Cuộc đời của những người vợ đau khổ phải chịu cảnh chồng đánh đập, hành hạ sẽ đi về đâu?
Sau 4 năm thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình theo mô hình có đường dây nóng, đội can thiệp nhanh và địa chỉ tin cậy, thị trấn Thanh Nê và huyện Vũ Lạc (Thái Bình) giảm từ 85 – 90% các vụ bạo lực gia đình.
Đây là con số ấn tượng được đưa ra trong Hội thảo khoa học “Các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình hiện nay” do Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Đi tìm câu trả lời “chạy đến đâu”?
Đây là câu hỏi mà Dự án Phòng chống bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển INGAD (trước đây là Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển RCGAD) đặt ra khi triển khai tại các địa phương, vì việc cứu trợ nạn nhân là điều được chú trọng nhất trong phòng tránh bạo lực gia đình. Vì thế, Dự án đã triển khai mô hình đường dây nóng, đội can thiệp nhanh, địa chỉ tin cậy có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân địa phương. Mô hình được INGAD đưa ra lần đầu tiên cho Hội LHPN Việt Nam tại 3 tỉnh: Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội. Từ năm 2002, các mô hình này được thực hiện tại Phú Thọ, Thái Bình và các năm sau tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt hơn từ 2007 – 2011, nó đã đi vào hoạt động và đạt được hiệu quả bất ngờ tại thị trấn Thanh Nê và huyện Vũ Lạc (Thái Bình) rồi phát triển bền vững cho đến hôm nay.
GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện INGAD cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, bà nhận thấy một thực tế ở nhiều địa phương là nhiều trường hợp khi bị chồng đánh đã chạy về nhà cha mẹ đẻ. Nhưng trớ trêu là họ thường bị cha mẹ dẫn về trả lại chồng, gia đình chồng vì quan niệm con gái đã đi lấy chồng thì thuộc về nhà chồng, khi có lỗi thì phải được chồng và nhà chồng dạy bảo kể cả đánh đập. Nếu nạn nhân chạy sang nhà hàng xóm thì người chồng đổ tội cho vợ có ngoại tình với hàng xóm nên được bao che, giúp đỡ. Nếu nạn nhân chạy sang nhà bạn bè thì chồng đến gây gổ… Hậu quả là không ai dám giúp đỡ nạn nhân. Những tình trạng này dẫn nhiều phụ nữ bị thương tật hoặc phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Thực tế này đã đặt ra vấn đề bức thiết về việc cứu trợ nạn nhân của bạo lực gia đình. Mô hình ra đời chính là đi tìm câu trả lời cho việc nạn nhân sẽ “chạy đến đâu” khi xảy ra bạo lực gia đình, trong khi Việt Nam không có nhiều tiền để xây dựng các nhà tạm lánh giống như Ngôi nhà bình yên?
Giảm đến 90% các vụ bạo lực
Giáo sư Quý cho biết, mô hình có sự tham gia của nhiều bộ phận từ các cơ quan chức năng đến người dân ở địa phương. Ví dụ Đường dây nóng là do những người hàng xóm của các gia đình có bạo lực, trẻ em tình cờ biết hoặc chính các thành viên của gia đình đến báo cáo.
Đội can thiệp nhanh gồm có công an xã, lãnh đạo UBND xã, bác sĩ… sẽ đến làm việc ngay khi nhận được tin báo. Họ có nhiệm vụ tách nạn nhân ra khỏi kẻ gây ra bạo lực, nếu có trường hợp nạn nhân bị thương thì sẽ đưa đến ngay trạm y tế. Bác sĩ cũng là thành viên của Đội can thiệp nhanh nên họ có trách nhiệm cứu chữa nạn nhân kịp thời. Công an, chính quyền sẽ làm việc với kẻ gây bạo lực và xử lý tùy theo mức độ vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp nạn nhân thoát khỏi người chồng trước khi Đội can thiệp nhanh đến thì họ phải có chỗ trú. Chính vì thế mô hình đã thiết lập thêm “địa chỉ tin cậy” như một dạng nhà tạm lánh cho các nạn nhân khi nguy cấp. Đây là các địa chỉ do người dân tình nguyện dành một phòng của nhà mình làm nơi cho nạn nhân và các con họ trú ẩn một số ngày trong khi chính quyền giải quyết vụ việc.
Rất nhiều người phụ nữ vẫn đang phải chịu đựng cảnh bạo lực gia đình (Ảnh minh họa)
Điều đáng mừng là các địa chỉ tin cậy này lại là sáng kiến của chính địa phương trong quá trình thực hiện Dự án Phòng chống bạo lực gia đình do RCGAD tổ chức tại thị trấn Thanh Nê và huyện Vũ Lạc (Thái Bình). Bằng cách này tại Thanh Nê và Vũ Lạc đã cứu được rất nhiều nạn nhân. Thành công của mô hình này đã được GS Lê Thị Quý báo cáo với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi Ủy ban có kế hoạch soạn thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Sáng kiến này đã được Quốc hội đưa vào Luật để phát động cả nước phòng chống bạo lực gia đình. Hiện nay Thanh Nê có tới 42 “địa chỉ tin cậy”, còn Vũ Lạc có 35 địa chỉ.
Dự án đã trang bị cho một số địa chỉ chăn, màn, quạt, tài liệu, tủ thuốc nhỏ để họ có thể sơ cứu và tham vấn cho nạn nhân khi họ tỉnh táo. Các địa chỉ này không chỉ cứu giúp nạn nhân của địa phương mà còn cứu giúp nạn nhân của các huyện khác. Huyện Vũ Lạc còn có sáng kiến là công bố công khai các “địa chỉ tin cậy” trên đài phát thanh và tuyên bố: Người nào gây hại cho các địa chỉ này sẽ bị chính quyền bắt giữ vì tội “chống người thi hành công vụ”.
Sau 4 năm thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình theo mô hình có đường dây nóng, đội can thiệp nhanh và địa chỉ tin cậy, Thanh Nê và Vũ Lạc giảm từ 85 – 90% các vụ bạo lực gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình ở hai địa phương này chỉ còn những vụ xô xát nhỏ, chấm dứt hoàn toàn các vụ gây thương tích cho nạn nhân. Vì thế 42 “địa chỉ tin cậy” ở Thanh Nê và 35 “địa chỉ tin cậy” ở Vũ Lạc dường như đang “ế”, không mấy khi “phải” tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình.
Nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương về bình đẳng giới và bạo lực gia đình được nâng lên trong đó có cả nạn nhân và người gây ra bạo lực. Nhiều người trong số họ đã trở thành tuyên truyền viên của Dự án. Chống bạo lực gia đình thành một phong trào thường xuyên ở địa phương và phát triển bền vững đến tận hôm nay, khi mà Dự án đã kết thúc được 2 năm.
Thành công của mô hình phòng chống bạo lực gia đình do INGAD thiết kế và thực hiện ở Thái Bình cho thấy tính hiệu quả của công tác phòng chống bạo lực gia đình khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và người dân địa phương. Tuy nhiên mô hình này chỉ được thực hiện trong phạm vi nhỏ lẻ. Nếu các địa phương trên cả nước cũng vào cuộc như Thanh Nê và Vũ Lạc thì bạo lực gia đình sẽ không còn là nỗi ám ảnh của những người phụ nữ trong các gia đình ở Việt Nam.