Nên nới lỏng quản lý lãi suất

Ngày 31/10/2013 17:35 PM (GMT+7)

Để đảm bảo nền kinh tế phát triển, nên hướng đến tự do cho lãi suất ngân hàng.

Một số chuyên gia cho rằng chênh lệch lãi suất cho vay và huy động ở mức 6%, trong khi đó theo tính toán của các ngân hàng thương mại (NHTM) thì con số này chưa đến 2%. Đó là một trong những nội dung tranh luận được đưa ra thảo luận ở tọa đàm Nhìn lại chính sách tiền tệ năm 2013 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 30-10, tại Hà Nội.

Chênh lệch ở mức nào?

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm xuống thấp nhưng chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động vẫn ở mức cao. Ông Thành tính toán, theo số liệu điều tra của chương trình với ngân hàng thì lãi suất vẫn nằm trong khoảng 12% đến 13%/năm. Nếu so sánh với lãi suất tiền gửi bình quân 7,5%/năm thì mức chênh lệch lãi suất 6%-7%. Đây là mức cao so với trong thời kỳ bình thường là 3%-4%.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa cho biết chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay tại tám NHTM lớn là 4,3% - 4,5%, cao nhất khoảng 5%. Với mức này, lãi suất tiền gửi giảm không nhiều nhưng lãi suất cho vay giảm mạnh.

Nên nới lỏng quản lý lãi suất - 1

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: HTD

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank, cho biết hiện nay qua tham khảo một số ngân hàng, chênh lệch lãi suất chỉ ở khoảng 2,8%/năm. “Mức chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra không đơn giản tính theo công thức lãi suất cho vay 13%/năm trừ đi lãi suất huy động 7%/năm, để đánh giá mức thu lợi của ngân hàng” - ông Phước lý giải.

Theo vị này, mức chênh lệch lãi suất trên là chưa trừ đi các chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý… Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3%-1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm.

Nên hướng đến cơ chế mới

Mặc dù vậy, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, có nhận định con số về chênh lệch tiền gửi và tiền vay của các NHTM theo các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm rất đáng lưu lý. Tuy nhiên, con số tính toán của NHNN đưa ra thấp hơn nhiều so với con số của các chuyên gia đưa ra. Theo đó, tính đến ngày 18-10, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng áp dụng cho không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng 1% - 1,2%/năm, từ một tháng đến dưới sáu tháng khoảng 5%-7%/năm, từ sáu tháng đến 12 tháng khoảng 6,5%-7,5%/năm, trên 12 tháng 7,5%-9%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 7%-9%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9%-11,5%/năm, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, mức lãi suất chỉ 6,5%-7%/năm.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, ngành ngân hàng nên nới lỏng quản lý lãi suất. TS Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, phân tích thách thức lớn trong việc điều hành là NHNN bên cạnh thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát còn phải chú ý đến thúc đẩy tăng trưởng, theo đuổi chính sách “đa mục tiêu”, đòi hỏi chính sách tiền tệ điều tiết nền kinh tế linh hoạt hơn. Việc áp dụng cơ chế can thiệp lãi suất chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, khi mà mức độ phát triển thị trường tài chính còn sơ khai, các công cụ kiểm soát gián tiếp chưa phát huy được hiệu quả. Nếu điều này áp dụng trong dài hạn thị trường sẽ gặp những bất hợp lý. Các doanh nghiệp và hộ gia đình không được hưởng mức lãi suất phù hợp cho tiết kiệm. Còn các ngân hàng không có động cơ cải thiện các hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kiến nghị NHNN nên kiên định lập trường điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt. Đồng bộ và nhất quán trong điều hành và sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ như lãi suất, tỉ giá. Hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất theo hướng có lộ trình giảm dần biện pháp quản lý hành chính, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tự do lãi suất.

Trong giai đoạn năm 2011, trần lãi suất không đảm bảo lãi suất thực dương và việc các ngân hàng “vượt rào” lãi suất, vốn chạy lòng vòng giữa các ngân hàng gây ra rủi ro thị trường và hệ thống thanh khoản. Lãi suất cho vay giai đoạn 2012 giảm chậm khiến chi phí lãi vay trở thành gánh nặng đối với DN, hạn chế nhu cầu đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế.

TS TÔ KIM NGỌC, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng

Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Nguồn:

Tin liên quan