Rất nhiều trường hợp khi đến viện đo huyết áp tăng vù vù, nhưng khi về nhà huyết áp lại bình thường, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam sẽ giải đáp thắc mắc này.
Chào bác sĩ,
Mới đây tôi đọc được thông tin cho rằng, ước tính có 12 triệu người mắc tăng huyết áp tại Việt Nam, tức cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh. Đọc thông tin này khiến tôi rất hoang mang, vì bản thân tôi huyết áp cũng thất thường.
Theo đó, cứ đến viện đo huyết áp là lại lên, nhưng khi về nhà hay ra nhà thuốc có máy đo tự động, tôi đo thử thì lại ở ngưỡng bình thường. Vì thế, tôi không biết bản thân mình có đang bị tăng huyết áp hay không?
Xin bác sĩ lý giải, vì sao tôi lại có hiện tượng như vậy? Làm sao để đo huyết áp được chuẩn nhất thưa bác sĩ?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Thông tin 12 triệu người Việt Nam mắc tăng huyết áp, tức cứ khoảng 5 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) thì có một người mắc bệnh là con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là một con số đáng lo ngại, bởi trong những người quen của chúng ta không khó để bắt gặp một, hai hoặc nhiều hơn bị tăng huyết áp.
Tuy nhiên, như trường hợp của bạn, chỉ khi đến viện đo mới bị tăng huyết áp, còn ở nhà thì lại huyết áp lại bình thường, như vậy có thể số liệu thống kê vẫn có những sai lệnh nhất định do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Với trường hợp của bạn, tôi xin giải thích như sau:
Thông thường, một người có dự định đi khám bệnh thường rất hồi hộp, lo lắng từ hôm trước rằng, không biết ngày mai đi khám kết quả ra sao, liệu có mắc bệnh không? Hơn nữa, mọi người đi khám bệnh thường ra khỏi nhà thật sớm, chen chúc trên đường kẹt xe đầu giờ sáng. Khi đến bệnh viện lại tiếp tục chen chúc, xếp hàng, đợt đến lượt… trong môi trường ngột ngạt, nóng bức, ồn ào, rồi đôi khi lại chạy đi xét nghiệm, xong lại chạy vội vào phòng bệnh.
Không ít người đến viện đo huyết áp tăng, nhưng về nhà là tụt. Ảnh minh họa.
Khi vào phòng bệnh chỉ cần nhìn bác sĩ mặc áo trắng lại gợi nhớ nỗi ám ảnh vì bị tiêm từ nhỏ và nhiều lý do khác khiến bạn tăng huyết áp trong lúc y tá đo các chỉ số.
Đến lúc về nhà và uống thuốc theo toa của bác sĩ, bạn điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt một thời gian, sau đó tự đo huyết áp ở nhà hoặc ra nhà thuốc để kiểm tra lại thấy mọi chỉ số bình thường. Khi đó ai cũng nghĩ do mình uống thuốc nên huyết áp mới cải thiện.
Tuy nhiên, bạn không hề biết rằng, tất cả những hồi hộp lo lắng từ tối hôm trước khi đi khám bệnh, những ngột ngạt từ trên đường, trong bệnh viện,…. rồi sự vội vã khi phải chạy từ phòng nọ đến phòng kia để khám, lấy máu, chụp chiếu và cả nỗi ám ảnh về bệnh tật cũng khiến huyết áp bạn tăng đột ngột ngay lúc đó.
Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân vào viện huyết áp tăng, về nhà lại bình thường do hội chứng “áo trắng” (sợ bác sĩ). Với trường hợp huyết áp tăng bộc phát vì những lý do như vậy thì sẽ không được coi là mắc bệnh tăng huyết áp.
Rất nhiều người ám ảnh, sợ bác sĩ từ nhỏ nên cứ đối diện với bác sĩ mặc áo trắng là huyết áp lại tăng vọt. Ảnh minh họa,
Để khẳng định có bị tăng huyết áp hay không, cần phải thực hiện một số điều sau:
- Đo buổi sáng là hợp lý nhất, trước khi đo không uống cà phê, rượu bia, hút thuốc lá;
- Cần nghỉ ở trong không gian và tư thế thoải mái 15-30 phút trước khi đo. Khi đo ở tư thế nằm, ngồi ngả hoặc tựa thoải mái tay để ngang mức tim;
- Đo tối thiểu 2 lần mỗi lần cách nhau 5 phút và đo cả 2 tay tức tổng cộng 4 lần;
- Nếu phát hiện có tăng huyết áp cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi 30 phút rồi đo lại;
- Nếu huyết áp vẫn cao cần cho bệnh nhân đeo máy huyết áp 24h, hoặc về nhà hướng dẫn tự đo sáng sớm, trưa, tối trước ngủ theo dõi liên tục 1 tuần rồi mang kết quả quay lại gặp bác sĩ.
Sau một loạt khâu như vậy mới bắt đầu kết luận có tăng huyết áp hay không.