Là một vũ nữ xinh đẹp, nổi tiếng Sài Gòn những năm đầu thập niên 60 nhưng Cẩm Nhung lại có một số phận vô cùng bi thảm.
Bà Cẩm Nhung (SN 1940, quê Hà Nội) là một vũ nữ nổi tiếng Sài Gòn những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Bà là người phụ nữ đẹp nhưng “bạc mệnh” với bao đớn đau, tủi hờn của cuộc đời.
Từ nhân viên bưng bê trở thành vũ nữ
Năm 15 tuổi, cô gái Hà thành cùng gia đình di cư vào Sài Gòn mưu sinh nhưng chưa kịp quen nhịp sống nơi phồn hoa thì cha cô qua đời. Lúc này, gia đình cô chỉ còn lại 3 người phụ nữ: mẹ, bà vú và Cẩm Nhung nương tựa vào nhau.
Mẹ của Cẩm Nhung làm đủ thứ nghề, bươn chải khắp các con hẻm để có thể kiếm đủ tiền cho con gái có điều kiện được đi học tiếp. Tuy nhiên, cô gái ấy đã dậy thì trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, tự ý thức được việc cần phải làm gì đó để đỡ đần mẹ.
Nghĩ là làm, Cẩm Nhung quyết định thôi học rồi xin làm nhân viên bưng bê cho một nhà hàng ca nhạc. Tại đây, cô đã được tiếp xúc với những điệu nhảy, điệu nhạc xập xình… Dần dần, cô trở thành gái nhảy chuyên nghiệp làm say đắm bao chàng trai trẻ.
Vũ nữ Cẩm Nhung xinh đẹp.
Năm 18 tuổi, cô gái gốc Hà Nội dựa vào nhan sắc “chim sa cá lặn” tự mình bước chân vào thế giới đèn màu. Vũ trường đầu tiên mà Cẩm Nhung “công tác” chính là Grand Mond cạnh sòng bài Đại Thế Giới tại Chợ Lớn. Tháng 7/1958, cô nàng đầu quân về vũ trường Kim Sơn – nơi quy tụ nhiều vũ nữ trẻ trung và nhảy đẹp.
Một số người dân sống quanh vũ trường Kim Sơn từng kể rằng, ở đây vốn có một gái nhảy mang sắc đẹp khiến hàng trăm khách đeo bám. Vậy mà khi Cẩm Nhung xuất hiện, vị trí số 1 của cô gái kia đã bị “soán ngôi”. Nhưng cô này không hề ghen tức, thậm chí còn thẳng thắn cảnh tỉnh cô nàng bằng câu nói: “Nhan sắc quá đẹp, quá ăn khách đối với gái nhảy là con dao 2 lưỡi. Em phải cẩn thận trong các mối quan hệ để đề phòng những tình huống không hay”.
Được “đàn chị” chia sẻ kinh nghiệm nhưng dường như Cẩm Nhung không chịu nghe, chìm đắm trong cuộc sống nhung lụa…Vì thế chỉ thời gian ngắn, cô nàng phải lĩnh hậu quả vô cùng thê thảm – đó cũng là bước ngoặt đẩy cuộc đời cô vào ngõ cụt.
Màn đánh ghen tàn bạo và rùng rợn
Vào những năm đầu của thập niên 60, Cẩm Nhung trở thành vũ nữ nổi tiếng được cánh đàn ông thay nhau “săn đón”, trong đó có trung tá công binh Trần Ngọc Thức – người từng trải, nghiện nhảy đầm. Sau lần gặp đầu tiên, cả hai đã si mê nhau, quay cuồng trong những điệu nhảy… rồi tiến tới hẹn hò.
Lúc bấy giờ, Cẩm Nhung biết người tình đã có vợ con nhưng vẫn bất chấp, tình nguyện trở thành nhân tình bé nhỏ. Và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, mọi chuyện đã đến tai bà Nguyệt – vợ của Ngọc Thức.
Cả nước chấn động với màn đánh ghen tàn bạo và rùng rợn.
Ban đầu, người phụ nữ này đón đường, buông lời hăm dọa và bạt tai Cẩm Nhung để dằn mặt. Mặt khác bà về nhà khuyên chồng “quay đầu” làm tròn bổn phận người chồng người cha. Tuy nhiên cặp đôi vẫn bất chấp tất cả, ngất ngây bên nhau. Lúc này bà Nguyệt âm thầm chuẩn bị một kế hoạch đánh ghen tàn bạo và rùng rợn nhất thành phố, gây chấn động cả Sài Gòn và miền Nam trong một thời gian dài. Theo đó, bà mua một can axit sunfuric đậm đặc từ một cơ sở sản xuất bình ắc quy rồi thuê hai người đàn ông tiến hành vụ đánh ghen.
Đến 22h ngày 17/7/1963, trên đường rời nhà ra xe đưa đón đến vũ trường, Cẩm Nhung bị một người đàn ông tạt ca axit đậm đặc vào mặt. Cô được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng chỉ giữ được mạng sống, đôi mắt đã mù loà và nhan sắc bị huỷ hoại hoàn toàn: khuôn mặt cháy xám, thẹo lồi lõm…
3 tháng sau, một phiên tòa được mở công khai để xử những người hãm hại Cẩm Nhung. Bà Nguyệt và gã tạt axit thuê nhận bản án 20 năm tù, kẻ đồng phạm lĩnh án 15 năm. Sau đó vũ nữ xinh đẹp quyết định kháng cáo nhưng đang kháng cáo thì bị dừng lại và vụ án đi vào lãng quên.
Nửa cuối cuộc đời sống trong nghèo khổ
Bị tạt axit nhưng số tiền Cẩm Nhung có được còn rất nhiều nhưng đã bị nướng sạch trong thời gian ngắn. Sau đó bà rơi vào cảnh khánh kiệt, phải đi ăn xin khắp Sài Gòn. Nhiều người đi qua thấy vũ nữ nổi tiếng một thời phải đi ăn xin đã động lòng thương cho vô số tiền của. Và khi có tiền, bà tiếp tục ăn chơi sa đọa, tiêu tiền phung phí.
Chùa Tam Bảo, nơi Cẩm Nhung thường lui tới vào lúc cuối đời để bán vé số.
Năm 1969, sau khi “tán gia bại sản” và mẹ qua đời, Cẩm Nhung ra trước chợ Bến Thành tiếp tục ăn xin rồi về bến phà Mỹ Thuận (nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long). Sau đó bà bị đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật nhưng đã trốn ra tiếp tục ăn xin.
Nửa thế kỷ sau vụ đánh ghen, đầu năm 2013, vũ nữ Cẩm Nhung qua đời tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) vì già yếu và bệnh tật. Bà được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền rồi đưa ra nghĩa trang.