Xôn xao bài phỏng vấn độc quyền cha đẻ Flappy Bird

Ngày 12/03/2014 16:30 PM (GMT+7)

Nguyễn Hà Đông lần đầu kể về toàn bộ câu chuyện đằng sau sự kỳ diệu của Flappy Bird cho một hãng tin nước ngoài.

Kể từ sau khi quyết định xóa sổ trò chơi điện tử nổi tiếng trên smartphone Flappy Bird, lập trình viên trẻ tuổi Nguyễn Hà Đông gần như “mất tích” khỏi truyền thông. Rất nhiều nhà báo Việt Nam và cả nước ngoài đề nghị được có một buổi phỏng vấn với anh chàng bí ẩn này. Đáp lại sự tò mò của mọi người, Hà Đông từ chối mọi lời mời và chỉ thỉnh thoảng để lại những dòng tweet trên trang cá nhân.

Tuy nhiên mới đây, tạp chí Rolling Stone đã gây xôn xao khi lần đầu tiên thực hiện được một cuộc phỏng vấn độc quyền với Nguyễn Hà Đông. Bài viết dài 3 trang mới được đăng trên trang chủ của tờ báo vào lúc rạng sáng ngày 12/3 nhưng ngay lập tức đã nhận được hơn 10 nghìn lượt like và gần 2500 lượt retweet.

Xôn xao bài phỏng vấn độc quyền cha đẻ Flappy Bird - 1

Xin trích lược dịch nội dung bài phỏng vấn do phóng viên David Kushner thực hiện:

Tháng 4 năm 2013, Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên chuyên làm các thiết bị định vị cho taxi 28 tuổi sống cùng với bố mẹ tại Hà Nội đã quyết định dành ngày nghỉ cuối tuần để viết ra một trò chơi trên điện thoại di động. Anh muốn tạo ra một trò chơi gì đó thật đơn giản nhưng đầy thử thách, có cảm hứng từ những trò chơi điện tử của hãng Nintendo đã theo anh trong suốt thời thơ ấu. Mục tiêu là giúp đưa một chú chim có cái miệng to màu đỏ đi qua một loại những ống cống màu xanh. Người chơi càng ấn vào màn hình nhanh thì chú chim sẽ càng bay cao. Hà Đông gọi trò chơi của mình là Flappy Bird.

Trò chơi chính thức được lên chợ App Store ngày 24/5. Thay vì phải trả tiền để chơi, Hà Đông quyết định cho mọi người có thể download nó miễn phí và hi vọng kiếm được khoảng vài trăm “đô la” mỗi tháng nhờ vào việc bán quảng cáo.

Tuy nhiên, với 25.000 ứng dụng chơi điên tử mới được sản xuất ra mỗi tháng, Flappy Bird nhanh chóng bị nhấm chìm và dường như phá sản. Cho đến 8 tháng sau, một điều “điên rồ” đã xảy ra. Trò chơi bỗng nhiên được phát tán nhanh như virus. Đến tháng 2/2014, Flappy Bird đã đứng đầu bảng xếp hạng App Store ở 100 quốc gia và đạt hơn 50 triệu lượt download. Hà Đông lúc đó ước tính đã kiếm được 50.000$ mỗi ngày. Ngay cả đến Mark Zuckerberg cũng không giàu nhanh đến thế.

……………………………..

Hai tuần sau quyết định “khai tử” Flappy Bird, tôi đã đi qua rất nhiều con đường, lái xe máy ra vùng ngoại ô Hà Nội, một thành phố ồn ào và náo nhiệt với những người bán hàng rong đầy khắp phố phường để gặp Nguyễn Hà Đông. Anh lần đầu tiên đã đồng ý chia sẻ cho Rolling Stone toàn bộ câu chuyện của mình.

Với áp lực của truyền thông quốc tế và những phóng viên săn ảnh trong nước, Hà Đông đã rời bỏ ngôi nhà của bố mẹ để đến sống trong một căn hộ của người bạn. Trong khi những triệu phú giàu lên nhờ internet ở Mỹ đã quá phổ biến thì ở Việt Nam, cộng đồng công nghệ còn non trẻ chưa thể quen được với việc này. Khi anh chàng đang được săn đón nhất làng công nghệ thế giới xuất hiện, trong chuếc quần jean bó và áo len xám, anh đi những bước rất ngập ngừng, giới thiệu đôi chút về bản thân mình, từng câu từng chữ đều có sự suy xét, cân nhắc cẩn thận. “Tôi chỉ định làm một điều gì đó vui vẻ để chia sẻ với mọi người. Tôi cũng không thể ngờ được về thành công của Flappy Bird”.

Lớn lên ở Vạn Phúc, một làng nghề làm lụa nổi tiếng của Hà Nội, Nguyễn Hà Đông chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể trở thành lập trình viên game nổi tiếng thế giới. Mặc dù bố của Hà Đông sở hữu một cửa hàng linh kiện máy tính còn mẹ làm việc trong một cơ quan nhà nước, Hà Đông chưa bao giờ được mua cho những đồ chơi điện tử đắt tiền. Món đồ điện tử duy nhất anh có được khi bé, là một dạng máy chơi game được nhái lại của Nintendo. Trò chơi ưa thích khi đó của Hà Đông, chính là tựa game nổi tiếng Super Mario Bros.

Năm 16 tuổi, Hà Đông đã học cách viết phần mềm trò chơi cờ vua đầu tiên và 3 năm sau, khi đang học Đại học Bách Khoa tại Hà Nội, anh đã lọt top 20 người giỏi nhất trong một cuộc thi viết ứng dụng trò chơi cho điện thoại di động.

Sau khi lần đầu tiên được chạm tay vào chiếc Iphone, Hà Đong đã nhanh chóng bị cuốn hút bởi những tính năng cảm ứng của nó. Tuy nhiên theo Hà Đông, anh thấy Angry Birds (một game trên điện thoại rất nổi tiếng) quá phức tạp và rắc rối. “Tôi không thích đồ họa của nó. Quá rắc rối”, Hà Đông cho biết. Anh muốn tạo ra một trò chơi cho những người như mình: bận rộn và không có nhiều thời gian. “Tôi tưởng tượng ra cách mọi người chơi” Hà Đông nói trong khi chỉ sử dụng một tay để thao tác trên Iphone. “Tôi muốn tạo ra một trò chơi như thế.”

Khi tôi nói chuyện với Hà Đông, dòng người trên phố vẫn đang đi lại hối hả, những màn hình điện thoại trên tay họ nhấp nháy như những con đom đóm trong đêm. Không có gì ngạc nhiên khi Flappy Bird trở thành game “hot” nhất trên thế giới. “khi bạn chơi trò chơi này, bạn đơn giản chỉ cần chạm vào màn hình”, Hà Đông nói giữa những làn khói thuốc lá qua môi.

Anh đã hiểu được về nguyên lý thiết kế trò chơi của Nolan Bushnell, nhà sáng lập trò chơi Pong và chủ công ty Atari “dễ hiểu nhưng khó chơi”.

………….

Flappy Bird đã không hề nhận được một sự chú ý nào cho đến 5 tháng sau, vào ngày 4/11, khi nó xuất hiện một bình luận đầu tiên “Flappy Bird chết tiệt”.

Flappy Bird đã trở nên gây nghiện y nhu việc một đứa trẻ cố gắng chọc tức bạn và cầu xin bị “ăn đòn”. Bạn không thể ngừng chơi nó.

Đến cuối tháng 12, những người chơi liên tiếp đăng tải Flappy Bird lên các trang mạng xã hội để cạnh tranh điểm số và nói rằng họ đã tức giận đến mức đập vỡ điện thoại như thế nào. Twitter bùng nổ với hơn 16 triệu dòng tweet về Flappy Bird. Có người bảo nó rằng “Đây là trò chơi khó chịu nhất tôi từng chơi”, có người lại bảo “Flappy Bird đã dần dần ngốn mất cuộc sống của tôi”. Khi những thông tin về Flappy Bird xuất hiện trên Reddit rồi đến Youtube, lan ra cả những cao ốc văn phòng làm việc, Flappy Bird đột nhiên leo lên Top 10 App Store Mỹ cuối tháng 1. Ngày 17/1 nó đạt vị trí No 1 và 2 tuần sau, Flappy Bird cũng leo lên vị trí No1 ở Google Play.

“Tôi đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy Flappy Bird đang đứng ở vị trí số 1”.  Cũng như mọi người, Hà Đông hoàn toàn choáng váng với tốc độ tăng trưởng của nó cũng như dòng tiền đang dần đổ vào tài khoản của mình. Tuy nhiên, thay vì mua cho mình một cái máy tính mới, mời bạn bè đi nhậu nhẹt và khao ăn, Hà Đông lại không quá vui mừng. “Tôi không biết vì sao. Bố mẹ tôi thậm chí còn không hiểu Flappy Bird”.

Khi những tin tức về Hà Đông kiếm được bao nhiêu tiền được tiết lộ, hình ảnh của anh tràn ngập các mặt báo và truyền hình, đó là lần đầu tiên bố mẹ Hà Đông biết về sự nổi tiếng của con mình và sự tồn tại của Flappy Bird. Các tay săn ảnh đến tận nhà Hà Đông, anh và gia đình không thể ra ngoài mà không gây chú ý. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả.

Hà Đông đưa cho tôi xem chiếc Iphone của anh. Một người phụ nữ nhắn tin buộc tội Hà Đông “bỏ bùa toàn bộ trẻ con trên thế giới”, người khác lại cho biết “13 học sinh ở trường tôi đã đập vỡ điện thoại nhưng chúng vẫn chơi tiếp vì nó gây nghiện”. Hà Đông cho tôi xem là thư của một công nhân đã mất việc, một người mẹ đã từ nói chuyện với con mình. “Lúc đầu, tôi nghĩ họ đùa. Vậy nhưng sau đó tôi nhận ra tác hại của nó”.

Đến đầu tháng 2, tình hình và áp lực ngày càng nặng nề. Hà Đông không thể ngủ, không thể tập trung, không muốn đi ra ngoài. Những dòng tweet của Hà Đông dần trở nên u ám và khó hiểu. “Flappy Bird là thành công của tôi. Vậy nhưng nó cũng hủy hoại cuộc đời tôi”. Hà Đông đã ấn nút “xóa sổ” Flappy Bird.

…………

Khi Flappy Bird biến mất, tin đồn lại nảy sinh. Có người nói Hà Đông đã tự tử, có người lại bảo Nintendo đã quyết định khởi kiện. Hà Đông nhận được lời đe dọa ám sát. Hàng loạt các ứng dụng “na ná” Flappy Bird đã ra đời. Tuy nhiên những chiếc iphone có chứa phần mềm Flappy Bird “xịn” cũng bắt đầu được rao bán trên Ebay.

Riêng đối với Hà Đông, hàng triệu người đã từng download Flappy Bird vẫn mang lại cho anh hàng nghìn USD. Hà Đông bây giờ đã nghỉ việc, đang nghĩ đến việc mua một chiếc xe Mini Cooper và một căn nhà. Anh cũng vừa nhận được quyển hộ chiếu đầu tiên trong đời. Kể từ bây giờ, anh chỉ bận rộn với một việc duy nhất mà anh đam mê: Làm game.

“Tôi không thể quay trở lại cuộc sống như trước đây. Nhưng như bây giờ cũng là tốt rồi”. Trả lời về câu hỏi “Liệu Flappy Bird có được hồi sinh”, Hà Đông cho biết anh đang cân nhắc. Anh không làm một bản Flappy Bird mới nhưng nếu Flappy Bird “hồi sinh”, nó sẽ có thêm dòng cảnh báo “Hãy thư giãn”.

H.My/ rollingstone
Nguồn: [Tên nguồn]