Giáo dục khi con trẻ mắc lỗi để con không tái phạm mà ngoan hơn, giỏi hơn là cả một nghệ thuật.
Được biết chương trình ‘Bố ơi mình đi đâu thế?’ trên VTV3 đang rất được nhiều đối tượng khán giả Việt Nam yêu thích, tôi liền tò mò xem thử vài tập. Quả là rất hấp dẫn! Bên cạnh những tiếng cười, những trải nghiệm thú vị mà các cặp bố con mang lại cho khán giả truyền hình, cách giáo dục con của các ông bố cũng rất đáng để học hỏi. Sự nhẹ nhàng của bố Minh Khang với Suti, sự kiên nhẫn của bố Mạnh Trường đối với Chíp, sự bình đẳng của bố Minh Đỗ với Totti hay sự hài hước thông minh của bố Xuân Bắc với Bi… Đặc biệt, trong những tình huống mà các bé làm gì đó sai, các ông bố đã có những cách ứng xử khác nhau. Điều này khiến tôi thực sự suy nghĩ về việc người lớn – nhất là các bậc phụ huynh sẽ nên phản ứng như thế nào khi con trẻ phạm sai lầm?
Cứ tưởng tượng, khi trẻ làm sai điều gì đó, làm trái ý người lớn, họ sẽ có thể bực bội như thế nào? Dù trẻ có cố ý hay vô tình, nhiều người sẽ vẫn nhíu mày nhăn mặt và thở dài ‘Trời ơi!”. Tệ hơn, có phụ huynh sẽ mắng con, thậm chí là quát to và khiến con sợ hãi. Kinh khủng hơn, có những ông bố bà mẹ sẽ phạt con rất nặng… Những điều này dần dà sẽ khiến trẻ tự ti và cảm thấy lo lắng, sợ sệt nếu như làm sai điều gì đó, khiến bố mẹ không hài lòng.
Vậy, làm thế nào để có thể phản ứng tích cực khi con trẻ làm sai? Xin phép chia sẻ một vài ý tưởng như sau:
Hãy dạy con lỗi sai là một phần tất yếu của cuộc sống
Người lớn luôn nói với nhau ‘Thất bại là mẹ của thành công’, vậy thì với con trẻ cũng thế. Khi con làm sai, thay vì dọa nạt, hãy cùng con trò chuyện, giải thích cho con để trẻ thấy được lí do, hiểu được vấn đề. Từ đó, trẻ sẽ biết được tại sao mình nên làm như thế này mà không phải thế kia và lần sau, trẻ sẽ không lặp lại sai lầm nữa. Trẻ cũng sẽ thấy được rằng nhờ lần này mình có lỗi này mà lần sau, mình sẽ tránh được.
Bạn nhỏ này được giao nhiệm vụ đọc thông tin vé lên máy bay, tự lọc ra thông tin cần thiết để làm người dẫn đường cho cả nhà. Mặc dù lần lên máy bay đầu, bạn đưa mọi người đến sai cổng, nhưng sau khi phân tích, được mẹ khuyến khích, bạn đã suy nghĩ lại và tìm ra cách giải quyến vấn đề. Thế là lần lên máy bay sau, bạn trở thành người dẫn đường tuyệt vời và chính xác.
Lần sau đi đi đâu, nếu thời gian cho phép…bạn hãy thử cho con có cơ hội “làm sai” như thế này nhé! Bạn sẽ cảm thấy thật ấm lòng nhìn con nhận thử thách một cách nghiêm túc và sẽ tự nhủ “Con lớn thật rồi!”… Cứ như thế, bạn sẽ càng vững tâm trao cho con nhiều thử thách khác để trưởng thành!
Xem việc học tập và trưởng thành của con là một quá trình, không phải là sản phẩm
Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình thật hạnh phúc và thành đạt. Do vậy, con trẻ bây giờ được phát triển toàn diện hơn và thường được kì vọng học giỏi những môn ở trường, biết chơi nhạc cụ, thông thạo tiếng Anh… Nhiều phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho con đi học thêm ngoại ngữ ở các trung tâm nổi tiếng, uy tín. Thế nhưng, sao tiếng Anh của con mãi vẫn thế, con nghe người nước ngoài nói vẫn không hiểu gì, và làm bài tập thì sai bét… Những lúc như thế, dù vô cùng sốt ruột, nhưng chính bản thân người lớn nên hiểu rằng việc học thực sự là một quá trình với con. Khi con làm bài tập sai, ít nhất, hãy khen con vì đã cố gắng làm bài. Sau đó, nếu được, hãy hướng dẫn con lại, khen và khuyến khích con đã tiến bộ hơn trước!
Lần đầu tiên thấy tuyết, hai bạn nhỏ này muốn làm một ông người tuyết khổng lồ… nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào? Hai bạn cũng rất lo lắng vì sợ làm không giống. Sau khi thử và được khuyến khích, các bạn đã tự tin xây một người tuyết theo cách của mình. Kết quả là ông người tuyết này ‘dáng không chuẩn’, 3 vòng không rõ ràng như mình thường thấy trên ảnh, lại còn có chi tiết ‘bất thường’ – đội mũ bảo hiểm trên đầu nữa chứ! Thì ra, hai bạn đã kết hợp, đem trải nghiệm sống ở Việt Nam trước đó vào trò chơi hiện tại, tự do sáng tạo và không sợ làm sai, làm không đúng mẫu.
Hẳn là mỗi người sẽ có những phương pháp khác nhau về việc giáo dục con trẻ khi con mắc lỗi, con làm sai! Và cho dù người lớn áp dụng cách nào đi nữa thì tôi cũng tin chắc rằng chúng ta đều đồng ý với việc hướng đến những điều tích cực nhất và tốt nhất cho con! Để rồi từ những sai lầm đời thường đó, con cái của chúng ta sẽ tự tin hơn và trưởng thành hơn! Hãy cùng nhau chuyển câu “Thất bại là mẹ thành công” thành những thực hành nhỏ, mà bố mẹ nào cũng có thể áp dụng mỗi ngày! Vừa không mất thời gian, không tốn tiền mà đem lại hiệu quả cao giúp con tự tin hơn mỗi ngày.
Chúc các bạn thành công!