Cụ bà sống trong biệt thự hàng chục tỷ đồng vẫn xin đồ từ thiện bất ngờ khi xem đoạn video: "Tôi có làm gì sai đâu!"

NGỌC HÀ - Ngày 25/01/2024 09:33 AM (GMT+7)

"Tôi sống ở tầng 1, căn nhà rộng chừng 35 mét vuông được mẹ để lại. Tôi ở một mình không có chồng con, anh em đều đã mất", bà P. nói.

Hàng xóm cho biết, mùa đông năm nay, bà toàn ngủ trong nhà vệ sinh

Chiều 24/1, chúng tôi có mặt trước căn biệt thự Pháp cổ tại đường Tô Hiến Thành, phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nơi bà K.P (83 tuổi) sinh sống nhưng vẫn đi xin đồ từ thiện. Hàng xóm xung quanh thấy vậy liền cho biết: "Giờ bà P. không có nhà đâu, chắc đang đi nhặt rác ngoài phố. Đợi một lát bà ấy về sẽ gặp được".

Người này tiết lộ cụ bà P. là chủ nhân của tầng 1 tại căn biệt thự cổ, sống một mình không con, không cháu. Bà mưu sinh bằng nghề xin đồ từ thiện, nhặt ve chai hoặc ai cho gì ăn nấy. "Bà ấy sống ở đây từ lâu lắm rồi, chẳng có họ hàng thân thích.

Bà dù đã ngoài 80 tuổi nhưng khỏe mạnh, minh mẫn lắm. Bà có thể nhấc được viên gạch to lên cao mà không hề đau lưng. Còn chuyện bà đi nhặt rác và tích trữ trong nhà là chuyện xảy ra từ lâu lắm rồi, không phải mới vài năm trở lại đây", người hàng xóm thông tin.

Căn nhà của bà P. lúc nào cũng khóa cửa.

Căn nhà của bà P. lúc nào cũng khóa cửa.

Người này cũng cho biết bà P. thường sử dụng nhà vệ sinh chung ở tầng 1 để ở và tập kết rác thải. Bà ăn ngủ, đi vệ sinh tại chỗ khiến người trong căn biệt thự và cạnh nhà bị ảnh hưởng môi trường sống nghiêm trọng. Do đó, cứ vài tháng, phường, tổ dân phố và nhân viên vệ sinh môi trường phải đến dọn dẹp giúp bà nhưng được một thời gian lại đâu vào đó.

"Cách đây vài tháng, người ta cũng xuống dọn dẹp nhưng giờ lại có rác chất đống trước sân tầng 1. Tôi không rõ trong nhà bà đựng những gì nhưng then cài chặt, ít khi thấy bà mở cửa ra.

Nhiều người nói bà ngủ ngoài hiên nhưng chỉ là mùa hè thôi. Mùa đông năm nay, tôi chưa thấy bà ngủ ngoài bao giờ, toàn nằm trong nhà vệ sinh.

Cũng có người thắc mắc vì sao bà lại cư xử kỳ lạ như vậy. Tôi nghĩ một phần đó là "sở thích", chứ không phải bà có vấn đề đâu", người hàng xóm quả quyết.

Bà P. tích đầy rác thải bên cạnh hông nhà.

Bà P. tích đầy rác thải bên cạnh hông nhà.

Thi thoảng hàng xóm lại giúp đỡ hoặc cho bà P. đồ ăn thức uống. Họ bảo dù có giận việc bà tích trữ rác nhưng luôn thương bà và mong bà có một cuộc sống ổn định, không phải vất vả như hiện tại.

"Tôi khá bất ngờ khi được cho xem đoạn video nhưng tôi có làm gì sai đâu"

Một lúc sau, bà P. đạp chiếc xe đạp cà tàng về nhà, trước và sau xe chất đầy hộp giấy, vỏ nilong. Bà cho biết phải tranh thủ đi nhặt không nhân viên môi trường chất lên xe. Sau đó bà đem về nhà gom lại thành đống to đợi mai sẽ đem bán cho người ta. "Tôi bán lấy tiền dù chẳng được bao nhiêu. Tôi không nấu nướng, đi xin cơm từ thiện hoặc ai cho gì ăn nấy.

Tôi sống ở tầng 1, căn nhà rộng chừng 35m2, được mẹ để lại. Tôi ở một mình không có chồng con, anh em đều đã mất", bà P. nói.

Về đoạn phóng sự gây xôn xao mạng xã hội, bà P. kể lại: "Đêm đó, tôi nhặt ve chai trên phố và được người dân phát đồ từ thiện. Sau đó, tôi chất rác thải lên xe chở về nhà. Lúc sau, người ta nói có mấy chú quay phim đang quay tôi và theo về tận nhà. Tôi đoán chắc họ quay mình để đưa lên tivi nhưng không nghĩ lại tiêu cực như vậy.

Mấy hôm sau, tôi bảo hàng xóm cho xem đoạn video và khá bất ngờ. Song tôi không quan tâm vì bản thân có làm gì sai đâu chứ. Tôi cũng chẳng phải chủ nhân của cả căn biệt thự này, cuộc sống khốn khổ".

Khi được hỏi, "Vì sao bà lại ở nhà vệ sinh, còn nhà khoá chặt như vậy?", bà P. chia sẻ vì muốn giữ đồ đạc trong nhà nên khóa lại. Bà cũng đang dọn dẹp dần để Tết dọn vào ở, không muốn làm phiền chính quyền.

Dù đã cao tuổi nhưng bà P. vẫn chạy được xe đạp đi nhặt rác.

Dù đã cao tuổi nhưng bà P. vẫn chạy được xe đạp đi nhặt rác.

Về thân thế, bà P. tiết lộ bản thân là gái Hà Nội chính gốc. Xưa bà học sư phạm, từng có thời gian giảng dạy tại Hải Hưng (nay là 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Sau đó, bà về lại Hà Nội công tác trong một tòa soạn báo ở vị trí đọc bông (tức sửa lỗi chính tả).

"Tôi công tác một thời gian thì nghỉ nên giờ không có lương hưu. Tôi dù tuổi cao nhưng vẫn nhớ như in tháng ngày làm việc tại tòa soạn báo đó. Nhờ trời thương nên tôi có một trí nhớ tốt, minh mẫn, chứ không lú lẫn như nhiều người già".

Bà P. chia sẻ bà đi nhặt rác, gom thành đống để hôm sau mang đi bán.

Bà P. chia sẻ bà đi nhặt rác, gom thành đống để hôm sau mang đi bán.

Người phụ nữ 83 tuổi cũng cho biết thêm, chính quyền từng đề nghị sửa nhà, lát sàn, mua giường chiếu, ti vi… để bà dọn vào ở. Song bà không đồng ý và cho rằng cái gì của mình làm ra vẫn ý nghĩa hơn đồ của người khác. Bà không muốn bản thân "phụ thuộc" vào chính quyền.

Tối ngày 22/1, bản tin Chuyển động 24h của VTV lên sóng một phóng sự phản ánh tình trạng giả người vô gia cư để xin đồ ăn từ các nhóm thiện nguyện. Trong phóng sự, phóng viên đã bí mật đi theo một cụ bà sau khi lấy đầy một xe quà.

Đi vòng vèo qua vài con phố, điểm đến của cụ bà này là một căn nhà 3 tầng trên mặt phố Tô Hiến Thành. Nhiều người khẳng định giá trị của căn nhà này lên đến hàng chục tỷ đồng.

Mạng xã hội TikTok sau đó lại xuất hiện thông tin và clip ghi lại hình ảnh cụ bà được nhắc trong phóng sự của VTV. Theo hình ảnh từ các tài khoản TikTok, cụ bà nằm ngủ dưới mái hiên của ngôi nhà, hằng ngày bà cụ đi nhặt rác, xin cơm ăn qua ngày.

Các đoạn clip trên khiến nhiều người nghi ngờ nội dung phản ánh về của phóng sự VTV thực hiện. Song lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành cho biết, cụ bà trong phóng sự của VTV có nhà, không phải người vô gia cư.

Lãnh đạo phường Lê Đại Hành cho hay, do chất đầy rác trong nhà, bà P. thường ngủ ngoài hiên. Chính quyền phường, tổ dân phố thường xuyên xuống vận động, dọn dẹp và thu gom rác giúp bà. Chính quyền cũng xác nhận từng đề nghị sửa sang nhà cửa cho bà ở nhưng bà không đồng ý.

Xôn xao chuyện cụ bà ở nhà chục tỷ trên phố Hà Nội đi xin đồ từ thiện: Chính quyền lên tiếng
Lãnh đạo phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã thông tin về gia cảnh cụ bà xuất hiện trong phóng sự người vô gia cư giả đi xin đồ từ thiện...

Tin tức Hà Nội

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cư dân mạng