Yêu thích sự hiền hòa, yên tĩnh và không vướng bận xô bồ của cuộc sống, chị Huyền đã chuyển về Huế tu sửa lại căn nhà gỗ sống một cuộc đời an yên.
Đến Huế mộng mơ, chiêm ngưỡng ngôi nhà bình yên và khu vườn hoa hồng lãng mạn của gia đình Hà Huyền (40 tuổi) giữa chốn cố đô trầm mặc nên thơ, có lẽ nhiều người sẽ ao ước được sở hữu chúng để cùng nhau hít hà hương thơm của các loài hoa, trút bỏ những lo toan thường nhật ngoài kia.
Sửa nhà hoang để ở vì yêu vẻ đẹp xưa cũ
Từng sống ở Hà Nội và nước ngoài một thời gian dài, đến năm 40 tuổi chị Huyền cùng chồng chuyển về Huế tu sửa lại sân vườn và căn nhà gỗ làm nơi sinh hoạt cho cả gia đình.
Căn nhà gia đình của chị Huyền trước và sau tu sửa.
Theo lời chị Huyền, diện tích nhà vườn của gia đình chị rộng 770m², trong đó căn nhà có diện tích 60m² được nhà chị mua lại của người dân địa phương. Khi đó trên mảnh đất chỉ có vỏn vẹn ngôi nhà hoang nhiều năm không có người ở và vài cây chuối, thêm một số cây ăn quả lâu năm như khế, mít, hồng.
Bản thân lấy chồng là người gốc Huế nên chị có cơ hội về chốn cố đô rất nhiều lần và đã khá quen thuộc với kiến trúc cổ nơi đây, nhất là khu Kim Long – nơi mà cả gia đình chị hiện tại đang sinh sống. “Nơi đây nổi tiếng với những ngôi nhà vườn vốn là phủ đệ của các quan lại thời Nguyễn. Thường các ngôi nhà rường có diện tích khá khiêm tốn so với khu vườn xung quanh. Đây là nét đẹp rất đặc biệt của nhà vườn ở Huế, để con người sống trong đó luôn cảm thấy mình là một phần của thiên nhiên, không có sự ngăn cách về cấu trúc giữa nơi ở của con người và thế giới xung quanh” – chị Huyền chia sẻ.
Mùa nào thức đó, chị tranh thủ trồng rau củ quả để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Hiểu rõ được triết lý mang giá trị văn hóa đó nên khi mua lại khu đất có sẵn ngôi nhà này chị Huyền đem lòng mê mẩn ngôi nhà cổ xưa và tự nhủ với bản thân sẽ cố gắng khôi phục căn nhà hoang trước đó trở về dáng vẻ và tinh thần ban đầu.
Khi quyết định tu sửa lại căn nhà đã nhiều năm không có người ở, chị Huyền xác định sẽ gặp ít nhiều những khó khăn trong quá trình thực hiện, tuy nhiên được lên ý tưởng và làm mới nhà ở, chị nghĩ đó là việc làm rất thú vị. May mắn hơn cả, song hành với quá trình sửa sang tổ ấm chị luôn có người chồng say sưa với vẻ đẹp xưa cũ, lại có nhiều người thân làm việc trong lĩnh vực bảo tồn di tích nên việc tìm kiếm phương án tối ưu và thi công gặp nhiều thuận lợi.
Bên trong nhà được chị kê bộ bàn ghế tiếp khách.
Chị Huyền cho biết, tổng thời gian tu sửa lại căn nhà là hơn 3 tháng. “Từ nửa năm nay khi gia đình mình dọn tới ở, chúng mình vẫn liên tục cải tạo và làm xanh tốt lại khu vườn cũ. Về cơ bản là thành công nhưng cũng tốn không ít công sức” – mẹ 8X nói.
Chị cho rằng, việc lựa chọn vật liệu, kiểu dáng trang trí cũng không dễ dàng. Hai vợ chồng phải nghiên cứu kỹ việc đưa những tiện nghi hiện đại vào ngôi nhà làm sao để chúng không bị mâu thuẫn với những nét cổ kính. Để làm sao kiến trúc cổ không bị phá vỡ mà công năng ngôi nhà vẫn được đảm bảo.
Các loại rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày chị trồng thêm cải, dền, cà chua, mướp đắng, xà lách, bí đỏ, rau ngót, rau càng cua, rau má, bát bát…
Theo chị Huyền, đồ trang trí trong nhà không có nhiều. Diện tích nhỏ nên không thể có quá nhiều đồ lặt vặt. Trong quá trình thiết kế lại căn nhà, chị luôn phải cân đối giữa yếu tố thẩm mỹ và tiện ích. Trên tường, chị trang trí chủ yếu bằng tranh do cậu con trai lớn vẽ. Ngoài ra, có một vài chiếc gối, rèm che tạo nét mềm mại bên cạnh vẻ chắc chắn, vuông vắn của cấu trúc gỗ.
Trên tường, chị trang trí chủ yếu bằng tranh do cậu con trai lớn vẽ.
Nói về việc thuê nhân lực để hỗ trợ sửa nhà, chị cho biết, ở Huế không có nhiều địa chỉ mua sắm nhưng lại có những người thợ thủ công rất giỏi. Vì thế mọi thứ chị thường đặt làm (rèm, gối, khung tranh…) từ những người thợ ở tại địa phương.
Thăm nhà vườn để trút bỏ lo toan thường nhật
Ngoài căn nhà gỗ bình yên, không thể không kể đến khu vườn lãng mạn, mộng mơ của gia đình chị Huyền. Với phần lớn diện tích là đất trống, chị Huyền tự tay trồng nhiều hoa hồng vì chị rất yêu hoa hồng, nhất là các loại hồng cổ của Việt Nam (cổ Sơn La, Hải Phòng, Vân Khôi, Tố Nữ), bên cạnh đó cũng là những giống hồng ngoại có mùi thơm dễ chịu như Red Eden, Poet’s Wife, Voyage, Soeur Emmanuelle…
Ngoài ra chị còn trồng các loài hoa như hải đường, lộc vừng, mai vàng. Các loại rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày chị trồng thêm cải, dền, cà chua, mướp đắng, xà lách, bí đỏ, rau ngót, rau càng cua, rau má, bát bát….
Với phần lớn diện tích là đất trống, chị Huyền tự tay trồng nhiều hoa hồng vì chị rất yêu hoa hồng, nhất là các loại hồng cổ của Việt Nam (cổ Sơn La, Hải Phòng, Vân Khôi, Tố Nữ).
Chị Huyền kể, hai vợ chồng bàn bạc với nhau tất cả mọi chuyện, từ thiết kế, sửa chữa cho đến trồng trọt, chăm bón. Chồng phải “đứng mũi chịu sào” hơn ngoài công trường trong thời gian sửa chữa, nhưng về ý tưởng thì cả hai đều thống nhất với nhau từ đầu. May mắn là cả hai có gu thẩm mỹ khá giống nhau nên thường tìm được tiếng nói chung khá dễ dàng.
Mẹ 8X chia sẻ, những người thân, bạn bè từng tới thăm khu vườn đều rất thích thú, có lẽ không hẳn vì kiểu dáng hay tiện ích, mà vì cảm giác thư thái đơn giản khi bước chân vào nhà. Mặt khác, chị cũng rất tin rằng mỗi khu vườn, ngôi nhà đều có cái “hồn” của nó, và cái hồn của ngôi nhà vườn này khá nhẹ nhõm, bình yên nên có thể giúp người tới thăm trút bỏ một chút lo toan thường nhật.
“Ngôi nhà cũng nhận được khá nhiều lời khen và đã trở thành một địa chỉ lui tới của nhiều người bạn. Điều ấy làm chúng mình vô cùng hạnh phúc” – chị Huyền xúc động nói.
Để có nhiều phút giây chăm chút cho tổ ấm nhỏ, chị Huyền đã dừng công việc toàn thời gian trước đó chuyển sang một công việc làm chủ yếu tại nhà. Mỗi sáng sớm chị sẽ dành 40 phút sau khi thức dậy để làm vườn, chủ yếu là tỉa cành, bắt sâu và nói những lời ngọt ngào với cây cối. Việc nặng là tưới cây và bón phân thì chồng và con trai lớn sẽ đảm nhận.
Khế, hồng, chuối là những cây ăn quả lâu năm đã có trong khu vườn từ trước đó nhiều năm.
Giờ đây mỗi ngày trôi qua được sinh hoạt trong không gian bình yên, trong lành chị Huyền cảm thấy vô cùng dễ chịu vì được đắm chìm trong thiên nhiên, mà vẫn không phải hy sinh tiện nghi thường nhật. Chị cho rằng người phụ nữ nắm giữ linh hồn của ngôi nhà nên chị luôn thấy vô cùng hạnh phúc khi được chăm chút mà không hề thấy một chút vất vả khó nhọc nào.
Mẹ 8X luôn tâm niệm rằng thân tâm không thể tách rời, nếu bạn được sống trong một ngôi nhà xinh xắn, ngăn nắp, thì bạn cũng sẽ suy nghĩ và tư duy mạch lạc, hiệu quả hơn. Được ở bên cây cối cũng giúp chị nhận ra những triết lý sống đáng quý mà có thể bản thân sẽ khó tìm thấy ở ngoài xã hội. Đó là sự hồn nhiên của cây cỏ, trong sự sinh cũng như sự diệt.
Căn bếp cũng được chị Huyền bài trí ngăn nắp.
Mỗi buổi sáng thức dậy bởi tiếng chim líu lo rất khác với việc thức dậy bởi tiếng còi xe. Ngắm nhìn một chú chim kiếm mồi buổi sớm và những nụ hồng cũng khiến cho chị cảm thấy rất “đủ đầy”, mặc dù có thể về tài chính thì cuộc sống ở thành phố nhỏ không thể dồi dào như ở đô thị lớn.
Vì diện tích nhỏ nên không thể có quá nhiều đồ lặt vặt.
Đây cũng là lần đầu tiên các con của chị được chứng kiến những gốc cây lớn lên từ một hạt mầm nhỏ, được cầm chiếc cuốc để xới đất và vun gốc cho rau… Những điều ấy chị nghĩ tiền bạc tiện nghi không thể mua được.
Thả hồn mình trong khu vườn ngập tràn màu xanh của cây ăn quả và hoa lá, chị Huyền không quên nhắn nhủ đến những chị em cũng đang ấp ủ một ý tưởng được quay về với vẻ đẹp xưa cũ, tìm cuộc sống bình yên bên cây cối, vườn tược thì hãy có niềm tin vào mong muốn đó, mọi thứ chỉ khó khi bản thân chúng ta phức tạp hóa chúng lên, về cơ bản hãy mạnh dạn đi là sẽ đến.