Lúc bác sĩ mổ bắt con, chị Hương chỉ lẩm nhẩm cầu xin cho con được sống, bất chấp chuyện mẹ sẽ phải ra đi, rồi lịm dần.
"Đến hôm nay, khi đã 6 tháng được ôm con trong vòng tay mình mới có thể chia sẻ hành trình tìm con của vợ chồng mình được" là câu mở đầu trong bài chia sẻ chị Bành Thị Thu Hương (28 tuổi, sống tại TP.HCM) đăng trong một nhóm kín dành cho các mẹ hiếm muộn trên mạng xã hội. Ấy là bởi suốt 4 năm mong con, 7 tháng mang bầu nơm nớp lo sợ và 6 tháng vất vả chăm con sinh non, đến hôm nay chị mới dám lén thở phào nhẹ nhõm vì "chú lính chì" sinh ra với trọng lượng chưa tới 1kg của mình đã dũng cảm, mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn để ở bên bố mẹ.
Chị Hương và chồng quen nhau từ cách đây 9 năm, khi chị còn là cô bé ngồi trên ghế nhà trường. Sau đó, chồng chị đi học tại Học viện Hải quân, hai người hai nơi, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần nhưng tình yêu vẫn gắn bó bền chặt.
Xác định sẽ sớm nên vợ nên chồng, chị Hương và chồng đã "thả" từ năm 2014 với mong muốn sớm có con. Vậy nhưng năm 2015, đám cưới diễn ra, anh chị vẫn chưa có "tin mừng".
Hai vợ chồng chị Hương cưới nhau từ năm 2015.
Vậy là hai vợ chồng đưa nhau đi khám nhưng kết luận của bác sĩ khiến anh chị "rụng rời chân tay". Chồng không có tinh trùng bình thường, tỉ lệ sống chỉ 2% nhưng "mất đầu mất đuôi" nên chẳng khác gì không có. Bản thân chị Hương thì đủ thứ bệnh từ đa nang buồng trứng, nhân xơ, vòi trứng đến tử cung mỏng. Vì vậy, khả năng có con là rất thấp, kể cả việc thụ tinh trong ống nghiệm tỉ lệ thành công cũng vô cùng hy hữu. Nói cách khác, khả năng được làm bố, làm mẹ của hai vợ chồng chị Hương gần như là 0%.
"Vậy là suốt 2 năm, vợ chồng mình chạy đôn đáo hết các bệnh viện chữa vô sinh hiếm muộn. Rồi khi nhận kết quả trên tay kèm theo lời chia sẻ góp ý của bác sĩ rằng "thôi đành về ăn uống tẩm bổ chứ tình hình này chẳng thể là thụ tinh ống nghiệm được", trời đất như sụp đổ với hai vợ chồng. Bao nhiêu thuốc thang, hi vọng, tiền bạc... cứ thế đội nón ra đi", chị Hương tâm sự. Chồng chị Hương là cháu đích tôn trong nhà, ông bà nội đã già yếu chỉ chờ được nhìn thấy chắt nên anh chị càng thêm gánh nặng.
Khó khăn chồng chất nhưng vợ chồng chị Hương đã cố gắng vực dậy tinh thần, tiếp tục nuôi hy vọng được "trời phật thương".
"Có bệnh thì vái tứ phương", vợ chồng chị Hương hết chữa tây y lại chuyển sang đông y, ai chỉ ở đâu có người chữa tốt, thuốc uống hiệu nghiệm, anh chị lại dắt díu nhau tìm đến.
Đầu năm thứ 3 trong hành trình tìm con, vợ chồng chị Hương được một người làm cùng đơn vị chồng chỉ cho một thầy thuốc Đông y chuyên chữa hiếm muộn. Nhà thầy thuốc ở tận Tây Ninh nhưng hai vợ chồng cứ đều đặn 2 tuần một lần đi xuống khám và cắt thuốc. Và rồi cuối cùng công sức của cặp vợ chồng trẻ cũng được đền đáp.
"Uống thuốc khoảng 2 tháng là tinh trùng chồng mình bắt đầu tăng lên. Vậy nhưng 6 tháng mà vẫn vô vọng, không có tin mừng. Mình bảo chồng ra tết 2017, hai đứa lại vào Từ Dũ khám. Lúc ấy khám, bác sĩ kết luận làm thụ tinh ống nghiệm may ra có cơ hội có con nên hai vợ chồng dắt nhau về suy nghĩ thêm.
Vậy mà 3 ngày sau, chẳng hiểu sao bụng mình đau thắt lại rồi xỉu dần. Nhà chẳng có ai, chồng mình làm bộ đội hải quân nên đi trực suốt. Mình gọi bác sĩ đến nhà khám bệnh, lấy máu xét nghiệm. Ngày hôm sau cầm kết quả có thai trên tay mà vẫn không tin nổi. Mình thử liền 20 que thử thai, vẫn chưa tin, tiếp tục ra ngay hai phòng khám gần nhà khám. Vậy là cuối cùng mình cũng đón được con", chị Hương kể lại.
Sau bao ngày tháng chạy chữa, cuối cùng vợ chồng chị cũng đón được con.
Vui mừng, hạnh phúc vì đón được con yêu sau bao ngày chờ đợi nhưng chị Hương không ngờ chuỗi ngày gìn giữ con mới thực sự khủng khiếp. Vì thành tử cung mỏng, chị Hương bị xuất huyết suốt 4 tháng đầu thai kỳ, 2 tháng tiếp theo thì dọa sảy liên tục. Chị phải nghỉ làm ở nhà, tiêm thuốc liên tục để giữ thai.
"Mình giữ được 31 tuần 3 ngày là bị sản giật kèm tai biến. Lúc đó khoảng 5 giờ sáng, mình ở nhà cùng em gái thì đột nhiên bị co giật, sùi bọt mép, ói không ngừng. Nhà chỉ có em gái đang ngủ say, chồng thì đi trực. Mình lấy hết chút sức lực cuối cùng khua tay làm vỡ cốc nước, đập mọi thứ xung quanh để em nghe thấy. Tim đập loạn xạ, mắt còn không nhìn thấy gì nữa. May em mình tỉnh dậy luôn, đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay", chị Hương kể.
Vào tới bệnh viện, bác sĩ hốt hoảng khi thấy huyết áp tăng quá cao, lên đến 250, kèm theo xuất huyết giảm tiểu cầu, mẹ suy tim, tim thai cũng suy đồng thời mắt chị bị mù tạm thời. Bác sĩ lập tức yêu cầu đình chỉ thai để cứu mẹ.
"Lúc đó tai mình ù đi nhưng vẫn cố giãy dụa, đòi cứu con bằng được. Mình nói với bác sĩ nếu không tìm cách cứu được cái thai trong bụng thì đừng đụng vào người tôi. Giờ nghĩ lại mới thấy gan to, dám quát cả bác sĩ. Sau đó hội chẩn, bác sĩ yêu cầu mình đọc số điện thoại chồng nhưng mình vẫn lì, bắt bác sĩ hứa cứu con bằng được thì mình mới cho số", chị Hương nhớ lại.
Vào giây phút đứng giữa sự sống và cái chết, chị Hương vẫn nhất quyết bắt bác sĩ phải cứu con bằng được.
12 tiếng sau khi tiêm thuốc, cả chị Hương và em bé trong bụng nhịp tim đều yếu dần, phải thở oxy. Vậy nhưng với tình yêu bao la của một người mẹ, khi bác sĩ tiến hành mổ bắt con, dù không tỉnh táo chị vẫn chỉ cố lẩm nhẩm "cầu trời" cho em bé được sống còn mình ra đi cũng được rồi mới lịm dần.
"Khi tỉnh lại là thời gian kinh hoàng nhất với mình. Tay chân mình bị trói chặt, hét lên hỏi con em đâu mà không ai trả lời. Mãi cho đến 10 tiếng sau mẹ và chồng mình mới được vào phòng hồi sức. Lúc ấy mình mới biết con sinh ra chỉ được 955g thôi, đã nằm lồng ấp và thở máy. Vậy là hai mẹ con mình đều sống. Nghe vậy mình mới yên tâm để nhắm mắt lại nghỉ ngơi", chị Hương tâm sự.
Việc chị Hương và em bé còn sống sau cơn tai biến tiền sản giật được tất cả các bác sĩ coi như một kỳ tích hiếm có. Vậy nhưng có lẽ các mẹ sinh non mới hiểu nuôi bé sinh non vất vả, tốn kém và lo sợ đến thế nào.
"Hai tháng đầu của con không dám ngủ, cả nhà lúc nào cũng trừng mắt nhìn con. Một lần vừa đưa con ra khỏi lồng kính là con tím tái, không thở được phải chạy cấp cứu. Thương lắm", chị Hương chia sẻ.
Mỗi lần nhìn con bé xíu xiu, tay chân khẳng khiu, thi thoảng người lại tím ngắt, bị ngưng thở, đầy máy móc xung quanh, chị Hương lại đau đớn rơi nước mắt.
Những tháng đầu, vợ chồng chị chăm con rất vất vả.
Vậy rồi mọi chuyện cũng qua, em bé được ra viện sau 2 tháng, cân nặng lúc này mới nhích lên gần 1,5 kg, còn chưa bằng nửa em bé sơ sinh bình thường. Hai vợ chồng chị Hương dành hết mọi công sức, tâm trí để chăm sóc cho con trai. Cho đến hiện tại, em bé đã được 6 tháng, nặng 6 kg và tình hình sức khỏe ổn định hơn nhiều.
Vậy nhưng bản thân chị Hương thì lại chưa thể khỏe trở lại. Đến nay mắt chị vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, giọng thì khản đặc không sao chữa khỏi. Bên cạnh đó, dù gia đình cũng có điều kiện nhưng hành trình tìm con, giữ con rồi nuôi con cũng khiến vợ chồng chị kiệt quệ. "Ông bà nội ngoại cũng phải hỗ trợ nhiều chứ hai vợ chồng là sạch bách luôn, thiếu nước bán căn nhà chung cư ông bà mua cho ở Sài gòn nữa thôi", chị nói.
Tuy nhiên, chị tâm sự dù khó khăn, vất vả đến mấy chị cũng thấy xứng đáng bởi vì con đã qua cơn nguy kịch, ngày càng phát triển tốt và khỏe mạnh hơn.
Tất cả mọi gian khó đã qua, em bé đang lớn lên từng ngày.
"Hành trình tìm con của mình có thể vất vả nhưng mình chẳng trách ai cũng chẳng trách trời. Cuộc đời có vay có trả, chỉ là muốn hạnh phúc mình phải vượt qua thử thách. Như vậy mình càng quý trọng, nâng niu và gìn giữ tất cả những gì mình đang có hơn.
Mình cũng mong tất cả các cặp vợ chồng đang mong con đừng bao giờ ngừng cố gắng, đừng đánh rơi niềm tin. Cứ hy vọng thì một ngày hạnh phúc sẽ đến", chị nhắn nhủ.