000 lượt người đến khám và tư vấn về hiếm muộn. Hiếm muộn có thể đơn thuần do người vợ, do người chồng hoặc do cả hai hoặc chưa rõ nguyên nhân.
Một gia đình sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Từ Dũ
Theo thống kê của WHO, nguyên nhân gây vô sinh ở nữ chiếm 30 – 40% các trường hợp, do nam chiếm 30%, do cả 2 vợ chồng chiếm 20% và 10 % không tìm thấy nguyên nhân. Như vậy có thể thấy vô sinh do nam gần tương đương với nữ. Nhiều cặp vợ chồng khi hiếm muộn đường con cái thường hay đỗ lỗi tại phụ nữ. Đến khi đi kiểm tra thì mới vỡ lẽ.
BS Dương Quang Huy, Khoa Nam học BV Bình Dân TP.HCM, cho biết, với vô sinh nam giới, nguyên nhân thường gặp nhất là sự thay đổi về số lượng cũng như cấu trúc tinh trùng. Các nguyên nhân khác là do chất lượng tinh trùng, khả năng di chuyển hạn chế của tinh trùng;...Tỷ lệ đàn ông hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì cũng dễ dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, sự căng thẳng, bực bội trong cuộc sống cũng có thể ảnh hưởng đến sự có con của nam giới.
Với vô sinh của phụ nữ, nguyên nhân là do rối loạn hormon sinh dục, suy buồng trứng,... hoặc sau khi nạo hút thai, ngừa thai, sẩy thai dẫn đến thay đổi cấu trúc bình thường của tử cung. Một nguyên nhân ít được đề cập là do ô nhiễm môi trường như: ảnh hưởng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc trị nấm, các chất sử dụng trong công nghệ sản xuất và xử lý nhựa plastic, các loại thịt được nuôi tăng trọng, chất thải công nghiệp,... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh.
Theo Ths BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ TP.HCM, hiện có rất nhiều cách để điều trị hiếm muộn, mà tỷ lệ thành công cũng khá cao, từ 30 – 44%, tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Từ năm 2003, khi Nghị định số 12/2003 của chính phủ có qui định những phương pháp sinh sản bằng phương pháp khoa học; đến nay, cả nước đã có 14 trung tâm hỗ trợ sinh sản ra đời. Hiện cũng đang có 1 – 2 bệnh viện đang chờ sự cho phép để chính thức cho ra đời Trung tâm hỗ trợ sinh sản. Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 10.000 trẻ ra đời từ các phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm.