Cứ tưởng sẽ vất vả trong hành trình chữa hiếm muộn nhưng cuối cùng may mắn đã mỉm cười với vợ chồng Sài thành khi có thai tự nhiên và giữ được con an toàn, khỏe mạnh đến khi bàn đẻ.
Là viên chức nhà nước, vợ chồng chị Hằng (tên nhân vật đã được thay đổi), 34 tuổi ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh cưới nhau được 11 năm nay. Tuy nhiên trong 11 năm ấy thì chị Hằng trải qua 3 lần mang bầu nhưng đều bị sảy thai liên tiếp. Lần thứ 4 chị có thai nhưng lại buộc phải đình chỉ thai kỳ vì thai ngoài tử cung.
Suốt 1 năm sau ngày làm thủ thuật bỏ thai lần 4, chị Hằng dù không áp dụng bất kỳ biện pháp kế hoạch nào vẫn không thấy có thai. Vì thế vợ chồng chị quyết định kiểm tra sức khỏe để tìm nguyên nhân sảy thai và hiếm muộn.
“Khi thăm khám cho vợ chồng này đã tìm được nguyên nhân sảy thai liên tiếp do miễn dịch. Còn vợ chồng chị bị hiếm muộn sau đó là do thai ngoài tử cung đã cắt ống dẫn trứng 1 bên. Sau khi tìm được nguyên nhân cụ thể, vợ chồng chị Hằng bắt đầu quá trình điều trị và được bác sĩ hướng dẫn giao hợp tự nhiên. Do là viên chức nhà nước nên cuộc sống của vợ chồng chị kinh tế khó khăn. Đã vậy việc điều trị dự phòng sảy thai liên tiếp cũng tốn một số tiền. May mắn cuối cùng họ cũng có bé trai đầu tiên của mình. Em bé năm nay đã 6 tuổi”, bác sĩ Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh - người trực tiếp khám và điều trị cho chị Hằng chia sẻ.
4 lần mất con, chị Hằng đã có em bé đầu tiên. (Ảnh minh họa: BSCC)
Mỗi năm sau đó, vợ chồng chị Hằng đều lên khám kiểm tra định kỳ và dẫn theo con trai đến chào bác sĩ để cảm ơn. Dù muốn sinh bé thứ 2 nhưng do kinh tế chưa thể đảm bảo nên họ vẫn chưa có kế hoạch mang bầu.
Tới một ngày, khi con đã lớn hơn và cuộc sống đỡ vất vả hơn, vợ chồng chị Hằng mới lên kế hoạch chuẩn bị tìm con lần thứ 2 bằng việc làm các xét nghiệm kiểm tra lại và uống thuốc. Lần này chị Hằng lại may mắn mang bầu song thai cùng trứng. Tuy nhiên suốt thời gian bầu bí, 2 thai phát triển không đồng đều khiến cho vợ chồng chị và cả bác sĩ đều lo lắng.
“2 bé phát triển không đồng đều, 1 bé bình thường nhưng 1 bé nhẹ cân. Lúc đầu tôi rất lo lắng hội chứng truyền máu song thai nhưng thời gian dài theo dõi vẫn thấy bé nhẹ cân phát triển theo dạng thai nhỏ so với tuổi thai chứ không phải truyền máu song thai. Trong khi đó, sức khỏe của 2 thai cũng rất tốt. Tôi cố gắng theo dõi để kéo dài đến thai 38 tuần 6 ngày mổ đẻ, cân nặng của bé lớn là 2,9kg và bé nhỏ cũng vượt qua mốc 2,5kg”, bác sĩ Thạch nhớ lại.
6 năm sau, vợ chồng chị Hằng tiếp tục đón 2 con yêu chào đời trong bọc ối. (Ảnh: BSCC)
Đặc biệt hơn nữa là cả 2 con trai của chị Hằng đều sinh ra trong bọc điều và vào đúng ngày sinh nhật con trai đầu lòng của cặp vợ chồng chị cách đây 6 năm.
Chia sẻ về trường hợp sản phụ trên, nam bác sĩ hiếm muộn cho rằng, khi bầu song thai mà 1 em bé nhẹ cân hơn nhiều em bé kia, các thai phụ nên chú ý chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi hợp lí, bổ sung sắt và khoáng chất, sữa để con trong bụng phát triển tốt nhất dù thực tế chưa có biện pháp nào là tối ưu nhất cho thai nhi tăng cân trong trường hợp này.
Bác sĩ Thạch cũng lưu ý, nếu các mẹ mang bầu song thai mà 1 thai phát triển kém và nhỏ hơn hẳn thai kia cũng đừng chủ quan mà nên cảnh giác chú ý. Bởi rất có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro cho thai kỳ nếu như xảy ra hội chứng truyền máu song thai, 1 thai nhỏ và 1 thai to, nguy cơ mất tim thai cả 2 thai. Do đó mẹ bầu song thai nên phải thăm khám cẩn thận trong các mốc thai kỳ đảm bảo thai nhi an toàn, khỏe mạnh nhất.