Đừng nhân danh những điều không có thật!

Ngày 08/05/2015 08:58 AM (GMT+7)

Bạn vẫn thường thấy trong một đoạn quảng cáo, người con đi làm ăn xa bao nhiêu năm không về thăm cha mẹ già, một hôm nhìn thấy sản phẩm bèn nhớ đến cha mẹ mà mua về cho cha mẹ sử dụng. Bạn nghĩ, đây là một điều có thật không?

Bạn từng chứng kiến, một cô ca sĩ quay MV quảng cáo cho một nhãn hàng rượu bằng hình thức bày tỏ tình cảm với song thân. Bạn nghĩ, đây là một điều có thật không?

Bạn từng chứng kiến một anh chàng đặt vấn đề chia tay với người yêu bởi lý do, “Yêu anh chỉ khiến em khổ đau, quên anh đi. Em sẽ tìm được một người đàn ông tốt gấp trăm ngàn lần anh”. Bạn nghĩ, đây là một điều có thật không?

Bạn đã từng đọc những vụ án mạng liên quan đến tình cảm, chàng hoặc nàng sát hại người tình chỉ vì “sống không thành uyên ương, nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm”. Bạn nghĩ, đây là một điều có thật không?

Bạn biết không, chúng ta rất thích nhân danh những điều không có thật để xem đó là nguyên cớ hợp lý cho sự sai trái của bản thân.

Bạn biết không, chúng ta rất thích nhân danh những điều không có thật chỉ nhằm thỏa mãn sự ích kỷ trong chính mỗi con người.

Bạn biết không, chúng ta rất thích nhân danh để đánh lừa cảm giác tội lỗi hay đơn giản chỉ là hướng đến hành vi có lợi cho chính mình.

Đừng nhân danh những điều không có thật! - 1

Hình minh họa

Tôi đọc đâu đó trên báo, có một nhiếp ảnh gia cùng một người nổi tiếng quyết định thách nhau di chuyển từ thủ đô Hà Nội vào thành phố Đà Nẵng, hình thức thách nhau là di chuyển không một xu dính túi. Họ dự tính đi đến đâu sẽ nhờ sự giúp đỡ đến đó, đại khái họ muốn nhân danh tình yêu thương của bằng hữu hoặc đơn giản hơn là sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Một nhãn hàng xe gắn máy đắt tiền biết chuyện (khi họ loan tin thách đố trên facebook) đã quyết định cho họ mượi hai chiếc xe gắn máy của họ làm phương tiện. Và cuối cùng, trải qua hàng chục thử thách gian nan khắc nghiệt (mà tôi tin rằng, một người đi bộ không đồng xu dính túi từ Thủ đô Hà Nội vào đến Đà Nẵng cũng không gặp nhiều gian nan bằng) họ đã đến thành phố Đà Nẵng trong nỗi vui sướng vỡ òa.

Tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện quảng cáo, khuếch trương thương hiệu của nhãn hàng xe. Cá nhân tôi nghĩ, đó là câu chuyện quảng cáo rất nhạt, có phần sến súa và giả tạo.

Một cá nhân tử tế là một cá nhân biết lao động và tự lo lắng cho bản thân của mình, nếu như không gặp vấn đề về sức khỏe, hình thể hay tinh thần.

Một cá nhân tử tế là một cá nhân biết phân biệt đâu là chuyện kiếm ra tiền lương thiện đâu là chuyện trục lợi dựa vào sự cả tin (hay tình cảm) của những người quan tâm đến mình.

Một cá nhân tử tế là một cá nhân hoàn toàn không nhân danh vào điều không thật để tôn tạo mình lên thành một biểu tượng hình mẫu.

Bạn biết không, cuộc sống nhiều biến cố và thiên biến vạn hóa. Cuộc sống luôn có sự thay đổi mà bạn không bao giờ lường hết được. Hãy làm điều bạn cảm thấy thú vị, hãy làm điều mà bạn cho rằng thích hợp khi mà điều bạn thực hiện không vi phạm pháp luật.

Thế nhưng, bạn đừng nhân danh bất cứ điều không thật nào.

Bạn không thể nhân danh nghệ sĩ để làm điều này hay điều khác trái với những chuẩn mực chung, kiểu như một anh nghệ sĩ hài đã hành xử với hàng loạt cô vợ cũ.

Bạn không thể nhân danh công bằng sòng phẳng hay điều gì đại loại thế để kiên quyết đưa mẹ ruột của bạn ra tòa.

Bạn nhớ câu chuyện, cậu bé chăn cừu bị sói cắn chết hết bầy cừu mà đúng không? Không phải kết quả của sự nhân danh sự quan tâm của đám đông để thỏa mãn với tính ham vui của chính bản thân mình luôn bẽ bàng hay sao (?).

Xem bài viết cùng tác giả:

Cho người ăn xin: sao cấm được cái Tâm của con người?

Tình công sở và đường ngược chiều (P.1)

Tình công sở và đường ngược chiều (P.2)

Đổ nước đá lên đầu, ai thích thì làm, kệ họ!

Đừng mắng Hào Anh

Thương nhớ... người dưng

Luận chuyện lăng nhăng của đàn ông

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện