Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng như bạn vẫn mơ tưởng. Hãy tỉnh táo lại và nhận thức rõ hơn về bước ngoặt cuộc đời này.
Phụ nữ luôn mong muốn hôn nhân của mình luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Bạn luôn mong ngóng mỗi ngày trôi qua lại một kỉ niệm đẹp cùng với tổ ấm của riêng mình. Tuy nhiên, thực tế thì không phải cuộc hôn nhân nào cũng được viên mãn và tràn ngập hoa hồng. Những ai đã, đang có gia đình nhỏ sẽ hiểu hết được mọi khía cạnh bên trong của nó.
Nếu bạn muốn có một cuộc sống vợ chồng bền chặt mà mặm nồng hãy nhớ rằng:
1. Im lặng không phải cách tốt để giải quyết mâu thuẫn gia đình
Trong cuộc sống hôn, hai người sẽ khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích bất đồng về chuyện kinh tế, chuyện chăm con...Trong tình huống này, không ít cặp vợ chồng chọn lựa cách im lặng để giải quyết vấn đề, bởi họ tin rằng một khi không ai nói đến nó thì chắc hẳn mọi chuyện sẽ lắng xuống. Tuy nhiên theo chứng thực của nhiều cặp đôi thì im lặng chỉ kiến cho vấn đề thêm tồi tệ hơn mà thôi.
Hôn nhân sẽ mãi bền lâu nếu hai người tìm được tiếng nói chung (Ảnh minh họa)
Khi quyết định bước chân vào cuộc sống gia đình, bạn cần phải loại bỏ cụm từ “im lặng” ra khỏi vốn từ của mình. Im lặng không nói lên vấn đề không có nghĩa là bạn đã bỏ qua chúng, thay vào đó bạn đang cố tích tụ nó trong đầu và rồi sẽ có một ngày chúng bùng phát. Khi ấy, mâu thuẫn, tranh cãi giữa hai người sẽ càng lên đến đỉnh điểm.
Bởi vậy, bạn cần biết rằng hôn nhân chỉ êm đềm và dễ dàng có tiếng nói chung khi cả hai cùng cất tiếng nói, cho dù có bất cứ điều gì không hài lòng, hãy học cách nói chuyện và giải quyết dứt điểm với nhau. Đó là lí do vì sao, giữa hai người vợ chồng nên có những cuộc nói chuyện thẳng thắn để cùng nhau nhận biết khuyết điểm và để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn.
2. Trở thành mẹ kế không phải chuyện đơn giản
Vấn đề mẹ kế con chồng luôn là điều nhức nhối khiến chúng ta phải suy ngẫm. Nhiều người đơn giản nghĩ rằng chỉ cần mình đối xử tốt với con chồng thì mọi chuyện sẽ không sao, nhưng thực tế chỉ khi bản thân trực tiếp ở trong hoàn cảnh đó mới hiểu được hết khúc mắc của nó.
Đứa con chồng không ưa bạn thì cho dù bạn có cố gắng ra sao thì mục tiêu tạo sự liên kết mẹ con cũng không thành. Rồi đến khi hai người có con riêng, bạn có chắc chắn mình sẽ dành sự yêu thương cân bằng cho cả hai đứa trẻ. Và còn rất nhiều điều không tưởng mà bạn chưa hình dung ra.
Trong cuộc sống từng ngày trôi qua ngoài kia không ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra, biết đâu sẽ có một ngày bạn bị gán mác trở thành mẹ kế. Bởi vậy hãy sáng suốt lên, hãy suy nghĩ cho thật kỹ trước khi lựa chọn con đường này.
3. Không có sự tồn tại của “cái tôi cá nhân” trong cuộc sống vợ chồng
Trước khi kết hôn, bạn là một người phụ nữ độc lập, luôn thích làm theo những điều mình thích mà không cần phải chú ý đến suy nghĩ của người khác, nhưng một khi bạn đã trở thành vợ thì điều này lại khác. Hôn nhân là cuộc sống của hai người bởi vậy nó không có chỗ cho sự tồn tại của cái tôi cá nhân.
Mọi thứ giờ đây đã thuộc chung của cả hai nên không thể phân cấp thành cái này của tôi, cái kia của anh. Hôn nhân sẽ mãi bền lâu nếu hai người tìm được tiếng nói chung, cùng vun đắp cho mục tiêu chung chứ không phải sự cố gắng của cái tôi riêng lẻ nào đó.
Một trong những vấn đề nhức nhối trong hôn nhân đó là vấn đề tài chính. Bạn đừng bao giờ phân biệt rạch ròi rằng “tiền của tôi”, thay vào đó hãy nghĩ rằng đó là “tiền của chúng ta”. Nếu không muốn xảy sinh bất cứ tranh cãi nào về tiền bạc, bạn hãy cố gắng trở thành một người vợ thông mình, người vợ biết quán xuyến chi tiêu và quản lý tốt tài chính trong gia đình.
4. Thay đổi thói quen “nửa kia” là một việc khó
Ước muốn lớn nhất của người phụ nữ có lẻ là tìm được một chồng tốt bụng, biết quan tâm yêu thương chăm sóc, có trí tiến thủ và biết cố gắng vì gia đình. Nhưng không phải ai cũng may mắn gặp được một đức lang quân như vậy.
Khi đã gật đầu đồng ý kết hôn với một ai đó, điều này đồng nghĩa với việc bạn yêu và sẵn sàng chấp nhận mọi thói quen tật xấu ở con người anh ấy.
Bạn tin tưởng rằng mình sẽ thay đổi anh ấy và biến họ trở nên hoàn hảo hơn, nhưng nghĩ là một chuyện còn bắt tay vào tiến hành thì lại là vấn đề khó. Nhiều phụ nữ đã lập gia đình phải cúi đầu và chào thua mọi kế hoạch thay đổi của mình và họ đồng tình rằng “Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”.
Không ít trường hợp vì muốn thay đổi, uốn nắn chồng mà cuộc hôn nhân đó đi vào ngõ cụt. Bởi vậy, bạn đừng mong đợi quá nhiều, hãy cố gắng chấp nhận con người của anh ấy. Nếu muốn chồng thay đổi gì, hãy nghĩ cẩn trọng và biết điểm dừng đúng lúc.
5. Hôn nhân là chuyện giữa hai người
Không ít phụ nữ sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống hôn nhân của mình, thậm chí ngay cả những điều riêng tư bí mật nhất họ cũng “tán ngẫu” với bạn bè. Họ nghĩ rằng làm như vậy sẽ giải tỏa được căng thẳng và được lắng nghe nhiều ý kiến giúp đỡ của người khác, nhưng thực sự đây là một trong những nguyên nhân khiến hôn nhân tan vỡ.
Khi kết hôn, phụ nữ cần phải biết rằng “hôn nhân là chuyện giữa hai người”, bởi vậy không phải điều gì bạn cũng nói cho người ngoài nghe. Vẫn biết gia đình, bạn bè – những người ngoài sẽ có những cái nhìn tích cực và cho bạn lời khuyên nhưng không phải sự trợ giúp nào cũng hữu ích.
Đừng bao giờ nói xấu quá nhiều về chồng với người khác, đừng dại lôi chuyện “đời sống vợ chồng” ra tán ngẫu bởi nó có thể trở thành con dao hai lưỡi đó. Nếu bạn là một người phụ nữ thông minh hãy biết cách giữ gìn những điều riêng tư nhất của cả hai, đừng tự biến mình thành những “bà tám”.
6. Con cái không phải là trung tâm của một cuộc hôn nhân
Vẫn biết con cái là điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa ban tặng cho mỗi cặp vợ chồng, nhưng nó không phải là trung tâm của một cuộc hôn nhân. Bạn mong ngóng có con từng ngày và rồi khi chúng ra đời, bạn vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Bạn nghĩ rằng con cái là tất cả nên dành trọn vẹn tình yêu thương cho con mà vô tình quên bẫng đi người chồng bên cạnh mình.
Trước khi có con, bạn và anh ấy thường xuyên có những buổi hẹn hò lãng mạn, nhưng khi có thêm thành viên mới, bạn gạt qua mọi chuyện với chồng và ở bên con nhiều hơn. Với đứa nhỏ, bạn xứng đáng là một người mẹ hoàn hảo, nhưng với chồng liệu bạn có hoàn thành tốt vai trò làm vợ của mình.
Chăm con là tốt, nhưng đừng quên chăm chồng, đừng vì có sự hiện diện của đứa con mà vợ chồng bạn không có thời gian bên nhau. Khi bước chân vào cánh cửa hôn nhân, bạn chỉ thực sự thành công khi làm tốt cả vai trò người vợ và người mẹ, bởi vậy hãy biết dung hòa và cân đối hai sứ mệnh thiêng liêng này.