Bốn ông bố đang “gây sốt” với khán giả truyền hình, ông bố nào sẽ được coi là có cách nuôi dạy con "đảm" nhất?
“Đàn ông quyến rũ nhất khi trở thành những ông bố” – Câu nói này hoàn toàn chính xác với bối cảnh chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế” mùa thứ 2. Mặc dù đều đã quen mặt khán giả hoặc được nhiều người ngưỡng mộ, thán phục từ lâu – Xuân Bắc, Minh Khang, Mạnh Trường và Đỗ Minh càng chứng tỏ được sức hút và cái duyên của mỗi người khi xuất hiện trên sóng truyền hình với vai trò làm bố.
Cùng điểm lại những nét hấp dẫn của bốn ông bố đang “gây sốt” với khán giả truyền hình và so sánh phong cách dạy con giữa họ:
Bố Đỗ Minh – điềm đạm và từ tốn
Sự nghiệp kinh doanh thành công cùng hoàn cảnh gia đình “danh gia vọng tộc” của ông bố Đỗ Minh khiến nhiều khán giả lầm tưởng “cậu ấm” Totti sẽ được bảo bọc trong nhung lụa, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Thế nhưng, khán giả đã bị bất ngờ trước kiểu dạy khuyến khích con dấn thân vào nhiều thử thách, thích ứng với mọi hoàn cảnh của ông bố này.
Cùng con chọn căn nhà tồi tàn nhất để sống từ tập đầu tiên.
Ở “ông bố đại gia” này luôn toát ra phong thái ung dung, từ tốn và rất mực bình tĩnh. Ngay từ tập đầu tiên của “Bố ơi” mùa 2, bố Đỗ Minh có chia sẻ về điểm yếu của Totti là có “chút hiếu thắng”, “dễ mất kiểm soát” và các tập tiếp theo của hành trình đã cho thấy cách xử lí vô cùng khéo léo của ông bố này mỗi khi cậu con trai quý tử không kiềm chế được cảm xúc.
Trong thử thách thi bắt vịt giữa các bố, trước kết quả thua thảm hại của bố,Totti đã tức giận đến mức gào thét tên bố rất to và gần như sắp khóc. Bố Đỗ Minh rất nhẹ nhàng hỏi lí do con khóc và kiên nhẫn chờ cơn giận của Totti lắng xuống “Bao giờ hết tức thì nói chuyện với bố.”
Khi Totti phản đối việc họp nhóm cùng các bạn và thể hiện sự tức giận, bố Đỗ Minh không một lời quát mắng mà thuyết phục con rất nhẹ nhàng.
Kịp thời can ngăn chiến sự giữa Chíp- Totti và dạy con phải đối xử ga-lăng, lịch thiệp với các bạn gái.
Totti bị máy nói dối “xử oan” và kẹp đau tay, bố Đỗ Minh dù xót con vẫn không rối rít dỗ dành mà khéo léo tìm hiểu nguyên nhân.
Nhận xét rất công bằng: “Có thể Ti mới vào nên bị sốc.” và để cho con biết, bố hiểu con là người dũng cảm, con khóc vì bị đau và oan ức chứ không phải vì sợ.
Bố Xuân Bắc – hài hước và khéo léo
Là nghệ sĩ hài thuộc hàng “kì cựu” của làng giải trí Việt, là MC, giám khảo của rất nhiều chương trình lớn nhỏ dành cho thiếu nhi (nổi bật nhất là Đồ Rê Mí), lại từng là đại sứ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam – chuỗi hoạt động trên của Xuân Bắc đủ cho thấy ông bố này có thâm niên làm việc và sức hút “khủng khiếp” như thế nào đối với trẻ em. Tham gia “Bố ơi” mùa 2, Xuân Bắc nhanh chóng giành được tình cảm của cả 4 nhóc tì bởi những màn ảo thuật, pha trò tinh quái, những câu chuyện gây cười “bá đạo”.
Cách dạy bé Bi của bố Xuân Bắc cũng mang nét hài hước hệt như những màn trình diễn anh vẫn mang đến cho khán giả và khiến các fan hâm mộ “Bố ơi” nhiều phen cười “chảy nước mắt”.
Rủ bé Bi cùng nhau “lách luật” của bác Leng Keng, “quậy” tưng bừng hành trình “Bố ơi”.
Những màn “bố tung, con hứng” với nhiều phát ngôn “bất hủ”.
Bên cạnh nét hài hước, phong cách dạy con của bố Xuân Bắc không kém phần khéo léo, thậm chí là nghiêm khắc. Xuân Bắc luôn dạy con ý thức tự lập khi không giúp đỡ bé mà chỉ gợi ý, định hướng cho con làm những việc như: hướng dẫn Bi bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bằng cách xin lại va-li từ bác Leng Keng, xin phép đạo diễn không làm mứt mận mà mang nguyên mận về cho mẹ, yêu cầu con phải vào chuồng bắt lợn một mình,...
Ông bố Xuân Bắc thường đưa ra gợi ý, hướng dẫn để con tự lập chứ không làm hộ con.
Bố Mạnh Trường – “hồn nhiên” mà nghiêm khắc
Cặp đôi “bố hồn nhiên- con già dặn” nhà diễn viên Mạnh Trường và bé Chíp Chíp khiến khán giả cảm thấy vô cùng thú vị. Khó ai có thể quên được hình ảnh cô bé Chíp mặt rất nghiêm túc, nhận xét bố “hay chơi điện tử”, “bắt con phải trông em” hoặc phê bình khi bố ngủ quên cả nhiệm vụ quan trọng “Đặt đồng hồ mà cũng phải để con nhắc thì thôi, bố là em bé rồi”, khi bố đưa ra ý tưởng đổ cả xô đựng sơn lên tường cho đỡ mất thời gian sơn tường thì tỏ thái độ bức xúc: “bố toàn nói các câu đấy... làm gì có ý nghĩa”.
Bố Mạnh Trường có "sở thích" trêu chọc con gái khiến bé Chíp phải phê bình bố.
Hay trêu chọc cô con gái của mình là như vậy, bố Mạnh Trường nhiều lúc cũng rất nghiêm khắc để trị tính đỏng đảnh, nhõng nhẽo của con.
Dạy con gái được phép điệu đà, nhưng không được phép đỏng đảnh đến mức sợ bẩn, sợ lấm bùn đất, sợ chó, sợ xấu,...
Bố Minh Khang – “dịu dàng đến từng phút giây”
Tính cách ngoan ngoãn, hiền lành của bé Suti có lẽ khiến nhạc sĩ Minh Khang đỡ “đau đầu” hơn rất nhiều trong việc nuôi dạy con so với 3 ông bố còn lại. Ở mùa 1 của “Bố ơi” có thể thấy, Suti là con út trong nhà, lại là con gái nên được bố dạy theo phong cách hết mực dịu dàng, nhẹ nhàng, được bố cưng chiều và chăm sóc từng li từng tí, từ đánh răng, rửa mặt, chải tóc,...
Tuy nhiên, qua đến mùa thứ 2 của “Bố ơi”, cách giáo dục con của bố Minh Khang có thay đổi một chút. Suti đã tự lập hơn và nhờ bố chỉ bảo, bé đã biết vượt qua một số giới hạn của bản thân như: một mình băng qua cánh đồng tối, chiến thắng nỗi sợ ma, một mình đi máy bay từ TP Hồ Chí Minh đến Nha Trang mà không có bố mẹ ở cùng,...
Bố Minh Khang dạy con gái cách chiến thắng nỗi sợ bóng tối: “Khi mà con bước qua được bóng tối thì con mới có được ánh sáng.”
Người ta vẫn nói, “Bố là người hùng đầu tiên của con trai và là mối tình đầu của con gái”. Trên đời này không có ai hoàn hảo nhưng trong mắt mỗi đứa con, bố luôn là người đàn ông hoàn hảo nhất. Phong cách của cả 4 ông bố trong hành trình “Bố ơi” mùa 2 đều có những nét ấn tượng riêng khiến khán giả thích thú, ngưỡng mộ và mỗi khán giả sẽ có cách “chấm điểm” khác nhau cho kiểu dạy con của từng ông bố. Nhưng có lẽ, trong suy nghĩ của 4 nhóc Totti, Suti, Chíp và Bi, em nào cũng sẽ thấy bố mình xứng đáng với điểm 10.