Nhà cách xa bệnh viện hàng trăm km, lại say xe nặng, mỗi lần đi là 1 lần khó, chị Thu Thảo (27 tuổi - Thái Nguyên) phải năn nỉ bác sĩ kê thuốc nội tiết hoặc kích trứng đem về tự tiêm suốt 4 năm ròng tìm kiếm con yêu.
Những tháng ngày chạy chữa hiếm muộn, chị Thảo đã đối diện với bao khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ muốn bỏ cuộc. Thậm chí, chị sảy thai nhiều lần, miệng đời cười nhiễu “vô phúc mới chửa ngoài dạ con, hỏng thai 3 lần”. Họ còn ví chị như “cây độc không quả, gái độc không con”. Chị bảo, chính những lời cay nghiệt ấy là liều thuốc giúp chị nỗ lực và hi vọng về một tương lai tươi mới có điều kỳ diệu xảy ra.
3 năm hỏng thai 3 lần
Nhớ lại lần đầu hỏng thai, chị Thảo buồn rầu: “Đám cưới được 6 tháng, vợ chồng mình có tin vui. Sau đó, mình ra máu rất nhiều. Ngỡ sảy thai, mình đến phòng khám sản nạo sạch nhau. Về nhà, mình đau bụng dữ dội, thậm chí máu chảy gần nửa tháng. Không chịu được, ông xã đưa mình vào bệnh viện kiểm tra. Xét nghiệm xong, bác sĩ khẳng định mình chửa ngoài dạ con và cần phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng trái”.
Cắt vòi trứng, chị Thảo kiêng kỵ đủ thứ để không ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh con. Chị kể, thời gian giữ sức, chị đến viện siêu âm 3 tháng/lần và theo dõi beta đều đặn 2 tháng/lần cho đến lúc lượng beta trong cơ thể không còn.
1,5 năm điều trị, chị Thảo khỏe hơn rất nhiều. Đặc biệt, chị có thể nhờ bác sĩ tiến hành tiêm thuốc kích trứng. 2 tháng sau, chị có thai nhưng rất yếu. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo tiêm thuốc nội tiết mỗi ngày để giữ thai. Tuy nhiên, nhà cách xa bệnh viện, lại say xe nặng, chị buộc năn nỉ bác sĩ kê đơn thuốc về tự tiêm lấy.
4 năm vất vả, vợ chồng chị Bàng Thu Thảo hạnh phúc đón nhận "trái ngọt"
“Mình biết tự tiêm nguy hiểm nhưng dù sao vẫn tốt hơn cảm giác say xe khi đi ô tô xuống thành phố gặp bác sĩ. Ngày ấy, mình luôn nghĩ con sẽ khỏe mạnh chào đời. Nào ngờ, con ở bên được 2 tháng 13 ngày rồi đi. Mình đã kêu gào, khóc lóc và oán than ông trời bất công. Nhưng, mọi chuyện không hề thay đổi. Vợ chồng mình phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã mất đứa con thứ 2”, chị Thảo xúc động.
Thai hỏng lần 2, chị Thảo quyết định đến bệnh viện làm phẫu thuật và đem phần nhau đi xét nghiệm xem bánh nhau có vấn đề gì hay không. Cầm kết quả trên tay, chị sững người lại và nước mắt cứ thế chảy. Chị bảo, 2 lần có bầu, chị đều chửa trứng. Thai hỏng vì cơ thể tự đào thải trứng ra khỏi tử cung.
Không nản chí, chị Thảo miệt mài tìm mọi phương thức chữa trị để con yêu sớm về. Chị uống đủ các loại thuốc từ tây, đông và nam. Hễ có người mách chỗ, chị liền tới khám và bốc thuốc về uống. Tháng 9.2013, chị Thảo thử que lên 2 vạch nhưng siêu âm không kết quả. Khi xét nghiệm beta, chị mới thực sự tin rằng con yêu đã về. Không bao lâu, chị ra huyết. Lần này, chị quyết định xuống Hà Nội kiểm tra. Tuy vậy, thai chỉ “sống” khoảng 7 tuần.
Với thời gian ngắn, người phụ nữ 23 tuổi háo hức làm mẹ phải đối diện với câu chuyện mất mát 3 đứa con hẳn là một cú sốc lớn trong cuộc đời. Dù vậy, trái tim chị vẫn mạnh mẽ lóe lên tia sáng khi ngày mới bắt đầu.
Điều diệu kỳ trong sự tuyệt vọng
3 lần hỏng thai, vợ chồng chị Thảo vẫn nuôi hi vọng bà mụ sẽ ban cho họ một thiên thần bé nhỏ. Cuối năm 2014, chị có khối u ở cổ tử cung, buộc phải phẫu thuật. “Nằm chờ mổ, cái chết liên tục xuất hiện trong tâm trí. Mình cũng không hiểu sao số phận hẩm hiu đến thế! Mình đã chịu bao đau đớn thể xác, giờ còn có thể mất đi quyền làm mẹ. Thực sự, mình rất tuyệt vọng và muốn buông xuôi tất cả”, chị Thảo chia sẻ.
Chấp nhận buông bỏ, nhưng khao khát làm mẹ không cho phép người đàn bà bất hạnh ấy lùi bước. Chị bảo, chị phải sống và bước tiếp về phía con đường hạnh phúc- nơi đứa con bé bỏng đang chờ đón. Do đó, sức khỏe ổn định, vợ chồng chị tiếp tục hành trình chạy chữa tìm con.
Cậu con trai chính là món quà vô giá trong cuộc đời của 9X Thái Nguyên
Tuần tuần, chị Thảo dậy từ 3h sáng một mình chạy xe máy xuống BV Phụ sản Trung ương khám và lấy thuốc kích trứng về tự tiêm. Khoảng thời gian ấy, chị bao lần mừng hụt khi que thử thai 2 vạch nhưng đều dương tính giả. Chị cho biết: “Quá quen với việc có bầu giả, mình không còn cảm giác hồi hộp khi chu kì kinh nguyệt tới muộn. Tháng đó, mình nghĩ loạn kinh nên chẳng hề để ý. 1 tuần sau, mình luôn có cảm giác buồn ngủ và cơ thể dần béo. Mình quyết định mua que thử và bất ngờ khi que hiện rõ 2 vạch đỏ. Để chắc chắn, vợ chồng mình chạy xe xuống thành phố siêu âm và xét nghiệm beta. Bác sĩ kết luận, mình đã có em bé”.
Sau tất cả, vợ chồng chị Thảo hạnh phúc đón nhận tin vui con yêu đã về bên. Kể từ đó, họ tiếp tục trải qua quãng thời gian giữ thai vất vả gấp nhiều lần hành trình chữa hiếm muộn. Chị kể, thai nhi được 6 tuần đã có tim thai nhưng cũng là thời điểm chị nằm bất động 3 tháng. Thời gian đó, chị nghén không ăn được bất cứ loại thực phẩm nào, thậm chí sợ ngửi mùi thức ăn. Kiêng cữ xong, chị Thảo đi lại bình thường.
Uống nhiều thuốc giữ thai, tháng thứ 4 thai kì, cơ thể chị Thảo có những thay đổi khác lạ: mặt mũi sưng to và mất giọng hoàn toàn. Khi thai được 38 tuần 5 ngày, chị có dấu hiệu sắp sinh, tử cung mở vài phân. Biết con sắp chào đời, chị Thảo cùng mẹ chồng gói gém quần áo nhập viện chờ sinh. “Mình háo hức và hồi hộp, không biết mặt mũi con giống bố hay mẹ! Càng chờ, con càng lâu chịu ra. Nửa đêm, mình vác bụng đến tìm gặp bác sĩ kể về tiền sử bệnh. Nghe xong, bác sĩ cho mình uống thuốc chuyển dạ và nghe nhịp tim con. 3 phút sau, tim thai bất thường và mình được đưa lên phòng mổ”, chị Thảo nói.
Dứt liều thuốc tê, chị Thảo dần tỉnh táo. Nhìn con nằm gọn trong bọc tã, chị khóc nức nở và cố sức dang cánh tay ôm con vào lòng. Khoảnh khắc tình mẫu tử chạm vào nhau ấy đã khiến bao người trong phòng bệnh xúc động. Cuối cùng, chị có thể nở một nụ cười viên mãn, trút gánh lo âu để sống cuộc sống vui vẻ bên chồng và con thơ.