Mặc dù mang trong mình chứng lệch xương chậu, đi lại khó khăn nhưng chị Đoàn Thị Xinh (ở thôn Phú Xuân, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn ngày ngày lê từng bước kiếm tiền nuôi chồng mù, mẹ già và 3 đứa con nhỏ bệnh tật.
Gánh nặng đè nặng đôi vai gầy
Tìm về nhà chị Xinh ở thôn Phú Xuân, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một người phụ nữ có dáng người nhỏ thó, ngồi buồn bã ăn cơm bên hông nhà. Bữa cơm của chị chẳng có gì ngoài bát cơm rưới nước mắm. Trong căn nhà trống trơn, chỉ độc có bộ bàn ghế cũ mèm và cái quạt máy ọc ạch chạy không ra gió mà chị Xinh đi xin được. Khi nhắc về cuộc đời mình, dường như chị Xinh không giấu nổi sự tủi hờn, chua xót. Giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má người phụ nữ bất hạnh này.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó của vùng biển xứ Thanh, nhà lại đông anh em cho nên chị Xinh sớm phải đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Trong thời gian ấy, chị quen rồi lấy anh Nguyễn Văn Bính. Niềm vui ngập tràn khi gia đình nhỏ của chị có thêm những tiếng khóc của trẻ thơ. Nhưng hạnh phúc đến với vợ chồng chị Xinh ngắn chẳng tày gang khi đứa con thứ hai bị khuyết tật vận động khiến cháu không lớn được. Bao nhiêu tiền của đổ vào chữa bệnh cho con, thêm vào đó người em chồng của chị lại bị mù, mẹ chồng già cả nên gia đình khó khăn hơn.
Đang trong cảnh nợ chồng nợ thì tai ương lại giáng xuống đầu vợ chồng chị Xinh vì anh Bính đổ bệnh nặng vào năm 2008. Đi khám, bác sỹ kết luận anh bị bệnh gan và thoái hóa não. Một mình chị lại phải chạy vạy vay tiền chữa trị cho chồng nhưng bệnh của anh Bính quá nặng nên không khỏi, đôi mắt của anh ngày càng kém. Giờ đây anh Bính chỉ ngồi một chỗ mà chẳng làm được gì, tất cả công việc nặng nhẹ, chi tiêu trong gia đình chỉ còn biết trông chờ vào một mình chị Xinh.
Nỗi lo lớn nhất của chị Xinh là không đủ sức khỏe, phải để các con bỏ học giữa chừng. Ảnh: T.G
Chịu đau nhường tiền chữa bệnh cho chồng
Tưởng với chị Xinh thế đã là khổ lắm rồi, vậy mà năm 2013, chị bị mắc chứng bệnh lệch xương chậu, đi lại đau đớn và khó khăn. Vì gia đình không có tiền, lại là trụ cột của cả nhà nên chị vẫn cắn răng chịu đau, cố lết chân đi lại. Thấy tình trạng như vậy, anh em, họ hàng chị Xinh xúm tay vào giúp đỡ cho chị đi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, vì cũng đều là những người nghèo nên chỉ giúp được chị Xinh đợt chữa bệnh ban đầu.
Sau này không có tiền tiếp tục đi viện, chị Xinh đành ở nhà bốc thuốc lá uống để bớt chi phí. Nhưng rồi, với số tiền 300.000 đồng/thang thuốc, chị Xinh cũng không cố được nữa và đành phó thác số phận bệnh tật vì tiền còn phải dành chữa mắt cho chồng. Mỗi năm, anh Bính mất 2 đợt điều trị, mỗi đợt là hơn 10 triệu đồng. Hàng ngày, chị Xinh vẫn cố đi làm thuê bất cứ việc gì những mong dành dụm tiền đưa chồng đi bệnh viện với khát khao chữa được mắt cho anh. Chị Xinh cho biết, dù hết sức tiết kiệm nhưng số tiền vay mượn chạy chữa thuốc thang cho chồng, con giờ đã lên tới 70 triệu đồng, nhiều đêm chị mất ngủ vì lo không biết lấy đâu ra số tiền lớn như thế để trả nợ.
Chị Xinh cũng đau đớn cho biết, đã có lúc chị định cho đứa con đầu của chị là cháu Nguyễn Văn Nhất nghỉ học vì gia đình quá khó khăn nhưng vì thương các con, sợ sau này các con bị mù chữ thì không đành lòng nên chị đành tiếp tục vay mượn để cố cho các cháu học hết lớp 12. Đứa con thứ hai của chị năm nay đã 13 tuổi bị khuyết tật lùn nhưng vẫn phải cho cháu đến trường cùng đứa em gái để xóa nạn mù chữ. “Các cháu học ngày càng cao, tiền đóng góp dần nhiều đó cũng chính là nỗi lo của tôi, tôi sợ với sức khỏe của mình không biết sẽ làm được bao lâu nữa để nuôi các con mình ăn học, sợ các con mình phải bỏ học giữa chừng”, chị Xinh tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Đình Minh, Trưởng thôn Phú Xuân cho biết: “Gia đình chị Xinh khổ nhất cái thôn này, ai cũng ốm yếu, bệnh tật cả. Gia đình thuần nông, thu nhập thì ít mà chi tiêu thì nhiều, một mình chị Xinh phải lo hết. Bà con trong thôn cũng đang còn nghèo nên chẳng giúp được chị nhiều. Chính quyền cũng có những chính sách nhưng cũng chỉ giúp đỡ gia đình chị bớt đi phần nào khó khăn thôi”. |