Đang dần hình thành nên một đặc tính cho đám đông, đó chính là họ luôn sẵn sàng chơi trò 'ném đá tập thể' vào bất cứ cá nhân nào mà không cần phải suy xét thấu đáo.
Họ cứ như đang tham gia vào một cơn lên đồng tập thể.
Thật là khốn khổ cho những ai trót không may sẩy chân vào thời điểm này.
Hào Anh, là một ví dụ.
Tháng 6 năm 2010, những hình ảnh về vụ bạo hành trẻ em tại trại tôm giống ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau khiến dư luận choáng váng. Nạn nhân của sự vô nhân tính ấy có tên là Nguyễn Hoàng Anh, hay còn gọi là Hào Anh, sinh năm 1996.
Lý lịch trích ngang của Hào Anh được tóm gọn như sau:
Cha bỏ đi khi vừa mới chào đời.
Mẹ có chồng khác.
Năm 2008, khi mới 12 tuổi, mẹ ruột đi làm mướn cho chủ trại tôm giống.
Suốt hai năm liền từ năm 2008 cho đến năm 2010, bị vợ chồng chủ trại tôm hành hạ bằng cách: đánh, bẻ răng, dùng bàn ủi nóng gí vào người… cùng nhiều những trận đòn như đòn thù khác.
Hào Anh sẽ mãi mãi ở cái chốn địa ngục trần gian ấy nếu như không có lần bạo hành khiến Hào Anh phải nhập bệnh viện huyện cấp cứu, và tại bệnh viện huyện người ta đã sốc khi chứng kiến vô số những vết thương trên cơ thể của Hào Anh. Thông tin về vụ bạo hành như thời trung cổ này nhanh chóng được báo giới loan tin, Cơ quan Công an vào cuộc điều tra và bắt giữ vợ chồng chủ trại tôm giống, nơi thuê mướn Hào Anh. Nếu hai vợ chồng chủ trại tôm không bị bắt tạm giam, thì e rằng họ khó sống được trước cơn phẫn nộ của dư luận vào thời điểm đó.
Khi mọi thứ đang đến cao trào, thì mẹ Hào Anh lặng lẽ làm đơn xin bảo lãnh cho vợ chồng chủ trại tôm. Tuy nhiên, lá đơn này đã bị từ chối vì Cơ quan Công an nhận định hành vi bạo hành này là nghiêm trọng.
Hào Anh về ở với mẹ và cha dượng, các em cùng mẹ khác cha. Ban đầu, Hào Anh đi học nghề mộc. Sau, nghỉ hẳn để đi làm bốc vác kiếm tiền đưa cho mẹ. (ảnh internet)
Hào Anh được đưa vào bệnh xá của Công an tỉnh để chăm sóc, và tiếp đến là được chuyển sang Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Hào Anh được cho đi học lớp 5 để bổ túc lại văn hóa. Thế nhưng, mẹ ruột của Hào Anh đã xin cho con mình rời khỏi Trung tâm. Lúc này, Hào Anh có được hơn 700 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, đó là số tiền mà những nhà hảo tâm đã đóng góp, giúp đỡ cho Hào Anh kèm theo quy định “Đến 18 tuổi, Hào Anh sẽ được toàn quyền sử dụng số tiền này”.
Hào Anh về ở với mẹ và cha dượng, các em cùng mẹ khác cha. Ban đầu, Hào Anh đi học nghề mộc. Sau, nghỉ hẳn để đi làm bốc vác kiếm tiền đưa cho mẹ.
Khi vừa qua tuổi 18, Hào Anh đã bị phạt hành chính vì hành vi ngược đãi cha mẹ khi đuổi mẹ ruột ra khỏi nhà với số tiền 200 nghìn đồng. Đây là căn nhà mà Hào Anh đã mua đất và xây cất bằng tiền của các mạnh thường quân ủng hộ trước đây.
Xuyên suốt bản lý lịch mà tôi vừa trích dẫn, hoàn toàn không có bất cứ quãng thời gian nào chứng minh Hào Anh được học hành, được dạy dỗ một cách nghiêm túc. Ngoại trừ, những tháng ngày ít ỏi được học lớp 5 cùng các em nhỏ khác ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau.
Còn lại, hầu như Hào Anh được (hay bị) quẳng ra đường mưu sinh bằng những thứ nghề khác nhau, chủ yếu là lao động chân tay. Tiền kiếm được, Hào Anh đều đưa hết cho mẹ, mẹ Hào Anh sẽ cho lại Hào Anh một ít tiền tiêu vặt. Hào Anh sử dụng số tiền này để chơi game.
Mọi thứ cứ diễn ra như vậy cho đến thời hiểm hiện tại, khi mẹ Hào Anh đang thổn thức tuyên bố với báo giới “Cách nay 2 hôm, nó quậy dữ quá, đập phá đồ đạc, và đuổi hai vợ chồng tôi ra khỏi nhà”. Mẹ Hào Anh cũng cho rằng, Hào Anh thay đổi tính nết, xài tiền như phá là vì bạn gái.
“Hiện tại thì tiền bạc trong tài khoản đã hết, không biết tới đây sẽ sống ra sao nữa", mẹ của Hào Anh nói thêm.
Người ta đang ném đá Hào Anh vì hành vi ngược đãi cha mẹ, họ cảm thấy thất vọng vì Hào Anh đã không sống như họ từng mường tượng. Còn Hào Anh thì bảo, “Giờ con muốn làm người tốt cũng khó quá”.
Tôi vẫn nghĩ rằng, nên tập thói quen, khi đã cho tiền ai đó hãy nhanh chóng quên đi. Người ta sử dụng ra sao là chuyện của họ. Đừng ép người khác phải xài tiền theo chủ ý của người đã cho đi. Dẫu là tiền từ thiện.
Điều cốt yếu hơn, quá khó để có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng từ một cá nhân không được sinh ra và lớn lên bằng sự yêu thương của cha mẹ, sự uốn nắn của người thân, sự giáo dục của nhà trường, sự tu dưỡng tự bản thân.
Đôi lúc, cây không phát triển là vì thổ nhưỡng.
Xem bài viết cùng tác giả: Tình công sở và đường ngược chiều (P.1) |