Trong số "tứ đại mỹ nhân" nổi tiếng Hà Nội xưa, cô Bính Hàng Đẫy chính là bông hồng may mắn nhất có cuộc đời vô cùng viên mãn.
Nhắc đến Hà Nội xưa, người ta thường nghĩ ngay đến “tứ đại mỹ nhân” nổi tiếng một thời, gồm cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Bính Hàng Đẫy và cô Nga Hàng Gai. Dù họ cùng kiều diễm, xinh đẹp nhưng lại mang số phận khác nhau và cô Bính chính là bông hồng may mắn nhất trong “tứ mỹ”.
Cô con gái cưng của nhà tư sản giàu có
Cô Bính tên Đỗ Thị Bính (SN 1915) là con gái của nhà tư sản Đỗ Lợi – nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước những năm 1930, luôn được mọi người kính cẩn, e dè bởi sự giàu có. Cô sinh ra đã có một làn da trắng như trứng gà bóc, nét mặt thanh tú. Vì thế cô chỉ thích mặc áo dài đen để tôn vẻ đẹp của mình rồi dần dần người Hà Nội đã đặt danh xưng cho cô là "giai nhân áo đen". Về tính cách, cô Bính nhu mì, đoan trang, công dung ngôn hạnh và ứng xử rất mực ý tứ.
Cô Bính được cụ Đỗ Lợi cưng chiều hết mực. Từ nhỏ cô đã có thói quen không ăn thịt gà, cụ Lợi lo con khảnh ăn liền mời đầu bếp nấu cho vua Bảo Đại về nhà trông coi việc bếp núc. Thậm chí cụ còn tuyên bố nếu con gái chịu ăn một miếng thịt gà sẽ thưởng một nhẫn kim cương, ăn hai miếng thưởng hai nhẫn kim cương. Nhưng cô chỉ mỉm cười ý nhị từ chối phần thưởng lớn của cha. Chưa chịu "thua cuộc", cụ Đỗ Lợi tiếp tục tuyên bố sẽ thưởng lớn cho đầu bếp nếu nghĩ cách giúp cô Bính chịu ăn thịt gà. Và tới khi người đầu bếp nấu món bún thang, cô mới chịu xuôi lòng cầm đũa gắp thịt gà lên ăn.
Chân dung cô Bính.
Cụ Đỗ Lợi còn yêu chiều con gái đến mức biết cô Bính có sở thích ngắm hoa đã cho người trồng cả giàn hoa hồng cùng phong lan trước sân nhà. Hằng ngày, cô ra sân ngồi ghế mây đọc tiểu thuyết ngắm hoa. Chính cảnh tượng ấy đã đã khiến chàng trai trẻ - nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đắm say.
Khi ấy, chàng trai Nhược Pháp ngày ngày mượn cớ đi qua ngôi nhà ở Hàng Đẫy để có thể được ngắm nhìn tiêu thư xinh đẹp nhà họ Đỗ. Cả hai trao cho nhau cái nhìn trộm rồi chẳng ai nói với ai câu gì. Chuyện hai người cứ thế kéo dài đến một năm tới nỗi gia đình hai bên đều biết. Nhưng gia đình cụ Đỗ Lợi chỉ cho rằng nhà thơ Nhược Pháp cũng chỉ như bao chàng trai khác say mê vẻ đẹp của cô Bính. Phía chàng trai cũng có nỗi lòng riêng về sự mặc cảm gia thế hai nhà Đỗ - Nguyễn cách biệt.
Năm 1935, tập thơ "Ngày xưa" của Nhược Pháp ra đời, đưa ông trở thành một trong những cây bút hàng đầu của phong trào thơ mới. Những người yêu thơ của ông đều nhận ra rằng, tập thơ này được lấy cảm hứng từ người đẹp họ Đỗ. Nhưng hai con người ấy xem như có duyên mà không có phận. Năm 1939, nhà thơ Nhược Pháp qua đời khi mới chỉ 24 tuổi vì căn bệnh lao phối.
Cô Bính (người mặc đồ đen, có dáng ngồi ở vị trí thấp nhất) cùng các chị em trong nhà.
Cuộc hôn nhân viên mãn
Sau khi "người trong mộng" qua đời gần 1 năm, cô Bính được bố mẹ thuyết phục gả cho chàng kỹ sư tên Bùi Tường Viên vừa du học ở Pháp về. Đám cưới của họ được tổ chức vô cùng linh đình. Quan khách ra vào nườm nượp như trẩy hội suốt mấy ngày liền. Còn giai nhân Hà thành khoác lên mình bộ áo dài được dệt từ những sợi chỉ vàng và kim tuyến càng tôn lên nhan sắc đỉnh cao của cô.
Ngày mới về nhà chồng, cô Bình chưa biết mặt chàng kỹ sư nên không có tình cảm. Sau thời gian sống chung dưới một mái nhà, cô đã xiêu lòng trước sự nhẹ nhàng, ân cần của chồng. Ông Bùi Tường Viên chưa bao giờ to tiếng với cô, lúc nào cũng thể hiện sự tôn trọng và nhường nhịn. Cô Bính luôn thể hiện là người vợ hết mực chăm lo cho chồng con và gia đình.
Năm 1946, giặc Pháp bắn phá ác liệt Hà Nội, cô Bính cùng chồng con sơ tán lên Tiên Lữ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) rồi chạy qua Sơn Dương (Tuyên Quang). Thời gian này, cô đã phải trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn như những người dân thường khác. Cô phải buôn đủ thứ nghề từ làm bánh cuốn, bánh phở, bún thang, nước tương... để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Vợ chồng cô Bính.
Tháng ngày ở Sơn Dương, khi dịch sốt rét đang hoành hành, cô Bính đã được bác sĩ Bùi Xuân Tám - em trai của họa sỹ Bùi Xuân Phái dạy cách tiêm thuốc kilofooc. Nhờ vậy, cô đã trở thành "bác sĩ" cứu sống cho rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo. Cô được bà con nơi đây yêu mến và gọi là “bà tiên kháng chiến”.
Năm 1954, cô Bình cùng gia đình rời Tuyên Quang về lại ngôi nhà cũ ở 30 Nguyễn Thái Học. Năm 1986, chồng cô qua đời sau 10 năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Năm 1992, cô Bính mất vì căn bệnh cao huyết áp. Sau khi ra đi, cô được mặc một áo cánh màu vàng mỡ gà bên trong, bên ngoài là áo dài bằng vải lụa đen, ngoài cùng khoác chiếc áo dạ Mông Tự đen tuyền đúng như di nguyện.