Gần 10 năm trên hành trình đi tìm con yêu là khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để trái tim và sự kiên nhẫn của vợ chồng anh Phong, chị Phương ở Vĩnh Phúc nhiều lúc yếu lòng.
Nhắc lại những ký ức đằng đẵng suốt quãng thời gian dài đi tìm cho mình một mụn con, anh Ngô Văn Phong và Chị Trần Thị Phương (xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) không khỏi xúc động. Sau 10 năm, được nghe tiếng khóc chào đời của con yêu là niềm hạnh phúc vô bờ bến với họ.
Giờ phút này đây, chị Phương đã có thể thở một hơi thật dài và nói với con mình: “Con có tin rằng trên đời này có “phép màu” không? “Phép màu” thời gian và “phép màu” của tình yêu thương, chính vì bố mẹ luôn có niềm tin vào phép màu đó, để cuối cùng nhận được trái ngọt như ngày hôm nay".
Tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh chị. (Ảnh: Bình An)
Gần 10 năm sống trong dè bỉu của thiên hạ vì khó có con
Vợ chồng chị Phương kết hôn năm 2009. Một năm sau ngày báo hỷ vẫn chưa thấy có tin vui, anh chị quyết định đến bệnh viện kiểm tra thì kết quả cho thấy anh bị biến chứng quai bị, làm hạn chế khả năng có thai tự nhiên.
Kể từ ngày đó, anh chị chạy chữa tứ phương, uống thuốc đông, tây, nam rồi bồi dưỡng đủ cả. Hễ thấy ai mách ở đâu có bài thuốc hay, thầy lang tốt là anh chị lại tìm đến để xin thuốc với mong mỏi sớm đón được con.
Thế nhưng, một, hai, ba rồi bảy năm trôi qua, niềm vui mãi vẫn chưa gõ cửa. Không muốn đầu hàng trước số phận, anh chị lặn lội từ quê xuống Hà Nội, qua hầu hết bệnh viện lớn nhưng tất cả các đơn vị y tế đó đều trả lời rằng: “Do ảnh hưởng của biến chứng bệnh lý trước đó nên rất khó có con”.
Vẫn nhớ như in cái cảm giác buồn chán và thất vọng khi nghe các kết luận đau đến tận tim can, chị Phương kể lại: “Ngồi trên chiếc xe máy chồng chở, mình khóc từ Hà Nội về tới nhà. Mắt sưng lên mà về tới nhà ông bà nội hỏi thăm vẫn phải trấn tĩnh lại và nói “kết quả chỉ kém hơn bình thường chút thôi”, tẩm bổ vào vẫn có thể có thai. Nói xong mình vào phòng và khóc một mình. Tối đến hai vợ chồng khóc trong vòng tay nhau mà không biết phải giải quyết thế nào. Trái tim như sụp đổ vì toàn những bệnh viện lớn và giỏi ở Hà Nội mà còn không có kết quả gì thì giờ làm sao?”
Thế rồi, đem trong mình suy nghĩ “con cái là lộc trời cho”, bây giờ ông trời chưa cho thì cũng đành chịu, anh chị gạt nước mắt đứng lên quyết định miệt mài lao động, tự an ủi nhau “Làm kinh tế đã còn con cái để sau vậy cốt vợ chồng yêu thương nhau là hạnh phúc rồi” – chị Phương nói.
Vậy nhưng cuộc sống luôn có những thứ éo le xen kẽ. Kế hoạch làm kinh tế cũng dần qua đi, một năm, hai năm trôi qua, anh chị vẫn chưa thấy "lộc trời ban". Bạn bè cùng trang lứa đều con bồng con bế. Nhìn cảnh tượng ấy, hai vợ chồng lại nóng ruột tìm kiếm thuốc thang nhưng tất cả vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh với bao lời trách móc, dè bỉu của thiên hạ, của họ hàng rằng “Có gì chưa?”, “Tại ai, tại vợ hay tại chồng?”, “Đi xin con nuôi đi là vừa”....
Em bé chính là thành quả của 10 năm nhẫn nại của anh chị. (Ảnh: NVCC)
Hai vợ chồng âm thầm dắt díu nhau đi khỏi quê nhà để tránh điều tiếng
Chịu không nổi những lời trách móc, trong đêm tối anh chị đành âm thầm dắt díu nhau đi làm ăn ở một tỉnh biên giới phía Bắc.
Ngày đó, 2 vợ chồng anh Phong, chị Phương đã lên tỉnh Hà Giang. Tại nơi ở mới này, mặc dù ngày đêm lao động làm ăn cật lực nhưng anh chị vẫn không nguôi nỗi hy vọng lớn lao có đứa con để làm sợi dây kết nối tình cảm vợ chồng. Vừa lo làm ăn, vừa lo thăm hỏi ở đâu có phương pháp chữa vô sinh hiếm muộn để chữa trị.
Tiền kiếm mãi cũng không đủ mà tuổi tác mỗi người mỗi năm nhiều thêm. Anh chị bỏ bẵng đất Hà Giang lặn lội về một bệnh viện tuyến đầu ở Hà Nội nguyên một năm trời (2016) để tìm giải pháp can thiệp đối với trường hợp “không có tinh trùng” nhưng kết quả “chỉ hao tiền bạc, công sức” mà không có một tín hiệu gì đáng mừng.
Chán chường và bất lực, anh chị buông xuôi như con thuyền mất phương hướng giữa đại dương. Năm đó anh chị dành cả 365 ngày chỉ có chạy vạy ngược xuôi lo thuốc thang nhưng không ăn thua. Giữa lúc chới với giữa dòng đời, họ tìm được một cặp vợ chồng người đồng hương giới thiệu BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội .
Biết không thể nào dập tắt niềm hy vọng, anh chị lại khăn gói xuống Thủ đô khám chữa. Tại bệnh viện, anh Phong được xác định sức khỏe không đủ tốt, với số lượng tinh trùng quá ít, tuy nhiên anh vẫn được các bác sĩ hẹn 20 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm, nếu kết quả cho thấy đủ điều kiện sức khỏe có thể tiến hành thụ tinh ống nghiệm (TTON).
Người đàn ông tràn ngập trong hạnh phúc bên "giọt máu" của mình. (Ảnh: NVCC)
Ánh sáng như bừng lên trong đôi mắt anh Phong chị Phương, sau khi hết 20 ngày chờ kết quả, anh đủ điều kiện làm TTON. Những ngày đầu tiến hành các bước chuẩn bị cho TTON với rất nhiều xúc cảm và nỗi đau đớn người phụ nữ ấy phải gánh chịu, “Từ bé tới giờ chưa bao giờ tiêm nhiều đến vậy. Những mũi tiêm vào rốn mặc rù rất đau nhưng mình cũng cố gắng vì con” - chị Phương chia sẻ.
Để thực hiện TTON, chị Phương phải kiểm tra nang liên tục, theo dõi sự phát triển của trứng để tiến hành chọc trứng đúng lịch. Các bác sĩ đã thu được 21 quả trứng của người mẹ.
Về phía người mẹ thuận lợi bao nhiêu thì anh Phong trở nên bất ổn bấy nhiêu khi lấy tinh trùng 2 lần đều không được. Đến khi lấy được thì kết quả báo tinh trùng quá kém không đủ tiêu chuẩn để làm TTON. “Mọi thứ như sụp đổ trên đầu 2 vợ chồng khi nghe bác sĩ bên kỹ thuật tạo phôi nói “chất lượng tinh trùng kém lắm giờ chỉ còn cách thử lấy vài quả trứng của vợ kết hợp với tinh trùng xem có tạo được phôi không”. Chứ không giám mạo hiểm dùng hết số trứng của vợ. Chờ 2 ngày sau báo phôi, vợ chồng đồng ý làm theo cách của bác sĩ”, chị Phương nhớ lại.
Hạnh phúc vỡ òa sau 10 năm đằng đẵng mong con
Thế rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với anh chị khi kết quả báo tạo được 5 phôi với 7 trứng, bởi anh chị được tư vấn nếu tạo được 5 phôi tỉ lệ thành công 80% nên hạnh phúc ngày đó càng nhân lên gấp bội.
Vào một ngày giữa mùa hè, sức khỏe của chị Phương đảm bảo tốt để chuyển phôi. Do trải qua quá nhiều những biến cố và vất vả, chị như ý thức được rằng mình phải trân trọng và giữ gìn mình dù làm bất cứ động tác gì. Đêm đêm người mẹ mong con ấy vẫn “niệm chú đại bi”, việc mà chị vẫn kiên trì suốt gần chục năm, với hy vọng mong “Bồ Tát” thương tình mà ban cho bố mẹ một đứa con để bầu bạn.
Để có được con, anh chị đã phải cùng nhau đi qua những thử thách lớn. (Ảnh: NVCC)
Lo lắng chờ kết quả xét nghiệm beta, sau 12 ngày đằng đẵng dài như cả thế kỷ ngồi chờ kết quả. Cũng đến ngày chị đến BV kiểm tra lại, bác sĩ kết luận beta “21” là đã có thai nhưng quá thấp, bác sỹ yêu cầu 2 ngày sau xét nghiệm lại.
Anh chị lại tiếp tục hy vọng có thể thêm một phép màu hiện ra. Lần này thì ông trời không còn muốn thử thách sự cố gắng của anh chị thêm nữa. Chỉ số xét nghiệm beta HCG là 162 HCG và sau 21 ngày chuyển phôi thai đã vào tổ an toàn.
Chị Phương không giấu nổi niềm hạnh phúc, liền chia sẻ: “28 ngày sau chuyển phôi thì xuống viện khi nghe được tim thai đã đập thình thịch và phát triển rất tốt. Mình hạnh phúc đến nỗi khóc từ viện về nhà. Và vì nhà xa nên 2 vợ chồng xin thuốc đến tuần 12 mới xuống viện kiểm tra lại. Hạnh phúc lại ùa về khi tất cả các kết quả kiểm tra đều rất tốt và bác sĩ nói 80% là con trai. Và cứ thế con lớn dần từ tuần 12 lớn dần lên trong cơ thể của mình, mặc dù 4 tháng đầu không ăn được gì chỉ truyền nước nhưng nghĩ đến con đang lớn lên trong cơ thể từng ngày cũng hạnh phúc và cố gắng để vượt qua”.
Sau 10 năm miệt mài tìm con, giờ đây gia đình đã có tiếng cười trẻ thơ. (Ảnh: NVCC)
Nói về “thiên thần” của mình, chị Phương cho hay, đó là cậu bé rất gan lì vì tới tuần thai thứ 40 vẫn chưa muốn chui ra. Cuối cùng bố mẹ cùng gia đình đã quyết định đón con bằng phương pháp sinh mổ. Nằm trên bàn mổ chị đã khóc rất nhiều khi bác sĩ gây mê trước khi mổ. Đó không phải là những giọt nước mắt sợ hãi mà là hạnh phúc khi sắp được gặp con của một người mẹ đã chờ đợi con suốt một thập kỷ.