Sau bao năm cách xa, hai chiến sĩ cách mạng đã đến với nhau bằng một đám cưới chỉ có bánh kẹo và trà.
Nhắc đến chiến tranh, chúng ta sẽ luôn nghĩ đến bom đạn, khói lửa, máu đổ và hy sinh mà quên đi tình yêu – một phần không thể thiếu trong “cuộc sống” của người lính nơi chiến trường. Đó là nỗi khắc khoải, nhớ mong của cả người ra chiến trận lẫn người ở hậu phương, điển hình như chuyện của tù binh Lê Hồng Tư nổi tiếng một thời.
Nhiều lần tỏ tình nhưng thất bại
Năm 1955, chàng trai nghèo Lê Hồng Tư lên Sài Gòn vừa học tập vừa làm đủ nghề để mưu sinh. Sau đó ông được tổ chức cách mạng đưa vào các trường học để xây dựng phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên.
Tại đây, Lê Hồng Tư tình cờ gặp nữ sinh tên Nguyễn Thị Châu ở Biên Hòa đến nhập học. Ông đã bị thu hút bởi vẻ xinh đẹp, dịu dàng, cư xử lễ phép… của cô gái ấy. Đặc biệt sau thời gian học chung, trái tim của ông đã rung động yêu thương.
“Từ rung động ban đầu, tôi dần dần cảm thấy thương và muốn che chở cho người con gái nhỏ bé có nghị lực phi thường này. Dù vậy tôi vẫn không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình bởi cuộc chiến chưa biết ngày kết thúc, bao nhiêu người đã đổ máu xuống. Tôi lập gia đình thì lấy ai làm cách mạng”, ông nhớ lại.
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu.
Sau đó Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh, sinh viên được 2 năm thì phải chia xa. Ông chuyển đi căn cứ khác làm nhiệm vụ, còn nữ sinh Biên Hòa phải cố tình thi trượt để có thể được ở lại trường.
Lúc này, Lê Hồng Tư sợ “xa mặt cách lòng” nên lấy hết can đảm tỏ tình với người con gái mình yêu thầm. Ông từng kể, chiều hôm ấy trời mưa, ông tìm đến xóm trọ gặp Châu rồi nói lời yêu thương. Thế rồi, ông nhận được câu từ chối: “Anh tìm người khác đi. Tôi không muốn lập gia đình” khiến trái tim quặn thắt.
Không chịu “thất bại”, Lê Hồng Tư dự tính 6 tháng sau sẽ tỏ tình tiếp nhưng rồi không dám vì sợ trái tim đớn đau thêm lần nữa. Năm 1961, ông có hẹn gặp mặt Châu nhưng bị từ chối. Khi ấy bà cũng không ngờ rằng phải đến tận 14 năm sau mới được gặp lại ông Tư.
Nhận lời nhắn chấp nhận cầu hôn trong ngục tù
Tháng 2/1961, chiến sĩ Nguyễn Thị Châu bị địch bắt rồi giam cầm, tra tấn ở nhiều nhà tù khác nhau: Phú Lợi, hầm khói Thủ Đức… Đến tháng 7, cả Sài Gòn chấn động bởi thông tin xe của Đại sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting bị biệt động đánh bom. Đây chính là chiến công do Lê Hồng Tư chỉ huy Ban các học sinh sinh viên Sài Gòn – Gia Định thực hiện.
Ngay sau đó, quân Mỹ tìm đủ mọi cách để truy bắt nhóm của Lê Hồng Tư. Tháng 12/1962, Tòa án quân sự Sài Gòn đưa nhóm của ông ra xét xử. Ông cùng 3 đồng chí khác bị tuyên án tử hình. Và tin tức ấy nhanh chóng lan truyền trong các nhà tù.
Nụ cười hạnh phúc của bà Châu trong lễ cưới.
“Trong ngục tù, nhiều lần tôi tưởng mình chết đi sống lại vì đòn roi, sức khỏe kiệt quệ, toàn thân đau đớn. Nhưng nỗi đau thể xác ấy không là gì so với nỗi đau khi nghe tin anh Tư bị tuyên án tử hình. Tôi bàng hoàng tâm can mà gắng gượng để nước mắt không trào ra, tránh để cai ngục nhìn thấy,” bà Châu từng cho hay.
Bên cạnh nỗi đau đớn, chiến sĩ Châu còn cảm thấy nuối tiếc, hối hận vì chưa nhận lời tỏ tình của Lê Hồng Tư. Bà quyết định nhận lời tỏ tình bằng cách: Khi truyền thông tin tới các phòng giam trong trại Lê Văn Duyệt, bà đã nhắn: “Lê Hồng Tư là vị hôn phu của tôi. Nếu có đồng chí nào gặp anh, xin nói với anh ấy rằng: Nguyễn Thị Châu đồng ý”.
Do sức ép từ nhiều phía, phán quyết tử hình đối với Lê Hồng Tư đã không thể thực hiện. Ông bị đày ra Côn Đảo suốt nhiều năm trời. Ông cho biết, thông qua bạn tù, sau 2 năm bị giam cầm ở Côn Đảo, ông mới biết Châu đã nhận lời cầu hôn của mình.
“Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy, tôi đã khóc vì thương cô ấy. Khi còn hoạt động cùng nhau, cô ấy không chịu. Vậy mà khi tôi sắp chết, cô ấy lại đồng ý. Tôi không thể cầm lòng, nước mắt cứ trào ra như một đứa con nít,” ông kể.
Ngày 4/5/1975, Lê Hồng Tư trở về từ Côn Đảo. Sau đó ông làm đám cưới với cô gái Nguyễn Thị Châu. “Ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi và Châu góp lại cũng chỉ có khoảng 50 đồng nên đám cưới cũng chỉ có ít bánh kẹo và trà mời khách. Điều thú vị là quá nửa số khách là khách… không mời, có những người chúng tôi cũng không quen. Họ biết câu chuyện tình yêu của chúng tôi và chủ động đến chia vui”, ông Tư tự hào.