Sau 54 năm mang thân hình là nữ giới nhưng lại có bộ phận sinh dục của nam, chị Thơ quyết định “đập đi xây lại” vì những đứa con thơ.
"Má ơi con là ai? Sao con chẳng phải con gái, cũng không giống con trai vậy má!"
Từ khi sinh ra cho tới thời điểm hiện tại, chị Nguyễn Anh Thơ* (54 tuổi, đến từ một tỉnh phía Nam) vẫn luôn đinh ninh mình là một người phụ nữ.
Khi 6-7 tuổi, chị Thơ đã biết bộ phận sinh dục của mình có sự bất thường (không giống của con gái, cũng chẳng giống như con trai). Chị nhiều lần hỏi má (mẹ) về sự bất thường đó: "Má ơi con là ai? Sao con chẳng phải con gái, cũng không giống con trai vậy má!"
Trước câu hỏi ấy, mẹ chị Thơ lặng người một hồi rất lâu. Sau đó, người mẹ chỉ biết ôm chị Thơ vào lòng giải thích rằng chị đã mắc bệnh do gen di truyền của bên ngoại. Trong các anh chị em của má cũng có người có bất thường như chị.
"Tôi biết rằng ba má đều muốn dành tất cả những điều tốt đẹp cho mình. Tôi được ba má cho ăn học đàng hoàng nên dù cơ thể có bất thường, tôi chưa bao giờ oán giận", chị Thơ chia sẻ.
Bác sĩ Minh chia sẻ qua thống kê cho thấy những người phụ nữ có bất thường ở đường sinh dục thường có thân hình và nhan sắc khá nổi bật.
Sau lần đó chị Thơ không bao giờ hỏi mẹ về bất thường của mình nữa. Chị cố gắng sống thật vui vẻ, thật hạnh phúc để lúc cuối đời má vẫn có thể an tâm về người con gái mạnh mẽ.
Nhưng sự mạnh mẽ của chị Thơ chỉ tỏ ra để chống cự với cuộc đời. Sau này khi dậy thì, chị Thơ phát triển như một cô gái, ngực nở, mông và hông đẹp. Chị cũng có rung động với nam giới nhưng khi muốn tiến tới yêu đương, chị lại có suy nghĩ "không ai có thể chấp chận một người con gái cơ thể bất thường được".
Chị kể lại: "Tôi cũng có những rung động yêu đương khác giới. Có người đeo đuổi tôi một thời gian dài, nhưng bản thân tôi lại không dám đối diện với tình cảm của mình. Tôi sợ, tôi mặc cảm chỉ biết trốn tránh. Tôi biết rằng chuyện tình cảm nam nữ của tôi sẽ chẳng đi tới đâu. Vì vậy, tôi soạn thảo ra kịch bản để từ chối với người yêu mình dù rằng tôi rất yêu họ. Mỗi lần phải làm việc đó, tôi đau khổ tới cùng cực nhưng không còn cách nào khác".
Qua nhiều lần từ chối tình cảm yêu đương, dần dần chị Thơ cũng đã quen với nỗi đau. Chị chọn cách sống một mình tới cuối cuộc đời và tìm năng lượng tích cực bằng cách nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Khi nhìn những đứa trẻ thơ cần chị chăm sóc, chị đã vượt qua mọi nỗi đau để tự mình đứng dậy.
Chị Thơ quyết định phẫu thuật tạo hình âm đạo là để lo cho các con nuôi.
Cuộc phẫu thuật quan trọng
Điều may mắn cho chị Thơ là những lúc chị đau đớn, thất vọng luôn có dì ở cạnh.
"Má không còn ở bên cạnh tôi nữa. Người nghe tôi tâm sự nhiều nhất là dì út (em gái của mẹ tôi). Dì cũng có một người con bị bất thường ở bộ phận sinh dục như tôi. Do vậy, dì đồng cảm và hiểu được nỗi đau đớn tôi đang phải trải qua. Dì là người nâng đỡ tôi rất nhiều", chị Thơ nói.
Nhờ sự động viên của dì, chị Thơ cảm thấy cuộc sống cân bằng và có ý nghĩa hơn. "Trong vườn hoa không phải tất cả đều đẹp, sẽ có những cây bị khuyết tật, nhưng sức sống của cây hoa đó vẫn rất mãnh liệt. Cũng như trong con vật sinh ra cũng có con bị dị tật. Do đó, con người cũng vậy, cũng có người bình thường nhưng cũng có số ít bất thường như tôi", chị Thơ tâm sự.
Chị Thơ đã biết tới phẫu thuật đi tìm lại giới tính từ rất lâu. Tuy nhiên, chị không hề nghĩ sẽ làm phẫu thuật vì chị hài lòng với cuộc sống. Suy nghĩ đó chỉ thay đổi khi chị cảm thấy trong cơ thể đang có những sự bất thường.
"Tôi sợ những bất thường này có thể sẽ ảnh hưởng tới các công việc tôi chưa làm được, tôi không thể bỏ những đứa con tôi đang chăm lo. Do vậy, dù đã 54 tuổi tôi vẫn quyết định làm phẫu thuật để có một sức khỏe tốt, hoàn thiện dự án của bản thân và lo cho các con tới khi trưởng thành.
Tôi đi phẫu thuật không phải để chạy theo cuộc tình. Tôi cần phải khỏe vì những đứa trẻ cần tôi và truyền những năng lượng sống tốt hơn", chị Thơ chia sẻ.
Ca phẫu thuật không chỉ giúp người bệnh được sống thật với mình mà còn phòng được nguy cơ bệnh tật khác.
Vượt chặng đường xa xôi, chị Thơ đã tìm tới Bệnh viện E để làm phẫu thuật tháo bỏ những "xiềng xích" trong lòng. Cuộc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và tạo hình âm đạo của chị Thơ đã được các bác sĩ thực hiện.
"Phẫu thuật xong tôi cảm thấy tâm nhẹ, mặc cảm không còn. Vì tôi đã trở thành người phụ nữ đúng nghĩa. Tôi cảm thấy nút thắt trong lòng tôi bao lâu nay đã được tháo gỡ, vỡ òa trong niềm sung sướng. Tôi nghĩ tới những đứa con nuôi của tôi, tôi có thể ở bên các con nhìn thấy con lớn khôn", chị Thơ xúc động nói.
Theo chị Thơ, cuộc sống này mỗi chúng ta chỉ sống một lần. Do vậy, những đứa trẻ có bất thường trên cơ thể rất cần sự yêu thương đùm bọc của bố mẹ. Cha mẹ là người đồng hành mở ra cánh cửa tươi sáng, đẩy lùi mặc cảm cho con.
Ca bệnh lớn tuổi nhất đi tìm lại giới tính
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật và Tạo hình thẩm mỹ hàm mặt (Bệnh viện E), cho biết bệnh nhân Thơ mắc phải hội chứng hiếm gặp không nhạy cảm androgen (hóc môn quyết định giới tính sinh học ở nam giới). Bệnh nhân có hình thể bên ngoài là một người phụ nữ nhưng giới tính nhiễm sắc thể (giới tính sinh học – di truyền) là nam giới.
BS Minh cho biết đây là ca bệnh lớn tuổi nhất đi phẫu thuật tìm lại giới tính của mình.
"Bệnh nhân Thơ là một trường hợp rất đặc biệt. Khi bệnh nhân tìm tới, tôi khá bất ngờ. Bởi vì bệnh nhân đã sống cam chịu rất nhiều năm mà không nghĩ tới chuyện can thiệp sớm.
Tôi có hỏi bệnh nhân tại sao, chị có chia sẻ chấp nhận cuộc sống bất thường cơ quan sinh dục và không muốn can thiệp. Mãi cho tới khi chị cảm thấy 2 khối ở vùng bẹn (2 tinh hoàn) tự dưng đau. Bệnh nhân cảm thấy trong cơ thể có những biến chuyển không tốt nên quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật 2 trong 1".
TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, trường hợp bệnh nhân này có hai tinh hoàn ở trên vùng bẹn đã hơn 50 năm và đã xuất hiện triệu chứng đau. Do vậy, nếu không phẫu thuật, nguy cơ ung thư tinh hoàn rất cao.
Vị bác sĩ này cũng cho biết, dù giới tính thật của bệnh nhân là nam giới, nhưng người bệnh sống với cơ thể nữ nhiều năm, nguyện vọng của họ muốn được làm nữ giới nên bác sĩ sẽ tôn trọng quyết định người bệnh.
Bác sĩ Liên và bác sĩ Minh đang tiến hành phối hợp để thực hiện phẫu thuật cho người bệnh.
Ca mổ đã được diễn với sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa. Một êkíp cắt bỏ 2 bên tinh hoàn lạc chỗ để phòng ngừa nguy cơ ung thư hoá. Êkíp còn lại phẫu thuật tạo hình lại âm đạo cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Minh, đây cũng là ca bệnh muốn tìm lại giới tính lớn tuổi nhất mà êkíp Bệnh viện E phẫu thuật thành công.
Hội chứng không nhạy cảm androgen là gì?
Chia sẻ sâu thêm về Hội chứng không nhạy cảm androgen, bác sĩ Minh cho biết: "Nguyên nhân của hội chứng là do sự đột biến trên nhiễm sắc thể Y khiến cho thụ thể tiếp nhận hormone nam không hoạt động.
Bệnh nhân có thể sản xuất ra hormone nam từ tinh hoàn nhưng cơ thể không tiếp nhận. Điều này khiến cho bệnh nhân phát triển theo xu hướng nữ giới".
Với hội chứng không nhạy cảm androgen có 2 thể: thể không nhạy cảm hoàn toàn và không nhạy cảm một phần.
Trường hợp bệnh nhân Thơ thuộc vào thể không nhạy cảm một phần androgen. Bệnh nhân này có cơ quan sinh dục ở mức độ trung gian nam – nữ. Cụ thể, âm vật phát triển to dài 4cm, có môi lớn nhưng không có môi bé và âm đạo.
"Thông thường nếu gặp các dị tật này, người bệnh sẽ tìm tới bác sĩ khi tới tuổi dậy thì, muốn can thiệp để trở về giới tính mong muốn với vóc dáng đang có", bác sĩ Minh chia sẻ.
Bác sĩ Minh cho biết thêm, đối với trường hợp mắc hội chứng không nhạy cảm androgen có thể phát hiện từ rất sớm và can thiệp hormone để giúp trẻ có sự phát triển thuận lợi nhất ở cơ quan sinh dục.
Đây là bệnh liên quan tới gen và có yếu tố di truyền. Do vậy nếu trong gia đình từng có người mắc phải hội chứng này thì cần được tầm soát để bác sĩ có hướng tư vấn phòng ngừa. Đối với các phụ huynh khi thấy con có bất thường thì cần đưa trẻ tới khám đúng chuyên khoa.
*Tên nhân vật đã được thay đổi