Xăng tăng giá không liên quan… bóng đá

Ngày 19/07/2013 17:05 PM (GMT+7)

“Có người hỏi, tại sao điều chỉnh giá xăng lúc 20h ngày 17/7, trong lúc người dân đang xem bóng đá? Xin thưa, điều chỉnh giá xăng là áp dụng cho cả nước và thời điểm thích hợp với điều hành giá”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trả lời báo chí sáng 19/7.

Sáng 19/7, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2013. Tại cuộc họp, chủ đề về điều hành giá xăng dầu thời gian qua được các PV đặt ra trước đại diện của Bộ Tài chính, sau lần tăng giá gần 500 đồng/lít ngày 17/7.

PV đặt vấn đề, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, từ 14/6 đến 17/7, giá xăng đã tăng 3 lần, với tổng cộng tăng gần 1.300 đồng/lít. Tần suất như vậy có cao và sai quy định không?

Đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, tần suất điều chỉnh tăng giá theo quy định tối thiểu 10 ngày/1 lần. Các lần tăng giá xăng dầu gần đây đều trên 10 ngày, như vậy, tần suất tăng giá trong khuôn khổ cho phép.

“Có PV hỏi, tại sao điều chỉnh giá xăng lúc 20h ngày 17/7, trong lúc người dân đang xem bóng đá? Xin thưa, điều chỉnh giá xăng là áp dụng cho cả nước và thời điểm thích hợp với điều hành giá”, ông Tuấn nói.

Xăng tăng giá không liên quan… bóng đá - 1

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trả lời báo chí sáng 19/7

Vị đại diện bộ Tài chính thông tin lại quá trình điều hành giá xăng trước khi đi đến quyết định tăng giá ngày 17/7. Ông Tuấn cho biết, ngay sau lần tăng giá ngày 28/6, cơ qua quản lý luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tham chiếu với giá theo quy định pháp luật. Sau đó, ngày 11/7, có 2 đơn vị gửi văn bản báo cáo giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ, do giá thế giới tăng.

Bộ Tài chính đã yêu cầu hai doanh nghiệp này tiếp tục kiềm chế giá để tiếp tục theo dõi tiếp, vì giá thế giới có biến động thất thường. Ngày 17/7 tính toán cho thấy giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ từ 726 đồng – 988 đồng/lít. Nhưng nếu cho doanh nghiệp điều chỉnh với mức này sẽ tác động rất cao đến chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chia sẻ lợi nhuận định mức; tạm thời cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng. Lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng chỉ tạm tính 100 đồng/lít.

Bên cạnh đó, cho sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng 300 đồng/lít; Điều chỉnh tăng mức sử dụng Quỹ đối với mặt hàng dầu điêzen, dầu hỏa thêm 100 đồng/lít từ 200 đồng/lít lên 300 đồng/lít.

Sau khi thực hiện sử dụng Quỹ và cắt giảm, chia sẻ lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng của doanh nghiệp, phần chênh lệch giữa giá cơ sở đang cao hơn giá bán hiện hành từ 426-468 đồng/lít. Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước, nhưng tối đa không vượt quá mức chênh lệch nêu trên.

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Bộ tham khảo các cơ quan chức năng, nhận định đợt tăng giá này sẽ làm tăng khoảng 0,1% chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Tối 17/7, giá xăng Ron 92 tăng thêm 460 đồng, lên 24.570 đồng/lít, dầu diesel 0,05 tăng 470 đồng, lên 22.310 đồng/lít và dầu hỏa tăng 420 đồng, lên 22.020 đồng/lít.

Với mức giá bán lẻ 24.570 đồng/lít, hiện giá xăng đang cao nhất từ trước tới nay. Lần gần nhất giá xăng tăng rơi vào ngày 28/6, thêm 400 đồng/lít.

Trước đó vài ngày, các doanh nghiệp liên tục than lỗ, do vậy, khả năng tăng giá xăng không quá bất ngờ với giới truyền thông.

Thông cáo của Bộ tài chính ngày 17/7 cũng cho rằng, giá xăng dầu trên thị trường thế giới bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 17/6/2013 đến ngày 16/7/2013) biến động chủ yếu theo xu hướng tăng và luôn dao động ở mức cao. Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu ma dút) cao hơn so với giá bán hiện hành từ 726 đến 988 đồng/lít.

Theo Dương Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá xăng, giá gas