“Không dạy “lũ giặc” tự lập từ bé thì làm sao mẹ chúng nó nhàn rỗi, xinh đẹp thế này.” – cô bạn tôi chia sẻ đầy tự hào.
Gần đây mới sang Thụy Điển thăm họ hàng, tôi có dịp gặp lại cô bạn quen từ hồi đi học theo chương trình trao đổi du học sinh. Cô nàng học xong từ hồi ấy đã định cư và lập gia đình với một anh chàng người bản xứ. Gặp lại thấy bạn vẫn xinh đẹp, cá tính như xưa, chỉ có điều giờ đã là bà mẹ của... 4 nhóc con nghịch “như quỷ”.
Tôi khá bất ngờ vì cô nàng tiểu thư ngày nào lại “chịu” sinh nhiều con đến thế. Bất ngờ hơn nữa , mặc dù là bà mẹ 4 nhóc con sàn sàn tuổi nhau nhưng nhìn bạn tôi khá nhàn hạ, thảnh thơi. Khi được hỏi bí quyết, bạn tôi bật mí: “Là nhờ việc dạy con tự lập cả đấy. Không dạy "lũ giặc" độc lập, tự giác từ bé thì làm sao mẹ chúng nó được nhàn rỗi, xinh đẹp thế này. Bên đây người ta chú trọng dạy con tự lập từ sớm, con ngoan ngoãn, mà mẹ lại rảnh tay.”
Vốn cũng đang “đau đầu” với cách dạy hai nhóc con đang tuổi ăn tuổi... cãi ở nhà, tôi vội vàng tìm hiểu ngay kinh nghiệm giáo dục con cái của nàng dâu bên trời Tây này. Dưới đây là một số kinh nghiệm mà tôi đã học hỏi được.
Tạo cho con không gian riêng để tự lập
Bạn tôi cho biết, ở các trường học bên Tây hay có những gian để đồ, tủ để đồ dành cho học sinh, mỗi em một tủ riêng, góc riêng. Đây là lí do vì sao người ta lại thiết kế như vậy: tạo cho trẻ một không gian để tự trẻ sắp xếp, xoay sở. Một giáo viên không thể lo chuyện cất hơn 20 chiếc balo vào tủ hay treo hơn 20 cái áo khoác lên móc cho từng em một. Vì thế mà góc để đồ cho từng bé sinh ra là cách để dạy cho các em cách tự lo liệu cho bản thân.
Trường học bên Tây hay có những gian để đồ, tủ để đồ dành cho học sinh, mỗi em một tủ riêng, góc riêng để tạo cho trẻ một không gian để tự trẻ sắp xếp, xoay sở. (Ảnh minh họa)
Cô bạn tôi đã lấy cách dạy đó để áp dụng khi các con ở nhà. Trong bếp, bạn tôi luôn đặt sẵn những chiếc cốc và bình nước ở tầm thấp, để khi các con đòi uống nước, cô bạn sẽ chỉ cho con cách để tự lấy được nước. Nhà có 4 nhóc thì có 4 ngăn tủ riêng, mỗi bé một màu ưa thích, khi nào quần áo khô thì tự động của ai người nấy tự xếp, tự cất vào. Trao cho con một không gian riêng để con lo liệu tùy ý sẽ khiến bé cảm thấy mình có trách nhiệm, thích thú với nhiệm vụ và tự tin vào chính mình hơn rất nhiều.
Dạy con tự tay xử lí vấn đề
Cô bạn tôi bảo, khi con nó gọi mình, ví dụ như nhờ mở hộ cái nắp hộp, đừng tự động chạy đến giải quyết ngay vấn đề cho nó. Thay vì thế, hãy dừng lại và nghĩ xem “Còn có cách nào con có thể xử lí được mà không cần đến mình hay không?” Nếu có, cứ kiên nhẫn mà hướng dẫn con theo cách đó. Ví dụ như bố mẹ có thể dạy con lau bớt mồ hôi ở tay cho ráo để xoay nắp hộp không bị trơn và ấn nhẹ nắp xuống một chút rồi mới xoay sẽ giúp mở hộp dễ hơn.
Trẻ con thường có thói quen không làm được là gào lên gọi bố mẹ, bố mẹ cũng có thói quen cứ thấy con lóng ngóng là muốn lao vào làm ngay hộ con cho đỡ... “ngứa mắt”. Thế nhưng, nhanh chóng làm hộ ngay lúc con loay hoay sẽ giúp bố mẹ tiết kiệm thời gian được một lần đó thôi, còn kiên nhẫn hướng dẫn con cách làm thì bố mẹ sẽ được rảnh tay ở tất cả các lần sau. Bố mẹ sẽ thích kiểu nào hơn?
“Không xử lí vấn đề được bằng tay, thì phải biết dùng... miệng.”
Nếu muốn dạy con cái tự lập, bố mẹ cần dạy con cách xã giao, dạy con làm thế nào để nhờ người khác giúp đỡ khi bản thân mình không thể thực hiện được công việc. (Ảnh minh họa)
Cô bạn tôi phàn nàn với tôi về một chuyện cô mới chứng kiến tuần trước. Khi bạn tôi đứng ở một sân chơi trẻ em, cô ấy trông thấy một cậu bé đánh rơi món đồ chơi và không thể với tới nó. Bà mẹ ở phía bên kia của sân chơi, rất xa còn bạn tôi ở gần ngay đằng sau cậu bé. Cậu bé ngồi xuống và bắt đầu gào khóc gọi mẹ cho đến khi bà mẹ chạy đến để nhặt món đồ chơi cho con.
Lẽ ra đấy sẽ là một cơ hội tuyệt vời để bà mẹ dạy con về cách giải quyết vấn đề - cách hỏi người lớn đang đứng ngay cạnh cậu bé (là bạn tôi) “Cô có thể giúp cháu lấy đồ chơi được không?” Nhưng cơ hội đó đã bị bỏ lỡ. Và bài học cậu bé kia học được là gì: Khi nào mình gặp rắc rối, mình có thể khóc và mẹ mình sẽ chạy đến giúp mình. Vậy trong trường hợp mẹ không có ở đó thì làm thế nào?
Bạn tôi có nói một câu mà tôi rất tâm đắc: “Cần dạy con không xử lí vấn đề được bằng tay, thì phải biết dùng... miệng.” Nếu muốn dạy con cái tự lập, bố mẹ cần dạy con cách xã giao. Cần dạy cho con làm thế nào để nhờ người khác giúp đỡ khi bản thân mình không thể thực hiện được công việc. Thay vì bố mẹ cứ can thiệp vào những vấn đề của con, hãy trao cho con những câu chữ, từ ngữ cần thiết để đối đáp với người khác – bố mẹ sẽ bất ngờ trước kết quả mà phương pháp này mang lại.
Sau chuyến đi Thụy Điển, tôi trở về nhà mang thêm nhiều ấn tượng đẹp về đất nước mình từng gắn bó một thời gian. Đặc biệt hơn là tôi còn “bỏ túi” được kha khá kinh nghiệm dạy con tự lập của cô bạn. Nhìn dàn con của cô bạn trông nhí nhố, nghịch ngợm nhưng cực kì bạo dạn, tự tin, không hề bám mẹ, tôi thích mê. Hi vọng những điều tôi học hỏi được sẽ có ích trong việc giáo dục hai nhóc ở nhà.