Ngày 16/4, các nguồn tin cảnh sát cho biết, hai quả bom phát nổ trong cuộc thi marathon quốc tế ở thành phố Boston chiều 15/4 (giờ Mỹ) được làm từ hai nồi áp suất chứa đầy mảnh kim loại, đinh và vòng bi.
Hai quả bom làm từ hai nồi áp suất loại 6 lít phát nổ gần như đồng thời gần vạch đích, cướp đi 3 sinh mạng (trong đó có 1 cậu bé 8 tuổi và một phụ nữ 29 tuổi) và làm bị thương ít nhất 176 người. Bom được giấu trong ba lô màu đen. Một trong hai quả bom “bẩn” có thể được kích hoạt bằng thiết bị hẹn giờ.
Loại bom làm từ nồi áp suất thường được sử dụng ở Afghanistan, Ấn Độ, Nepal và Pakistan, theo một cuốn sách mỏng do Bộ An ninh nội địa Mỹ phát hành năm 2010.
Mặc dù chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Boston, nhưng những thiết bị tương tự được sử dụng trong một kế hoạch năm 2010 nhằm đánh bom Quảng trường Thời đại. Người đánh bom thất bại là Faisal Shahzad đã thừa nhận rằng, ông ta trải qua khóa đào tạo chế tạo bom tại một doanh trại của phiến quân Hồi giáo ở Pakistan.
Bom bẩn làm từ nồi áp suất và các mảnh sắt sắc nhọn
Bom nồi áp suất cũng là vũ khí ưa thích của al-Qaeda và được coi là vũ khí hiệu quả nhất của những chiến binh Hồi giáo sẵn sàng tử vì đạo, theo tạp chí chuyên về khủng bố viết bằng tiếng Anh tên là Inspire.
Một bài báo khác của Inspire đăng hồi năm ngoái liệt kê “những mục tiêu quan trọng nhất của kẻ thù” dành cho các tay súng thánh chiến ở Mỹ. Những mục tiêu này bao gồm các sự kiện thể thao lớn.
Mục tiêu nhằm vào là “đám đông để gây ra thiệt hại lớn nhất về người”, một kẻ khủng bố tên là Abu Musab al-Suri viết. “Công việc rất đơn giản vì có rất nhiều mục tiêu như vậy, như đấu trường thể thao đông người, sự kiện xã hội thường niên, triển lãm quốc tế quy mô lớn…”, al-Suri nói.
Trong số 176 người bị thương trong vụ nổ kép, 17 người đang trong tình trạng nguy kịch và ít nhất 10 nạn nhân cần phải cưa chân vì chân bị bom phá nát bét. Trong số 9 trẻ em bị thương, có một cậu bé 2 tuổi bị thương ở đầu.
Các bác sĩ điều trị cho những người bị thương đều nói rằng, hai thiết bị nổ chứa mảnh kim loại sắc nhọn. Họ gắp được nhiều mảnh nhọn và bi sắt từ thân thể của các nạn nhân.
Vị trí hai quả bom phát nổ
Các điều tra viên vẫn chưa biết động cơ của vụ đánh bom kép. Họ cũng chưa có trong tay một kẻ tình nghi cụ thể.
Các báo cáo ban đầu nói rằng, cảnh sát đã bắt một người Ảrập đamg được điều trị bỏng và vết thương do mảnh bom cứa vào. Một thường dân phát hiện người Ảrập hành động khả nghi tại hiện trường.
Đêm 16/4, các quan chức Mỹ tiết lộ nhân thân kẻ tình nghi. Đó là Abdulrahman Ali Alharbi, 22 tuổi. Anh này được coi là nhân chứng, thay vì là nghi phạm. Hai mươi cảnh sát và quan chức liên bang lục soát nhà của Alharbi tối qua, nhưng không phát hiện điều gì bất thường.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thề đem những kẻ đánh bom ra công lý. “Người Mỹ sẽ không khiếp sợ”, ông Obama nói.