"Thằng bé 2 tuổi, anh ấy bỗng thay đổi tính nết và bỏ đi không lời từ biệt. Hiện tại con bé lớn đã 11 tuổi, thằng út 7 tuổi nhưng chưa bao nhận được lời hỏi thăm, đồng tiền trợ cấp từ bố ruột", chị Kiều nói.
Chuyện 3 mẹ con có đôi chân “ngắn tủn” không còn xa lạ đối với đông đảo người dân tại Bến Tre nói riêng và miền Tây nói chung. Họ thường xuyên thấy cảnh 3 mẹ con rong ruổi khắp đường lớn rao bán, mời mọi người mua vé số. Nhiều người thương cảm sẵn sàng mua ủng hộ, cho thêm để hai đứa trẻ nhanh chóng được về nhà nghỉ ngơi.
Chị Kiều – người mẹ trong câu chuyện tâm sự: “Dạo này kinh tế khó khăn nên mẹ con tôi bán được ít hàng lắm! Có bữa tôi đi từ sáng sớm đến trưa mà chỉ bán được vài tờ thôi.
Lũ nhỏ thấy mẹ bán vé số chật vật nên ngỏ ý xin tách ra để đi bán. Ban đầu tôi sợ lắm vì lo con còn nhỏ, ngộ nhỡ gặp cướp thì sao. Sau đó con động viên không ai “bắt nạt” người tí hon nên tôi mới gật đầu đồng ý dù lúc nào cũng nơm nớp lo sợ”.
Chị Kiều vốn sinh ra trong gia đình có 4 chị em, trong đó chỉ có chị tật nguyền từ lúc nhỏ. Chị cho biết từng nghe mẹ ruột kể rằng lúc chào đời chị bình thường như các anh chị em trong nhà. Năm 2 tuổi chị mới biết đi và càng lớn chân càng... ngắn tủn.
3 mẹ con chị Kiều.
“Gia đình không có điều kiện nên tôi chẳng được đưa đi bệnh viện thăm khám xem mắc căn bệnh gì. Sau này tôi lớn lên, đi làm có tiền cũng không có ý định đi kiểm tra vì dù sao cũng vậy rồi.
Tôi vẫn thường nói với mẹ rằng bản thân thiệt thòi so với anh chị em trong nhà nhưng đổi lại được nhận nhiều tình yêu thương từ mọi người. Tôi hài lòng và chấp nhận”, chị Kiều bộc bạch.
Người con gái xứ dừa cứ thế trưởng thành với thân hình tí hon và luôn khát khao có một tình yêu trọn vẹn giống như bao cô gái trong xóm. Chị chăm chỉ làm lụng kiếm tiền nuôi thân để gia đình thấy bản thân “tàn nhưng không phế”.
“Một hôm, tôi lên xưởng - nơi em trai làm việc để thăm non. Tôi tình cờ gặp gỡ anh – em trai ruột của chủ xưởng. Cả hai giới thiệu bản thân và trò chuyện xã giao vài câu. Anh ngỏ ý xin cách liên hệ để sau này có cơ hội trò chuyện dài lâu.
Tôi nghĩ anh hỏi vậy cho lịch sự, chứ người bình thường ai thích giao du với cô gái tí hon. Ngờ đâu anh đã liên lạc và ngỏ lời yêu thương. Anh bảo thấy tôi nói chuyện dễ thương và thương số phận thiệt thòi nên muốn bù đắp, làm chỗ dựa vững chãi cho quãng thời gian về sau”, chị Kiều nhớ lại.
Lúc đó, chị Kiều bật khóc vì hạnh phúc. Chị khuyên người đàn ông cần suy nghĩ thật kỹ về mối quan hệ này vì chị là người tật nguyền, mọi sinh hoạt trong cuộc sống không hề suôn sẻ. Anh vẫn quyết dắt chị về quê ở Kiên Giang ra mắt gia đình. “Bố mẹ anh ấy không kỳ thị người khuyết tật, thậm chí rất thương yêu tôi. Họ đồng ý để chúng tôi nên nghĩa vợ chồng”, chị tâm sự.
Cưới nhau, vợ chồng chị Kiều dù không sung túc nhưng luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Hằng ngày chị được ông xã ân cần chăm sóc, làm hết việc nhà. “Một thời gian sau tôi có bầu, anh ấy vui lắm vì sắp được làm cha. Còn tôi luôn băn khoăn chuyện con sẽ mang gen di truyền của mẹ. Anh thấy vậy động viên dù như thế nào cũng là con của cả hai.
Ngày con bé chào đời, tôi mừng rỡ khi con bình thường như bao đứa trẻ sơ sinh khác. Song con càng lớn, chân càng ngắn giống như tôi ngày xưa”, chị Kiều nói.
Cuộc sống của 3 mẹ con khó khăn nhưng luôn lạc quan, hướng về tương lai phía trước.
2 năm sau, chị Kiều tiếp tục mang thai đứa con thứ 2. Chị hi vọng con sẽ mang gen bên nhà nội để có một cơ thể bình thường. Nhưng bà mụ oái oăm tiếp tục nặn một đứa trẻ giống… mẹ và chị gái. Chị gục ngã và thương con gấp bội bởi bản thân biết rõ sau này con lớn lên sẽ thiệt thòi ra sao.
“Tuy nhiên tôi đâu có thay đổi được số mệnh của các con, đành chấp nhận thôi. Anh ấy cũng yêu thương các con lắm.
Thằng bé 2 tuổi, anh ấy bỗng thay đổi tính nết và bỏ đi không lời từ biệt. Hiện tại con bé lớn đã 11 tuổi, thằng út 7 tuổi nhưng chưa bao nhận được lời hỏi thăm, đồng tiền trợ cấp từ bố ruột. Còn bên nội thi thoảng vẫn thăm hỏi, gọi tôi về nhà.
Bữa trước, bà nội tụi nhỏ gọi hỏi Tết này có về Kiên Giang hay không, tôi bảo với bà rằng làm nay không làm ăn được, tiền tàu xe tăng giá nên không dám đưa các con về”, chị Kiều chia sẻ.
Bé Ly – con gái của chị Kiều đang học cấp II. Hằng ngày em đến trường học chữ rồi tranh thủ về cơm nước, giặt quần áo và dọn dẹp nhà cửa phụ giúp mẹ. Sau đó, đến chiều tối, em sẽ cùng mẹ và em trai ra đường bán vé số.
“Còn tôi đi bán từ 5h sáng đến trưa về ăn uống và nghỉ ngơi. Chiều tầm 15h tôi lại lết ra ngoài lộ bán đến 21h mới về. Cuộc sống cứ thế trôi đi, dù có nhiều khó khăn nhưng tôi luôn tự động viên bản thân phải cố gắng vì các con. Tôi không được phép đầu hàng trước số phận nghiệt ngã này”, người phụ nữ rưng rưng.