Tình công sở và đường ngược chiều (P.2)

Ngày 03/09/2014 10:38 AM (GMT+7)

Có rất nhiều câu chuyện về tình công sở mà tôi đã chứng kiến, và gần như những câu chuyện đó đều có cùng chung một kết cục.

Vì sao chuyện ngoại tình công sở hiện tại lại nhiều như vậy, nhiều đến mức phần nào đó người ta đã xem đó nghiễm nhiên là chuyện hết sức bình thường. Kiểu như, người ta đã không còn thấy ngạc nhiên khi nhìn ai đó xách vợt tennis vào nhà nghỉ, mua cơm hộp vào khách sạn hay rủ nhau hẹn hò tranh thủ bằng ám hiệu “Trưa nay, cà phê nhé”.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chuyện này xuất phát từ tư duy rất cố hữu của người Việt “Luận chuyện người thì khó, xét chuyện mình thì dễ”.

Luận chuyện người thì khó, thấy ai vô tình va vấp trong cuộc sống thì ngay lập tức hùa nhau chỉ trích rất cay nghiệt. Như lúc đọc một thông tin chồng bỏ vợ theo bồ nhí hay xem một đoạn clip chồng vì bênh bạn gái mà đánh vợ hoặc biết chuyện về một gã Sở Khanh… Rất nhanh chóng xắn tay áo, uống nước lọc, hắng giọng lấy hơi, nhắn tin tìm bạn bè, í ới gọi nhau tụ tập… chuẩn bị rất kỹ lưỡng một cuộc tổng công kích với những ngôn từ mạnh mẽ hay độc địa nhất nhằm vào đối tượng kia. Nào là, “Cái ngữ ấy thì kiếp sau không thể làm người”. Nào là, “Cái loại bạc tình ấy rồi sẽ không có kết quả tốt”. Nữa là, “Cái loại giật chồng thiên hạ sẽ nhanh chịu ác báo thôi”. Tất nhiên, những câu tôi vừa trích không thể nào lột tả hết được sự phong phú trong ngôn ngữ thường nhật, chỉ là một ví dụ thôi. Và những chi tiết này, gói gọn trong chủ đề tôi đang bàn luận.

Xét chuyện mình thì dễ, đến lúc mình lâm vào tình trạng đầu mày cuối mắt, tình trong mộng tưởng với người cùng cơ quan, hay khác cơ quan hoặc người đã có gia đình thì lại tự biện hộ, “Hỡi trời xanh, làm sao lại khiến con rơi vào đường tình oan nghiệt như thế này”. Ban đầu còn tự vấn, về sau thì “Thôi, chuyện yêu đương biết đâu là đúng sai. Đã yêu thương thì chỉ nghe con tim mách bảo chứ làm sao mà tuân theo lý trí được”.

Từ xét chuyện mình dễ, hệ lụy cứ nảy sinh như vết dầu loang trên biển, không thể kiểm soát được.

Lý trí trong chuyện tình công sở cũng như cái thắng xe vậy. Đó chính là công cụ hữu hiệu nhất giúp cá nhân kiềm lại được chính bản thân mình.

Thế nhưng, do tư duy “xét chuyện mình thì dễ” nên người ta sẵn sàng cắt đứt cái thắng xe ấy, để lao vao một chuyện tình không đầu không cuối. Chuyện tình mà bắt đầu và kết thúc đều cùng một địa điểm duy nhất: nhà nghỉ hay khách sạn tính giờ.

Tình công sở và đường ngược chiều (P.2) - 1

Tôi không đả kích cá nhân nào cả, vì lớn hết rồi, thấy gì đúng thì làm, thấy gì không phản cảm thì hành xử thôi. (ảnh minh họa)

Tất nhiên là lúc này, những người tham gia trò chơi tình công sở đã tự đặt mình vào vị trí của cá nhân mà trước đây họ từng nguyền rủa, “Cái ngữ ấy thì kiếp sau không thể làm người”, “Cái loại bạc tình ấy rồi sẽ không có kết quả tốt”, “Cái loại giật chồng thiên hạ sẽ nhanh chịu ác báo thôi”.

Sẽ có ai đó bảo với tôi, thấy người ta tình công sở nên mình cũng tình công sở để thay đổi sự nhàm chán trong đời sống gia đình. Là vậy đó, khi vướng vào câu chuyện loay hoay không lối thoát này, người ta sẽ đưa ra hàng vạn cái cớ khác nhau. Mà cái cớ nào cũng là hợp lý cả. Hẳn là, sự hợp lý này như là câu trả lời để đánh lừa tư duy, để đánh lừa cảm giác sai trái mà thôi.

Tôi có rất nhiều câu chuyện về tình công sở mà tôi đã chứng kiến, và gần như những câu chuyện đó đều có cùng chung một kết cục. Giả mà khác đi thì cũng chỉ là chuyện, chồng ly dị vợ, vợ chia tay với chồng, bỏ mặc con cái để thuận tiện chung vui với duyên mới.

Nhưng thôi, quan điểm là của cá nhân. Tôi không đả kích cá nhân nào cả, vì lớn hết rồi, thấy gì đúng thì làm, thấy gì không phản cảm thì hành xử thôi.

Đọc bài cùng tác giả:

Tình công sở và đường ngược chiều (P.1)

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG