Bà bầu bị bệnh tay chân miệng liệu có lây nhiễm cho thai nhi?

Ngày 12/10/2018 15:53 PM (GMT+7)

Tay chân miệng là một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm đang hoành hành khắp nơi trên cả nước. Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có khả năng lây nhiễm cao do thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bà bầu bị bệnh tay chân miệng liệu có lây nhiễm cho thai nhi? - 1

Bệnh Tay chân miêng hiện đang có diễn biến vô cùng phức tạp (ảnh minh họa).

Bệnh tay, chân và miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc nhóm Enterovirus gây nên. Đây là một bệnh thường gặp ở nhũ nhi (trẻ từ 1 - 12 tháng tuổi) và trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua vật dụng, đồ dùng nhiễm khuẩn từ dịch tiết từ mũi, họng. Biểu hiện bệnh lý bao gồm sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi và phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân.

Bệnh có diễn biến vô cùng nguy hiểm và cho đến nay vẫn chưa có thuốc chuyên trị đặc biệt, các bệnh nhi chỉ có thể sử dụng các loại thuốc để giảm thiểu các triệu chứng sốt cao và đau từ lở loét.

Căn bệnh có đáng lo ngại đối với phụ nữ mang thai?

Dù căn bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em nhưng người trưởng thành vẫn có nguy cơ mắc phải đặc biệt đối với những người chưa từng bị. Trong đó, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng dễ nhiễm virus do thường xuyên phải tiếp xúc với mầm bệnh. Dù tỷ lệ phát bệnh sau khi nhiễm virus ở người lớn không nhiều như ở trẻ em điều này không có nghĩa là có thể lơ là.

Bà bầu bị bệnh tay chân miệng liệu có lây nhiễm cho thai nhi? - 2

Phụ nữ mang thai có khả năng lây nhiễm virus gây tay chân miệng do tiếp xúc nhiều với nguồn bệnh (ảnh minh họa).

Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm virus đường ruột, trong đó có virus gây bệnh tay chân miệng ở bà mẹ, có liên quan đến hậu quả bất lợi đặc biệt của thai kỳ (như sẩy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh). Nhưng với những ca phát bệnh trong thời gian sắp sinh thì vẫn có khả năng lây nhiễm cho con.

Đề phòng bệnh tay chân miệng như thế nào?

Một số biện pháp nhằm phòng tránh lây nhiễm virus dẫn đến Tay chân miệng:

Bà bầu bị bệnh tay chân miệng liệu có lây nhiễm cho thai nhi? - 3

Rửa sạch tay với xà phòng (ảnh minh họa).

- Hạn chế tiếp xúc với các nguồn bệnh.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh (nên rửa trực tiếp dưới  vòi nước).

- Thực hiện ăn chín uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến.

- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi

- Vệ sinh sạch sẽ, khử trùng môi trường có khả năng xuất hiện virus gây TCM

- Đối với những bậc phụ huynh có con bị tay chân miệng cần chú ý giữ vệ sinh khi chăm sóc trẻ, tốt nhất là nên sử dụng găng tay

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng trong việc phòng chống hay chữa trị căn bệnh.

Bà bầu bị bệnh tay chân miệng liệu có lây nhiễm cho thai nhi? - 4

Nước ép cam cà rốt bổ sung Vitamin A và C rất tốt cho hệ miễn dịch (ảnh minh họa).

- Bổ sung Vitamin và khoáng chất cho người bệnh. Vitamin C giúp bảo vệ mạch máu, mau lành vết thương; vitamin nhóm B bảo vệ đường tiêu hóa, da, hệ thần kinh; vitamin A giữ cho da, niêm mạc không bị nhiễm trùng, bảo vệ mắt; vitamin D có lợi cho phát triển cơ xương vững chắc; axit folic giúp cơ thể phát triển bình thường.

- Tránh các loại thực phẩm nóng, cứng, nên chọn các loại thức ăn mềm, nguội, nhiều chất xơ để dễ tiêu hóa.

- Tăng cường hoa quả, sữa chua, nước ép trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chia nhỏ bữa, không nên ép người bệnh ăn quá nhiều. Có thể bù đắp dinh dưỡng sau khi đã khỏi bệnh.

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về bệnh tay chân miệng mà các bà bầu cần nắm rõ để bảo vệ sức khỏe cho cả bản thân lẫn thai nhi. Phụ nữ trong thời kỳ thai sản cần giữ gìn sức khỏe để có thể sinh con trong điều kiện tốt nhất.

Tưởng chỉ mệt mỏi bình thường do mang bầu, mẹ sốc khi biết mắc bệnh nguy hiểm
Bà mẹ trẻ không ngờ những triệu chứng thường gặp khi mang thai này lại đang cảnh báo cô mắc bệnh.
Theo Tôn Vỹ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe bà bầu