Vượt qua chặng đường dài hơn 11.000 km, ông PK đã làm điều khiến không ai tin nổi khi đi xe đạp tới Thụy Điển để tìm người vợ trong lời tiên tri năm xưa.
Sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp thấp nhất của Ấn Độ, ông Praduymna Kurma Mahanandia không bao giờ hy vọng bản thân có thế thoát khỏi tình trạng đói nghèo và phân biệt đối xử.
Nhưng cuộc gặp gỡ định mệnh với cô gái thuộc tầng lớp quý tộc đến từ Thụy Điển và hành trình bằng xe đạp đi xuyên lục địa đến với tình yêu đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời ông. Tất cả đều đã được tiên tri từ trước.
Ngày 5/12/1949, cậu bé Pradyumna Kumar Mahanadia hay còn có tên gọi khác là “PK” đã ra đời tại một ngôi làng hẻo lánh ở miền đông Ấn Độ.
Theo truyền thống của quê hương, mỗi khi có một đứa trẻ ra đời, cha mẹ chúng sẽ mời một nhà chiêm tinh đến. Theo lời tiên tri của nhà chiêm tinh thì trong tương lai, anh chàng PK khi trưởng thành sẽ không có một cuộc hôn nhân sắp đặt như nhiều người ở Ấn Độ. Vợ của anh sẽ là một nữ nhạc sĩ chơi sáo đến từ vùng đất xa xôi, thuộc cung Kim Ngưu và sở hữu một khu rừng.
Kể từ khi biết được những lời tiên đoán đó, chàng trai trẻ PK luôn luôn tin tưởng rằng định mệnh của mình sẽ diễn ra như vậy.
Chàng trai trẻ PK được tiên tri sẽ kết hôn với người vợ ở một vùng đất xa xôi, thuộc chòm sao Kim Ngưu.
26 năm sau, anh chàng PK đã trở thành một nghệ sĩ vẽ tranh phác họa đường phố nổi tiếng với tài năng “vẽ bức chân dung trong 10 phút”. Dù tài năng của anh rất tuyệt vời nhưng anh lại thất bại trong việc vẽ chính chân dung của người vợ tương lai, cô gái Thụy Điển mang tên Charlotte Von Schedvin.
Trong một lần tới thăm đất nước Ấn Độ, cô gái trẻ Charlotte đã vô tình nhìn thấy một anh chàng người Ấn đang ngồi vẽ tranh trên hè phố nên cô quyết định tiến tới và nhờ anh vẽ một bức chân dung cho cô.
Ông PK nhớ lại giây phút đầu tiên hai người gặp nhau: “Đó là buổi tối ngày 17/12/1975, một người phụ nữ tóc vàng với đôi mắt xanh tới gần tôi. Khi cô ấy xuất hiện trước giá vẽ, tôi cảm thấy như cơ thể mình không còn trọng lượng. Không một từ nào có thể diễn tả chính xác cảm giác của tôi khi ấy.”
Chính bởi sự choáng ngợp trước vẻ ngoài xinh đẹp của người phụ nữ phương Tây, ông PK đã không thể nào hoàn chỉnh được bức vẽ. Vì vậy ông đã đề nghị cô quay trở lại vào hôm sau. Và phải sau hai lần, ông mới có thể hoàn thành bức tranh.
Cô Charlotte đã về thăm gia đình ông PK và cả hai cùng nhau tổ chức đám cưới tại Ấn Độ.
Trong lần thứ hai gặp lại, dường như trong trái tim chàng họa sĩ đã nhận định đây là người phụ nữ của đời mình. Ông đã hỏi cô Charlotte đến từ đâu, có thuộc cung Kim Ngưu và liệu có sở hữu khu rừng cũng như biết chơi sáo hay không.
Và thật đáng ngạc nhiên khi câu trả lời của cô là “vâng” cho mọi câu hỏi. Số phận dường như đã sắp đặt cho cả hai bên nhau nên ông PK ngay lập tức ngỏ lời mời cô Charlotte về thăm gia đình anh.
Dù khá bất ngờ nhưng cô gái trẻ vì tò mò trước những câu hỏi lạ lùng của anh chàng họa sĩ nên đã đồng ý. Cả hai cùng nhau về quê của ông PK và cùng tới thăm ngôi đền Konark nổi tiếng. Chính trong khoảng thời gian này, tình yêu đã dần nảy nở.
Cặp đôi còn tổ chức kết hôn theo truyền thống của gia đình ông PK. Nhưng cuộc sống vợ chồng không kéo dài được bao lâu khi cô Charlotte phải trở về Thụy Điển. Nhưng trước khi tạm biệt, ông PK đã hứa với người vợ mới cưới sẽ đi tìm cô.
Ông PK quyết định đi xe đạp từ Ấn Độ tới Thụy Điển để đến với tình yêu đích thực.
Kể từ khi chia xa, cặp đôi thường xuyên trao đổi thư từ trong suốt một năm. Cho đến một ngày, dường như không thể sống trong cảnh “xa mặt cách lòng” được nữa, ông PK đã mua vé máy bay đến Thụy Điển.
Chỉ đáng tiếc rằng ông không thể mua được vé và một ý tưởng liều lĩnh đã nảy ra trong đầu người chồng trẻ. Ông đã bán tất cả đồ đạc và quyết định đạp xe từ Ấn Độ tới quê nhà của vợ.
Để có thêm kinh phí cho cuộc hành trình dài 11.263km, vừa đi ông PK vừa vẽ tranh để kiếm tiền, đôi khi ông cũng gặp được những người có lòng tốt cho ông ăn và ngủ nhờ. May mắn cho ông là vào thời điểm đó, người ta không cần thị thực để đến các quốc gia.
Sau 4 tháng đi qua 8 quốc gia như Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Nam Tư, Đức, Áo và Đan Mạch, ông PK đã đặt chân tới Thụy Điển và tìm lại vợ.
Sau 4 tháng, ông PK đã vượt qua 8 quốc gia để đến Thụy Điển để đoàn tụ với vợ.
Sau những cú sốc văn hóa và gặp khó khăn trong việc thuyết phục bố mẹ cô Charlotte, cuối cùng hai người cũng được tổ chức đám cưới. Ông PK nhớ lại: “Tôi không biết gì về văn hóa châu Âu, tất cả đều mới mẻ, nhưng cô ấy ủng hộ tôi trong từng bước. Cô ấy là người đặc biệt và tôi vẫn yêu vợ như năm 1975.”
Câu chuyện tình yêu “trèo đèo lội suối” của ông PK sau này đã được một nhà văn chuyên tìm hiểu về văn hóa Ấn Độ, Per J. Andersson viết thành một tác phẩm kể về hành trình 4 tháng đi theo tiếng gọi tình yêu của ông PK.
Người đàn ông 65 tuổi hiện đang sống hạnh phúc cùng vợ và hai con tại Thụy Điển. Ông vẫn tiếp tục công việc vẽ tranh và là cố vấn nghệ thuật và văn hóa cho chính phủ Thụy Điển.
Cho đến bây giờ ông vẫn luôn không hiểu “tại sao mọi người lại nghĩ rằng việc đi sang châu Âu là một chuyện lớn".
"Tôi chỉ làm những gì tôi phải làm. Tôi không có tiền nhưng tôi cần gặp cô ấy, tôi đã đi xe đạp vì tình yêu của mình dù tôi chưa bao giờ thích đạp xe.” Ông PK nói.