21 năm chưa một lần dám buông xuôi trong hành trình tìm con, cuối cùng cũng được ôm đứa con bé bỏng trong tay khiến vợ chồng hiếm muộn nghẹn ngào không nói thành lời.
Những ngày này với vợ chồng chị Phạm Thị Bích Ngọc, SN 1981 ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội có lẽ là những ngày hạnh phúc trọn vẹn nhất. Bởi sau 21 năm đằng đẵng tìm con, trải qua bao khổ đau, thất vọng và áp lực, vợ chồng chị lần đầu tiên được bế con trên tay.
Chị Ngọc chia sẻ, chị bị tắc vòi trứng nên phải cắt vòi trứng, muốn có con buộc phải làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trong 21 năm qua, vợ chồng chị Ngọc từng chữa trị ở các bệnh viện lớn Hà Nội. Thậm chí chị Ngọc từng lặn lội vào tận Sài Gòn để thăm khám, thông tắc vòi trứng, mổ vòi trứng, cắt vòi trứng, làm IVF với chi phí rất tốn kém. Tuy nhiên tin vui vẫn chưa đến với vợ chồng Hà Nội khát con này.
"21 năm chữa hiếm muộn, vợ chồng làm được bao tiền đổ hết vào chữa bệnh. Chi phí cho những năm tìm con của vợ chồng em khoảng 3 tỷ đồng", chị Ngọc cho hay.
Vợ chồng chị Bích Ngọc đã tìm được niềm vui sau 21 năm mong con. (Ảnh: NVCC)
Quá nhiều năm ròng rã chữa hiếm muộn, đã có rất nhiều khoảng thời gian chị Ngọc mệt mỏi, chán nản, thất vọng muốn bỏ cuộc. Tự ti vì nguyên nhân hiếm muộn do mình, chị từng đề nghị vợ chồng ly hôn để chồng có thể đi lấy vợ khác mà sinh con.
Nhưng lần nào, chồng chị cũng gạt đi và không bao giờ đồng ý. Ngược lại, anh luôn động viên vợ tiếp tục hành trình tìm con, không được bỏ cuộc. Có lẽ nhờ 21 năm qua chưa một lần buông xuôi như vậy mà giờ vợ chồng chị cuối cùng đã được hái quả ngọt như hôm nay.
“Chồng em luôn là người bên cạnh động viên vợ những lúc vui buồn. Anh không bao giờ bỏ cuộc và không cho phép em được bỏ cuộc. Anh bảo con cái trời cho, không bao giờ đặt nặng vấn đề con cái cho một mình vợ. Có những lúc gia đình chồng bảo vợ chồng xin con nuôi nhưng em không muốn vậy mà muốn có 1 đứa con do chính mình sinh ra”, chị Ngọc thú nhận.
Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo - người trực tiếp điều trị hiếm muộn, thăm khám và mổ bắt con cho chị Ngọc. (Ảnh: NVCC)
Khi biết IVF lần này có tin vui, vợ chồng chị Ngọc cứ như trong mơ bởi chị nghĩ, bản thân giờ đã lớn tuổi sẽ không thể có cơ hội mang thai được nữa.
Khi bầu bí, chị ốm nghén suốt 5 tháng đầu thai kỳ không ăn được gì, ăn vào là nôn hết, đặc biệt phải khâu tử cung giữ thai nên chị Ngọc chỉ ăn và nằm 1 chỗ. Suốt cả thời kỳ ấy, anh xã luôn phục vụ vợ 24/7, mẹ bầu không phải làm bất cứ việc gì.
“Khi mang bầu được 7 tuần em bị ra máu nhiều dọa sảy nên phải đi cấp cứu, nằm viện 2 tuần. Thời điểm 14 tuần phải khâu cổ tử cung để giữ thai. Lúc 25 tuần, em bị tiểu đường thai kỳ, phải ăn kiêng nghiêm ngặt. Rồi quá lo lắng cho đứa con IVF này nên em sinh con lúc 38 tuần”, chị Ngọc kể về hành trình giữ thai gian nan của mình.
Trải qua thai kỳ giữ con vất vả, sau 21 năm tìm con, cuối cùng phép màu đã đến với vợ chồng Hà Nội khi được ôm con trong lòng. Thời điểm ấy, vợ chồng chị đều nghẹn ngào xúc động không nói nên lời. Đến nỗi người thân của anh chị đều bảo đây là thành quả xứng đáng sau 21 năm chưa một lần buông xuôi của anh chị.
Sau 21 năm tìm con, cuối cùng phép màu đã đến với vợ chồng hiếm muộn. (Ảnh: NVCC)
Những ngày này mẹ bỉm đang ở cữ như nhiều sản phụ sau sinh khác. Do vết mổ đẻ còn đau và sinh con đầu lòng nhiều bỡ ngỡ nên mẹ bỉm phải nhờ bà ngoại và người bạn đến chăm giúp bé ngày đêm ở viện.
Thật sự đến giờ phút này dù đã sinh con và được bế ẵm con trên tay nhưng vợ chồng chị Ngọc vẫn nghĩ như đang trong giấc mơ. Bản thân chị không nghĩ có ngày mình lại được bế con như bao mẹ bỉm khác nên rất hạnh phúc.