Niềm vui vỡ òa khi nữ liệt sĩ 50 năm trở về

Ngày 24/07/2015 00:09 AM (GMT+7)

Gia đình đắp mộ gió, chọn ngày 27/7 (ngày thương binh liệt sĩ) làm ngày giỗ cho bà. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày ấy, cả nhà lại làm giỗ thắp hương cho người quá cố. Và rồi, gia đình nhận được thông tin, “liệt sĩ” vẫn còn sống.

Mấy ngày qua, người dân thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mừng khấp khởi vì sự trở về kì diệu của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Ân (SN 1945). Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ rộn ràng tiếng cười. Bà Ngô Thị Phán (73 tuổi, chị dâu bà Ân) nghẹn ngào chia sẻ: “Gia đình cứ tưởng bà ấy đã chết. Nay, bà ấy trở về là điều may mắn không thể ngôn từ  nào tả xiết”.

Niềm vui vỡ òa khi nữ liệt sĩ 50 năm trở về - 1

Bằng Tổ quốc ghi công của "liệt sĩ" Nguyễn Thị Ân

Ngày bà Phán về làm dâu, bà Ân vẫn còn khá nhỏ. Bà nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên, nước da trứng gà, môi luôn đỏ như được tô son, tóc đen mượt dài ngang lưng... Đến tuổi cặp kê, nhiều thanh niên ngỏ ý tán tỉnh nhưng bà vẫn không chấp nhận lời yêu.

Theo truyền thống gia đình, năm 1965, bà Ân lên đường nhập ngũ. Bà làm ở Ban lương thực K600 tỉnh Quảng Đà và đóng quân ở Đồng Xanh, Đồng Nghệ, tỉnh Quảng Nam. Chiến tranh ngày càng ác liệt, đơn vị chuyển vào rừng sâu và bà Ân cũng nối gót theo. Đơn vị của bà rút vào hoạt động bí mật. Từ đó, gia đình mất liên lạc.

Đôi lần, gia đình nhận được thông tin, bà Ân bị thương do sức ép của bom đạn ở ngoài Bắc. Gia đình gửi khá nhiều thư theo địa chỉ đơn vị của bà Ân nhưng không có hồi đáp…

Thời gian trôi, chiến tranh lùi vào dĩ vãng. Những người tham gia chiến đấu dần dần trở về. Bà Ân vẫn bặt vô âm tín. Người nhà nhiều lần chia nhau đi tìm, gửi đơn thư nhờ các đơn vị chức năng xác minh, giúp đỡ nhưng không có bất kì manh mối nào.

Lúc đầu, gia đình nuôi hy vọng, bà Ân còn sống nhưng chưa thể trở về. Thế nhưng, chiến tranh lùi sâu, vẫn không có chút manh mối nào về bà. Đặc biệt, năm 2006, gia đình nhận được bằng “Tổ quốc ghi công” ghi nhận bà Ân đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Gia đình đành chấp nhận rằng, bà Ân đã chết. Họ đắp mộ gió, chọn ngày 27/7 (ngày thương binh liệt sĩ) làm ngày giỗ cho bà. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày ấy, cả nhà lại làm giỗ thắp hương cho người quá cố.

Vào cuối tháng 6, trong khi đang làm cỏ đồng, bà Phán nhận được tin từ ông Nguyễn Ba, một người quen biết của gia đình, bà Ân vẫn còn sống. Nhanh chóng, bà Phán liên lạc lại, xác minh thông tin.

Niềm vui vỡ òa khi nữ liệt sĩ 50 năm trở về - 2

Bà Phán đang chăm sóc em dâu

Ông Ba kể, trong quá trình đi tìm mộ liệt sĩ là người thân, khi đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), tra sổ thì có một dòng ghi: “Nguyễn Thị Ân, quê Hòa Khương, tỉnh Quảng Nam”. Hòa bình lập lại, ranh giới các tỉnh được chia lại, những dòng ngắn ngủi ấy không thể giúp các cơ quan ban ngành tìm được gia đình của bà Ân.

Sau đó, bà Phán gọi điện cho cậu con trai đang làm việc tại Lào là Nguyễn Nhứt kể lại sự việc. Rồi anh Nhứt về nước, vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh chưa bao giờ được nhìn thấy bà Ân. Khi vào trung tâm, trước mắt là một cụ già sức khỏe yếu, không thể tự sinh hoạt mà phải dựa hoàn toàn vào người khác.

Anh Nhứt gọi điện về thông báo với mẹ. Bà Phán bảo: “Mẹ tìm cô con suốt 50 năm qua. Mong ước lớn nhất của đời mẹ là tìm được thi thể của cô con. Nay, cô con còn sống, bất kể vất vả, khó khăn như thế nào cũng phải đưa cô con về nhà”.

Vào giữa tháng 7, bà Ân được xe chuyên dụng chuyển về nhà. Dù 50 năm không gặp nhưng khi vừa thấy, bà Phán đã nhận ra cô em dâu. “Bà ấy chỉ già đi thôi. Những nét của ngày xưa vẫn còn. Tôi vừa nhìn thấy là đã có thể nhận ra ngày”, bà Phán chia sẻ.

Niềm vui vỡ òa khi nữ liệt sĩ 50 năm trở về - 3

Bà Ân trở về là niềm vui của gia đình lẫn người dân tại địa phương

Từ đó, hàng ngày, người thân, hàng xóm đều đến nhà bà Phán thăm bà Ân. Đặc biệt, một vài người bạn thuở ấu thơ của bà Ân cũng tìm đến. Bà Nguyễn Thị Sum (73 tuổi) vừa nắm tay bà Ân vừa nói: “Tôi và cô ấy ở cạnh nhà nhau. Hai đứa thân với nhau từ nhỏ. Tất cả mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống đều chia sẻ với nhau. Vì chiến tranh, Ân mất tích. Nó về là vui rồi. Chỉ tiếc, khi đi vẫn còn xuân xanh, lúc trở về đã già nua, chỉ nằm được một chỗ”.

Từ ngày em chồng trở về, bà Phán cũng vui vẻ hơn. Suốt ngày, bà cứ quanh quẩn bên chiếc giường, nơi bà Ân nằm. Bà không ngần ngại chăm sóc vệ sinh, đút từng muỗng cháo cho em chồng. “Giờ, gia đình tôi đoàn tụ rồi. Niềm vui không thể tả xiết”, bà Phán chia sẻ.

Ông Trần Tiến Trinh (Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang) cho biết, bà Ân trở về là một niềm vui lớn không chỉ cho gia đình mà cả người dân tại địa phương. Bà Ân đang được hưởng chế độ bệnh binh 1/3 và người bị nhiễm chất độc hóa học. Hiện, trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất vẫn nhận tiền và chuyển cho gia đình mỗi tháng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đang làm thủ tục chuyển chế độ cho bà.

Nhật Quang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự