“Tới giờ phút này ngồi ngắm con, em không dám nghĩ đó là sự thật. Từ lúc có bé, cả gia đình và rất nhiều anh em, bạn bè đều mừng lắm. Hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng em thật rồi…”
Chị Phạm Thị Tuấn (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) không thể giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhắc đến đứa con bé bỏng của mình. 8 năm “tìm con” là quãng thời gian dài đằng đẵng, bao nhiêu lo lắng, thất vọng, rồi lại hy vọng; nước mắt của chị tưởng như đã cạn khô cho đến ngày đón con yêu chào đời.
Gia đình nhỏ ngập tràn hạnh phúc của chị Tuấn.
Đến tận bây giờ, khi con trai Nguyễn Phạm Bảo Long được gần 2 tháng tuổi, chị Tuấn vẫn còn nguyên vẹn cảm giác hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời lúc con chào đời. Chị tâm sự: “Thật sự mình cũng không dám tin những gì đã trải qua, nhưng tới lúc được nhìn thấy con thì mọi thứ đã tan biến hết. Mình thật sự vui mừng hơn tất cả.”
Sau khi kết hôn được 5 năm, từ năm 2015, đi chạy chữa nhiều nơi mà chưa thấy tiến triển gì, chị Tuấn đã tính tới chuyện ly hôn với chồng: “Khổ thân lắm, vì nhà chồng có mỗi anh thôi, mà mình khả năng có bé rất thấp nên muốn giải phóng cho anh đi lấy vợ. Khóc cạn nước mắt mới viết lá thư dài hai trang giấy để vào ví của chồng.
Nhưng cũng may mắn chồng thương nên không chịu buông. Chồng mình khóc vì buồn, vì thương vợ. Rồi chồng động viên bảo mình là không được đi đâu hết. Ông trời sẽ không phụ lòng người đâu. Chúng mình đi chùa cầu con rất nhiều.”
Chị Tuấn từng khóc cạn nước mắt, viết lá thư dài hai trang giấy mong chia tay để vào ví của chồng.
Nhớ lại quãng thời gian đó, chị Tuấn vẫn còn đau nhói. Sau đó, hai vợ chồng chị không bỏ cuộc mà vẫn quyết định chạy chữa, tự động viên nhau cố gắng vì nghĩ rất nhiều người cũng khó khăn như mình.
Khó khăn là vậy, nhưng chị Tuấn vẫn luôn cảm thấy bản thân mình may mắn vì từ khi về làm dâu, suốt 8 năm chưa có em bé nhưng bố mẹ chồng rất thương và luôn động viên, hỗ trợ kinh phí điều trị. Đó chính là động lực để vợ chồng chị cố gắng.
Chị Tuấn không giấu nổi niềm vui nói: "Hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng mình thật rồi."
Chị Tuấn chia sẻ từ trước khi lấy chồng, kinh nguyệt của chị đã không đều: “Mình bị đa nang buồng trứng từ khi 16 tuổi nhưng mãi khi lấy chồng mình mới biết vì lấy chồng không có con đi khám hiếm muộn bác sĩ kết luận như vậy. Vì kinh nguyệt của mình có khi 8 tháng, một năm hay gần 2 năm mới thấy một lần, mà từ khi lớp 11 đã vậy rồi.
Sau đó ai mách đâu là mình lấy thuốc ở đấy, thuốc bắc thuốc nam, thuốc tây đều uống hết nhưng uống thì có kinh, dừng là mất kinh, tình trạng càng ngày càng xấu và gần như mất kinh. Vợ chồng mình còn đi vào vùng dân tộc ở Lạng Sơn để lấy thuốc nhưng về uống miết cũng không có tiến triển gì hết. Rồi mình chán nản và tuyệt vọng. Nghĩ chắc không bao giờ được làm mẹ.
Rồi tới khi chồng đi khám ở bệnh viện phụ sản Hải Phòng, bác sĩ kết luận không có tinh trùng, lại một lần lữa hai vợ chồng mình thật sự mất phương hướng chỉ biết ôm nhau khóc”.
Điều trị ở Bệnh viện Hải Phòng khoảng hai tháng, khi bình tĩnh lại, hai vợ chồng chị Tuấn quyết định lên Bệnh viện Nam học khám lại. Bác sĩ cho chọc pesa tìm tinh trùng, may mắn là chồng chị có tinh trùng. Bác sĩ hướng dẫn chỉ còn cách làm IVF nhưng xác suất thành công rất thấp.
“Vừa vui lại vừa buồn, lo lắng vì kinh tế không có một xu. Hai vợ chồng lại về tiếp tục kiếm tiền để điều trị. Bọn mình làm công nhân, nhưng từ khi đi điều trị mình phải nghỉ ở nhà, còn chồng thì vẫn đi làm”, chị Tuấn nói.
Bé Nguyễn Phạm Bảo Long đã được gần 2 tháng tuổi.
Đến năm 2014, hai vợ chồng lại khăn gói lên Khoa hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ kết luận chị Tuấn bị đa nang buồng trứng hai bên và bị u nang nước phải làm thủ thuật nội soi mổ bóc tách nang nước. Sau đó, hai anh chị lại vật lộn làm kinh tế đến tháng 6 năm 2016 tiếp tục lên viện Bạch Mai điều trị suốt 9 tháng.
“Tới khi quyết định làm IVF, mình vẫn không dám nghĩ sẽ có bé vì bị đa nang buồng trứng nặng. Trứng bé quá mà tiêm thuốc kích trứng toàn liều cao mà cũng chỉ được 17 -19 mm. Lúc đầu còn định dừng không chọc trứng vì sợ không tạo được phôi. Chồng tinh trùng chọc ra thì yếu lại rất ít, phải chọc tới 3 lần mới tạm đủ, vợ thì ít trứng lại bé nên thật sự là hai vợ chồng không hề có hy vọng. Nhiều lúc bọn em đã muốn buông xuôi rồi. Mẹ chồng cũng hỏi nhiều nơi để bảo vợ chồng em xin con nuôi.
Tháng 2/2017 chị Tuấn bắt đầu kích trứng và chọc được 9 trứng tạo được 3 phôi, 1 tốt hai yếu. Sau khi chọc trứng chị bị quá kích buồng trứng và tràn dịch màng phổi lại phải nhập viện điều trị mất 20 ngày mới ổn định.
“Mình trữ hai còn chuyển một phôi tốt vào tháng 6/2017. Sau chuyển phôi mình không có biểu hiện gì tới ngày thứ 8 mình thử que thì 1 vạch, lúc đó buồn và khóc nghĩ hết hy vọng. Tới ngày thứ 10 sau chuyển phôi, mình thấy đau lưng, lại hy vọng và thử thì thấy lên 2 vạch. Mình không dám tin, lần đầu tiên trong đời mình được nhìn thấy que thử thai của mình lên hai vạch. Hạnh phúc thật sự đã mỉm cười với vợ chồng mình.
Tới tuần 36, mặt và người mình sưng phù cho dù suốt thai kỳ rất khỏe. Tới tuần 37 thì càng sưng to mà khó thở, người cứ nóng và buồn nôn. Đi khám bác sĩ kết luận bị cao huyết áp và hội chứng tiền sản giật, và cho chuyển ra bệnh viện Kiến An. Ra tới viện là 12h trưa bác sĩ hội chẩn và cho mình mổ gấp để cứu mẹ và con. Thật sự mình cũng không dám tin những gì đã trải qua. Nhưng tới lúc được nhìn thấy con thì mọi thứ đã tan biến hết, thật sự vui mừng hơn tất cả…”
Con là nguồn động lực lớn nhất của vợ chồng chị Tuấn.
Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nước mắt tưởng như đã cạn khô, nhưng khi nhìn thấy con chào đời, những giọt nước mắt lại lăn dài trên gương mặt người mẹ ấy - đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
“Từ lúc có bé cả gia đình và rất nhiều anh em, bạn bè đều mừng lắm. Hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng mình thật rồi. Cuộc sống trở nên ý nghĩa và con là động lực của chúng mình. Thời gian chữa trị hai vợ chồng cũng được các bác sĩ tư vấn và động viên rất nhiệt tình. Mình chỉ cầu mong cho tất cả mọi người hiếm muộn hãy cố gắng vượt qua tất cả vì ánh sáng ở phía trước”, chị Tuấn vui mừng chia sẻ.