Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, việc để chồng hoặc mẹ bú mút giúp chữa tắc tia sữa cho sản phụ có thể nguyên nhân tiềm ẩn gây rất nhiều bệnh.
Những ngày qua, trên mạng xã hội đang lan truyền với tốc độ chóng mặt bức ảnh ghi lại khoảnh khắc người chồng dùng miệng để chữa tắc tia sữa giúp vợ. Ngay sau khi đăng tải, bức ảnh đã nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều, một số cho rằng đây là biện pháp hiệu quả, số khác lại thấy rằng đây là hành động phản cảm và đây cũng là cách chữa không đúng.
Bức ảnh chồng giúp vợ chữa tắc tia sữa gây bão mạng xã hội.
Trên thực tế thì chuyện các bà mẹ bị tắc sữa không phải là hiếm nhất là với những người vừa mới sinh nở. Và từ chuyện này cũng nảy sinh ra nhiều phương pháp chữa trị dở khóc dở cười.
Tắc tia sữa sau sinh: Ngực sản phụ như 2 quả tạ, đau đến phát sốt
Chia sẻ về vấn đề tắc sữa sau sinh, chị Nguyễn Thị Phương Chi, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết chị cũng từng trải qua hiện tượng này khi sinh con được 1 tuần. Nhớ lại cảm giác đau tức, khó chịu khi đó chị không khỏi rùng mình. Lần đầu làm mẹ, chị vô cùng lo lắng nên tìm hiểu mọi cách để chữa trị: “Khi bị tắc sữa, tôi nghe người ta mách chữa thầy lang hiệu quả nên cứ sáng ôm con đến nhà thầy xông ngải, mát xa, uống mật mía chiều lại ôm con về. Suốt cả tuần ròng rã như vậy mà không hiệu quả”.
Nghe người ta mách, chị lại nhờ mẹ chồng nướng lá mít lên massage vào ngực, rồi dùng cả mẹo lấy lược chải xuôi bầu ngực, nhưng cũng không ăn thua. Vừa đau tức, khó chịu. lại lo lắng không đủ sữa cho con, hai mẹ con tiếp tục khăn khói về tận Hải Phòng tìm đến thầy lang khác để chữa trị. “Lúc đó đau quá rồi, lại sốt ruột nên thấy người quen giới thiệu nên tôi về chữa. Không hiểu thầy lang đắp cái gì đó mà đắp xong ngứa quá không chịu được cứ thế gãi, thế rồi hết tắc…”, chị Chi cười nói.
Con đã 4 tuổi, nhưng nhớ lại cảm giác đau tức, khó chịu lúc bị tắc sữa chị Chi không khỏi rùng mình.
Cũng giống như chị Chi, chị Hoàng Ánh ở Hà Nam cho biết chị mới sinh con thứ 2 được hơn hai tháng, cả hai lần sinh nở chị đều bị tắc tia sữa.
Chị Ánh chia sẻ: “Bị tắc tia sữa khó chịu lắm, vừa đau vừa sốt, cảm giác như hai quả tạ trước ngực, đi lại còn khó khăn, cho con bú thì khỏi phải nói, đau lắm”. Lần đầu chưa có kinh nghiệm, chị tìm đủ mọi cách để chữa như uống nước lá mít, mát xa bằng nước ấm, rồi vắt sữa bằng máy… Lần thứ hai chị đều đặn mát xa bằng nước ấm cho ngực mềm ra rồi dùng máy vắt sữa. Hơn nữa, rút kinh nghiệm từ lần trước, chị cho con bú nhiều hơn, và cho con bú ngay từ khi mới sinh để sữa nhanh về hơn. Vì thế mà chỉ khoảng một tuần, chuyện tắc tia sữa đã không làm khó được bà mẹ hai con này nữa.
Khi được hỏi liệu trong những cách chữa tắc tia sữa của các chị có áp dụng cách nhờ chồng hay mẹ bú mút giúp không? Cả 2 bà mẹ này đều cho biết họ đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của chồng.
Theo chị Chi và chị Ánh thì đây là phương pháp khá hiệu quả, vì lực từ miệng của người chồng khá mạnh.Tuy nhiên vẫn phải kết hợp với các biện pháp khác mới có thể điều trị khỏi.
Chị Ánh cho con bú ngay từ khi mới sinh để sữa nhanh về hơn và tránh bị tắc tia sữa.
Trên thực tế, rất nhiều bà mẹ bỉm sữa đã dùng đến biện pháp nhờ chồng hoặc mẹ bú mút để chữa tắc tia sữa, bởi lúc đó người thì sốt hầm hập, những cơn đau buốt kéo đến không ngừng, chỉ cần hành động nhỏ của người chồng cũng khiến họ có cảm giác được chia sẻ, phần nào xoa dịu đi những lo lắng. Tuy nhiên, hành động này cũng đang tạo nên làn sóng tranh luận khá gay gắt và liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả?
Chồng giúp vợ chữa tắc tia sữa có thực sự mang lại hiệu quả?
Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Bộ Nông nghiệp) cho rằng: “Chỉ nên nhờ đến chồng bú mút kích thích sữa ra khi không còn phương án nào cả vì miệng người lớn cũng là nguyên nhân gây rất nhiều bệnh mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy, và những bệnh đó có thể lây truyền qua động tác mút cho đứa trẻ ví dụ như một số bệnh viêm gan…”
Bác sĩ cũng cho biết thêm khi bị tắc tia sữa thì việc đầu tiên các bà mẹ nên làm là xoa nắn và cho con bú đúng cách bằng cách ngậm hết cả đầu vú. Nếu cương cứng quá gây đau đớn cho người mẹ thì nên chườm lạnh, tránh để áp-xe nhiễm khuẩn hoặc viêm vú thì phải nghĩ đến chuyện sử dụng kháng sinh. Hiện nay có rất nhiều dụng cụ để hút sữa bằng tay, hay bằng động cơ có thể làm vệ sinh một cách đơn giản.
Massage giúp ngực sản phụ bớt cương sữa sau sinh.
Các biện pháp để phòng tránh tắc tia sữa sau sinh
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung thì nuôi con bằng sữa mẹ là bản năng hoàn toàn tự nhiên, cho nên cần cho con bú càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hiện nay tâm lý chung của phụ nữ là sợ con bị đói nên khi đến bệnh viện sinh con, các bà mẹ đều chuẩn bị sẵn bình sữa để cho con bú trong những ngày đầu tiên mà không cho con bú từ sớm. Đây là quan điểm sai lầm, các khuyến cáo của thầy thuốc cũng đã nói rất nhiều về điều này. Bởi cho con bú bình ngay từ đầu sẽ khiến cho phản xạ mút của đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng do thói quen. Động tác mút từ sớm sẽ kích thích sữa rất tốt, hơn nữa nhu cầu ăn ban đầu của trẻ chỉ cần một vài giọt sữa của mẹ là đủ nên các mẹ cũng không cần quá lo lắng.
Bác sĩ cũng cho biết sản phụ không nên kiêng bất cứ thức ăn gì, trước đây người mẹ ăn được gì thì sau sinh vẫn duy trì và uống nhiều nước và sữa, chỉ cần tránh đồ ăn tái sống. Người mẹ ăn nhiều và ăn uống hợp lý thì sữa sẽ tiết nhiều hơn.
Mẹ có thể dùng lá bắp cải ướp lạnh để chườm lạnh giúp bớt đau.
Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Kim Dung, ngay từ khi mang bầu các bà mẹ phải xoa bóp đầu ngực của mình và bôi kem an toàn để đầu tia sữa không bị tắc bởi các đầu vẩy. Và nên cho con bú sớm ngay từ khi ra khỏi bụng mẹ.
Khi ngực bắt đầu cương thì chị em nên cho các loại lá, ví dụ như lá cây bắp cải để vào ngăn mát tủ lạnh và chườm lên ngực để làm dịu cơn đau. Đặc biệt là khi cho bú phải cho bú hết một bên, nếu bú chưa hết sữa chúng ta phải vắt ra hết mới chuyển sang bên khác. Thực hiện các biện pháp như vậy các bà mẹ sẽ hạn chế được tình trạng tắc sữa sau sinh.