Nàng là tiểu thư sống ở biệt thự, có xe riêng đưa đón. Chàng là con trai lớn trong một gia đình đông anh em, phải làm việc ở chợ để trang trải cuộc sống. Nhưng nàng vẫn quyết tâm chờ đợi người con trai nhà nghèo nhưng học giỏi, để sau này phò tá chàng trở thành Thủ tướng huyền thoại của Singapore.
Cố thủ tướng Lý Quang Diệu là con trai lớn trong một gia đình có đến 5 anh em. Năm 1942, quân Nhật chiếm đóng Singapore, Lý Quang Diệu phải ra chợ làm đủ mọi việc để nuôi sống gia đình đông đúc.
Ngược lại hoàn toàn với hoàn cảnh của ông, bà Kha Ngọc Chi sinh ngày 21/12/1920, là tiểu thư trong một gia đình danh giá. Cha bà là cán bộ ở ngân hàng, gia đình sống trong biệt thự xa hoa và có xe hơi đưa đón đến trường học hằng ngày.
Vượt qua rào cản lớn về địa vị, cả hai vẫn nảy sinh tình cảm và yêu thương nhau trọn vẹn một đời.
Bà Kha Ngọc Chi và ông Lý Quang Diệu đều học tại Đại học Raffles Singapore (nay là Đại học Quốc gia Singapore). Bà rất nổi tiếng ở ngôi trường này không chỉ bởi là nữ sinh duy nhất theo học ở đây mà còn bởi khả năng học tập cực kỳ xuất sắc. Bà Kha và ông Lý luôn là những đối thủ của nhau trong học tập. Bà luôn đứng đầu ở môn tiếng Anh và Khoa học Kinh tế, còn ông Lý đứng thứ hai.
Học xong năm nhất, ông bỗng "bàng hoàng nhận ra rằng tôi không chiếm vị trí số 1 cả môn tiếng Anh lẫn môn kinh tế. Tôi xếp sau một cô tên Kha Ngọc Chi. Tôi thất vọng và cảm thấy khó chịu”, ông Lý Quang Diệu kể trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923 -1965 được xuất bản năm 1998. Bởi vậy, đối với ông Lý, bà vừa là một đối thủ cạnh tranh, vừa là người con gái ông luôn nể phục. Trong cuộc đua tranh giành suất học bổng duy nhất của Nữ hoàng Anh, cả 2 được coi là "kỳ phùng địch thủ".
Singapore bị quân Nhật chiếm đóng, việc học của cả hai bị gián đoạn. Nhưng rồi định mệnh lại đẩy đưa họ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác, khi Lý Quang Diệu và anh rể của Kha Ngọc Chi - Nyuk Lin - cùng sản xuất hồ dán văn phòng phẩm.
Từ đó, cặp đôi có cơ hội tìm hiểu những mặt khác của nhau và trở thành bạn bè. Tháng 9/1944, chàng trai trẻ họ Lý đã mời Ngọc Chi tới dự bữa ăn tối sinh nhật lần thứ 21 của mình. Đây chính là cột mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong tình cảm của cả hai: tình yêu bắt đầu chớm nở.
“Tháng 9.1944, chúng tôi đã trở nên đủ gần gũi để tôi mời Nyuk Lin, vợ anh ấy và Ngọc Chi (từ nay tôi gọi là Chi thôi) đi dự sinh nhật thứ 21 của tôi tại một nhà hàng Tàu ở khu Great World. Đó là lần đầu tiên tôi mời nàng ra ngoài”, ông Lý viết. Vào thời đó ở Singapore, một cô gái chấp nhận ra ngoài cùng một chàng trai, dẫu là có anh chị của cô đi cùng, thì điều đó không thể không mang một thông điệp nhất định!
Tuy nhiên, mối tình này lập tức gặp phải rào cản từ gia đình. "Bố mẹ Chi không kỳ vọng tôi là một chàng rể lý tưởng bởi khi đó tôi là chàng thanh niên bỏ dở Đại học Raffles, lại không có nghề nghiệp ổn định.", ông kể lại.
Bởi vậy, khi chiến tranh kết thúc, Lý Quang Diệu quyết định tới Anh để học luật bằng tiền tiết kiệm của gia đình. Tháng 9/1946, ông sang Anh du học tại Trường Đại học Cambridge danh giá. Trước đó, ông đã đã hỏi Ngọc Chi liệu bà có chờ ông 3 năm. Đáp lại, Ngọc Chi hỏi rằng ông có biết rằng ông hơn bà tới 2 tuổi rưỡi.
Điều này Lý Quang Diệu đã biết và suy nghĩ cẩn thận. Đối với ông, ông cần một người phụ nữ chín chắn, ngang bằng với mình chứ không phải một cô gái mới lớn cần chăm sóc. Ông nói rằng ngoài bà, ông không tìm được người nào ngang bằng với mình và cùng có chung mối quan tâm. Ngọc Chi đồng ý đợi.
Tuy nhiên, với sự thông minh và mạnh mẽ của mình, Ngọc Chi không phải mẫu phụ nữ chỉ ngồi yên chờ đợi. Bà đã xuất sắc giành được suất học bổng quý giá duy nhất hàng năm của Nữ hoàng Anh cho sinh viên của Đại học Raffles. Thế nhưng, Văn phòng Thuộc địa không thể tìm cho bà một chỗ ở trường đại học trong năm đó và nói rằng bà sẽ phải đợi đến năm 1948. Biết tin ấy, Quang Diệu đã tìm đủ mọi cách để thu xếp một cuộc gặp với hiệu trưởng trường Girton và thuyết phục bà nhận Ngọc Chi vào học trong năm đó. Mùa thu năm 1947, bà Kha Ngọc Chi cũng lên đường đến Cambridge du học.
Đến kỳ nghỉ giáng sinh năm đó, Lý Quang Diệu ngỏ ý muốn kết hôn bí mật với Ngọc Chi và bà đồng ý không một chút do dự. Đám cưới của họ được diễn ra bí mật bởi họ cho rằng cha mẹ và trường Girton sẽ không chấp nhận điều đó.
Tới tháng 6/1949, họ cùng tốt nghiệp hạng ưu. Ông Lý đoạt được ngôi sao danh dự cho những sinh viên xuất sắc nhất khóa học.
"Trở về Singapore, vợ chồng tôi làm trợ lý pháp luật cho công ty luật Laycock & Ông trên đường Malacca. Sau đó, chúng tôi chính thức kết hôn lần hai vào tháng 9/1950 theo nguyện vọng của bố mẹ và bạn bè. Chỉ là luật sư thảo giấy tờ chuyển nhượng, sang tên tài sản, còn tôi chuyên về kiện tụng, tranh chấp." - Ông Lý viết trong hồi ký.
Đám cưới lần 2 diễn ra công khai tại Singapore
Tháng 2/1952, Lý Hiển Long, cậu con trai đầu lòng của cặp đôi ra đời. Bà Kha nghỉ sinh trong 1 năm. Cùng tháng đó, ông Lý được hãng luật giao cho vụ kiện của Hội Liên hiệp các nhân viên Bưu chính Viễn thông. Họ muốn có những điều khoản và dịch vụ tốt hơn từ phía chính phủ. Hai tuần sau ông Lý đã dàn xếp vụ kiện thành công.
Việc này có công của bà Kha, người đã giúp ông chỉnh sửa bản thảo các điều khoản thương lượng ngay trong thời gian chăm con ở nhà, để nó mạch lạc và dễ hiểu hơn. "Qua nhiều năm, bà ấy ảnh hưởng tới phong cách viết của tôi. Giờ thì tôi viết những câu ngắn gọn với giọng điệu tích cực. Vợ chồng tôi cũng điều chỉnh thói quen của mình để hòa hợp với nhau."
Năm 1955, họ chào đón cô con gái thứ hai, Lý Vỹ Linh và hai năm sau đó là cậu con trai út Lý Hiển Dương ra đời. "Chi đã nuôi dạy các con thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, lịch sự, biết quan tâm tới người khác và không bao giờ kiêu căng tự đắc vì mình là con thủ tướng. Công việc của một luật sư giúp bà ấy kiếm đủ tiền để tôi không còn cảm thấy lo lắng về tương lai của các con."
"Chi đã nuôi dạy các con thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, lịch sự, biết quan tâm tới người khác và không bao giờ kiêu căng tự đắc vì mình là con thủ tướng."
Không chỉ nuôi dạy, chăm sóc con cái và quán xuyến việc gia đình, bà Ngọc Chi còn là một cộng sự và cố vấn đắc lực của chồng trên con đường chính trị. Bà lặng lẽ đứng phía sau hỗ trợ chồng trong mọi việc.
Bà đã giúp ông Lý Quang Diệu soạn thảo hiến pháp khi ông thành lập đảng Nhân dân Hành động. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959, bà đã phát biểu trên đài phát thanh kêu gọi phụ nữ bầu cho đảng Nhân dân Hành động.
Trong phần lớn sự nghiệp chính trị của ông Lý Quang Diệu, bà Ngọc Chi là người đọc dò và chỉnh sửa tất cả các bài phát biểu của ông. Khi ông viết hồi ký, bà Ngọc Chi thức với ông đến tận 4 giờ sáng hôm sau để đọc kỹ bản thảo, sửa lỗi, nhận xét và bảo ông cách viết sao cho gãy gọn, mạch lạc.
Trong các chuyến công cán cùng chồng, bà Chi tiếp xúc với phu nhân của các chính khách mà ông Lý gặp gỡ. Sau đó, bà đưa ra nhận định khá chính xác về vị chính khách thông qua cách hành xử và giao tiếp của vợ ông ta. “Bà ấy có một trực giác rất tinh anh khi đánh giá một con người. Trong khi tôi đưa kết luận dựa trên phân tích và lý lẽ, thì bà ấy lại dựa vào cảm giác mà bà cảm nhận được đằng sau nụ cười, những lời nói thân tình, nét mặt, và ngôn ngữ cơ thể của người đối diện”, ông Lý viết.
Bà Kha thường đi theo chồng trong những chuyến công du
Vậy nhưng khi gác lại những bộn bề công việc, cặp vợ chồng cố thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn có những phút giây yên bình như những cặp đôi bình thường khác. "Bà ấy có những niềm vui đơn giản. Chúng tôi sẽ đi bộ quanh khu vườn Istana vào buổi tối và tôi sẽ đánh vài đường golf để thư giãn. Khi có cháu, Chi hay dẫn chúng đi cho cá và thiên nga trong hồ ăn. Sau đấy, chúng tôi sẽ đi bơi."
Tình yêu khiến cho cặp đôi dường như chẳng bao giờ già đi
Tháng 10/2003, bà Ngọc Chi bị đột quỵ khi đang ở London cùng chồng. Bà được đưa về Singapore để phẫu thuật. Ông Lý Quang Diệu cũng đã có kế hoạch phẫu thuật tuyến tiền liệt. Hai ông bà ở hai phòng cạnh nhau trong bệnh viện đa khoa Singapore và có cửa trượt ở giữa để họ có thể bầu bạn.
Tuổi đã cao nhưng đôi vợ chồng vẫn luôn gắn bó trong mọi sự kiện
Bà Ngọc Chi hồi phục nhưng mất thị lực bên trái. Do đó, trong các bữa ăn, ông Lý Quang Diệu luôn ngồi bên trái bà để nhắc bà ăn nốt thức ăn ở bên trái đĩa. Họ vẫn đi du lịch cùng nhau và ông Lý Quang Diệu luôn chọn khách sạn có bể bơi để vợ có thể tập thể dục.
Năm 2008, bà bị đột quỵ lần hai và nằm liệt giường, không thể cử động hay nói. Khi tình trạng xấu dần, bà Ngọc Chi gần như chỉ phản ứng với giọng nói của chồng. Lúc nào bà cũng thức chờ ông đi làm về để đọc cho bà nghe những bài thơ bà yêu thích, kể cho bà nghe về ngày làm việc của ông, nói chuyện với bà. Ngay cả khi ra nước ngoài, ông cũng nói chuyện với vợ qua webcam.
“Chúng tôi rồi sẽ phải ra đi. Tôi không chắc ai sẽ ra đi trước. Vì vậy tôi nói với bà ấy rằng, tôi đang nhẩm lại lời nguyền lứa đôi: Hãy cứ yêu nhau đi, gìn giữ và vun đắp cho tình thêm nảy nở. Chẳng sợ khó khăn, chẳng ngại đau khổ...”.
Ngày 2/10/2010, bà Kha qua đời ở tuổi 89 sau hai năm nằm liệt giường. Cuộc hôn nhân của ông bà đến khi đó là tròn 63 năm.
Trước khi nắp quan tài được đóng lại để đưa lên giàn hỏa táng, ông Lý đặt lên ngực vợ một bông hồng đỏ, và bước thêm mấy bước đến gần hơn, lặp lại nụ hôn từng trao cho bà ở hôn lễ cách đây 50 năm, rồi khó nhọc đứng dậy và lặng lẽ quay đi.
"...Hơn ba-phần-tư đời người tôi có bà, và bà có tôi. Sự ra đi của bà đã để lại trong tôi một nỗi đau không thể diễn tả thành lời... Bà đã chia sẻ với tôi ước nguyện cuối cùng, bà nhờ tôi dặn các con đặt hộp tro của chúng tôi bên cạnh nhau, cũng như tôi và bà đã ở bên nhau suốt cả đời này vậy... Bà đã sống một cuộc sống tràn hơi ấm tình thương và đầy ý nghĩa. Có lẽ tôi nên cảm thấy được an ủi vì những gì bà đã làm được suốt 90 năm qua. Nhưng giờ đây, trong giây phút biệt ly cuối cùng này, trái tim tôi lại nặng trĩu nỗi buồn..."