Nếu Việt Nam khởi kiện vụ việc này ra Tòa án quốc tế thì khả năng thắng kiện tới 90%. Thắng theo nghĩa, những gì luật pháp quốc tế quy định về vùng biển thuộc Việt Nam thì nó sẽ là của Việt Nam.
Xung quanh vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chiều 11/5, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, chuyên gia nghiên cứu về Luật Biển Quốc tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển Việt Nam.
Thưa ông, trước chứng cứ rõ ràng về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào thăm dò ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dùng vũ lực uy hiếp, đâm tàu công vụ của Việt Nam khiến nhiều kiểm ngư viên bị thương. Vậy đến thời điểm này, chúng ta có nên xem xét khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi, ở thời điểm này, Việt Nam hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Bởi lần này, Trung Quốc vào tận vùng biển Việt Nam, không chỉ có tàu dân sự mà họ đưa tàu công vụ cùng tàu quân sự và có hành vi dùng vũ lực đâm tàu công vụ của Việt Nam. Những hành động đó thực chất là hành vi xâm lược. Theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nghiêm cấm các nước sử dụng vũ lực và dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vi phạm vào quy định đó.
Trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc, nếu Việt Nam không quyết liệt thì sẽ mất đường ra Biển Đông, nhân dân khó thực hiện các hoạt động kinh tế ở biển. Vì vậy, Việt Nam phải hành động trên nhiều mặt trận khác nhau, mặt trận ngoại giao, mặt trận pháp lý. Trên thực địa, Việt Nam phải kiên trì, kiên quyết và khôn khéo để khẳng định và bảo vệ được chủ quyền của chúng ta ở vùng đặc quyền kinh tế, không để Trung Quốc tạo ra một tiền lệ và họ sẽ lấn tới.
Ở đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, giờ Trung Quốc đang ngang nhiên xây dựng nhiều công trình trái phép. Đây là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, mà đã là chủ quyền lãnh thổ thì được coi là hành vi xâm lược. Trung Quốc cứ rêu rao rằng đó là của họ, họ làm đúng pháp luật. Vậy thì Việt Nam có thể thách thức rằng, nếu như Trung Quốc cho rằng đó là hành vi hợp pháp với luật pháp quốc tế thì hãy cùng Việt Nam ra trước tòa án công lý quốc tế Liên Hợp Quốc để lập hồ sơ và cho tòa án phán xét. Trong trường hợp Trung Quốc từ chối không công nhận thẩm quyền của Tòa án quốc tế thì điều đó sẽ vạch rõ sự thật hợp pháp hay không hợp pháp, hành vi muốn thôn tính biển đảo của Trung Quốc.
Hành vi mang tính xâm lấn của Trung Quốc như tuyên bố cấm đánh bắt hải sản ở vùng biển nằm trong vùng đặc quyền của Việt Nam; rồi hành vi mời gọi các nhà thầu nước ngoài vào để khai thác thăm dò. Đặc biệt là hành vi dùng vũ lực trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hành động đó đang xâm lấn quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm công ước Luật Biển năm 1982. Với những chứng cứ đó, chúng ta hoàn toàn có đủ hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Lúc này, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Việt Nam có khả năng thắng không thưa ông?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Nếu theo căn cứ pháp lý thì Trung Quốc chắc chắn đuối lý, họ đang mong muốn với chính sách bá quyền của nước lớn, với đồng tiền sẽ chia rẽ được các nước nhỏ, lợi dụng, gây sức ép các nhà lãnh đạo. Điều đó đã thể hiện rõ mưu đồ của Trung Quốc thông qua những hành động gần đây, đặc biệt với việc họ đặt giàn khoan ở trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo tôi, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế thì khả năng thắng kiện tới 90%. Thắng theo nghĩa, những gì luật pháp quốc tế quy định về vùng biển thuộc Việt Nam thì nó sẽ là của Việt Nam.
Chúng ta sẽ có được sự công nhận của công lý quốc tế, công nhận về chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta đối với những vùng biển, những hòn đảo mà phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam không thể Trung Quốc “lập lờ” bằng sức ép chính trị, sức ép kinh tế và bằng vũ lực để lấn áp, xâm chiếm chúng ta. Trung Quốc đang muốn lập trật tự, họ như một tay “nhà giàu” mới nổi tham gia vào cuộc chơi trên trường quốc tế. Họ đối đầu với cả Mỹ và đang loay hoay tìm một không gian riêng. Đó là một sai lầm trong thời đại hiện nay.
Ngày 11/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức phiên họp mở rộng bất thường, đưa ra bản tuyên bố trước hành động ngang nguợc này của Trung Quốc. Vậy bản tuyên bố nhằm mục đích gì thưa ông?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Trước hết, bản tuyên bố của Liên đoàn Luật sư Việt Nam phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và gần đây nhất là ở thềm lục địa, vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là tuyên bố phản ánh lập trường của Việt Nam trên những vấn đề pháp lý quốc tế và quốc gia, bày tỏ quyết tâm sẵn sàng cùng với Chính phủ Việt Nam góp phần vào việc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trong lời tuyên bố, bức tranh tổng thể về chính sách bành trướng lấn chiếm ở Biển Đông trong suốt thời gian dài của Trung Quốc được nêu lên. Điều đó thể hiện rõ, Trung Quốc có sự toan tính kỹ, từ việc đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền Việt Nam đến chuỗi các hành động lấn chiếm xuống phía Nam và thôn tính vùng Biển Đông của chúng ta. Liên đoàn Luật sư coi đó như là căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng để chúng ta có thể lập hồ sơ đưa Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì lúc này để bảo vệ chủ quyền trên vùng biển thuộc lãnh thổ của mình?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao: Trước tình hình hiện nay, ngoài việc khởi kiện, Việt Nam sẽ lấy tư cách thành viên Liên Hợp Quốc đề nghị Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc họp và bàn về vấn đề này. Tất nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng theo cơ chế của hội đồng này mà Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên thường trực thì cũng khó. Nhưng việc chúng ta nêu vấn đề của Trung Quốc ra Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cho thấy quyết tâm của Việt Nam. Đồng thời, cũng như một biện pháp tấn công về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc, trước hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc để đánh động cho toàn thế giới thấy rằng Việt Nam cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.