Theo bác sĩ Nguyễn Song Nguyên, khi có thai mà bị cúm nhất là trong 3 tháng đầu cần phải thận trọng.
Một độc giả thắc mắc: "Đầu tuần trước bỗng nhiên em bị cảm, sốt rồi chuyển sang ho. Có lẽ do thời tiết ngoài Bắc chuyển mùa, mà em bầu bí sức đề kháng kém nên "dính" cảm luôn. Từ hôm bị đến nay đã hơn 1 tuần rồi mà em vẫn chưa khỏi. Em đã đỡ bị sổ mũi nhưng ho thì vẫn dai dẳng. Em không dám uống thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con và đành chấp nhận "sống chung với lũ".
Em có áp dụng các bài thuốc trị ho từ dân gian như quất hấp mật ong, lá hẹ, xông tỏi... nhưng chẳng đỡ chút nào. Em nghĩ để một thời gian bệnh sẽ tự khỏi cho đến hôm qua, chị dâu em sang chơi, thấy em bị cảm, chị bảo sẽ nguy hiểm lắm. Theo chị thì bà bầu bị cảm, sốt 3 tháng đầu sẽ làm tăng nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh".
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Song Nguyên (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ) cho biết: “Khi có thai mà bị cúm nhất là trong 3 tháng đầu cần phải thận trọng, bà bầu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để tư vấn. Một số trường hợp phụ nữ mang thai có thể tăng khả năng thai chết lưu hoặc sinh non trong những tháng cuối thai kỳ. Ngoài ra phụ nữ mang thai mà bị cảm cúm có thể có những dị tật bẩm sinh ở thai nhi như sứt môi hở hàm ếch, đôi khi có dị tật bẩm sinh ở não. Bác sĩ sẽ theo dõi thai kì sát sao trong những lần siêu âm thai định kì (các mốc quan trọng nhất là thai 7 tuần - 12 tuần – 22 tuần – 32 tuần) hoặc tiến hành làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như: Double Test, Triple Test và chỉ định chọc ối kiểm tra bất thường về nhiểm sắc thể trong các trường hợp có nguy cơ qua xét nghiệm và siêu âm..."
Khi có thai mà bị cúm nhất là trong 3 tháng đầu cần phải thận trọng, bà bầu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để tư vấn. (ảnh minh họa)
Cũng theo bác sĩ Song Nguyên, vì bà bầu này bị cúm trong tuổi thai dưới 12 tuần thai nên phải hết sức thận trọng vì có thể gây dị tật ở thai nhi. Ngoài ra, theo thống kê thì cúm A thường ảnh hưởng đến thai hơn các loại cúm khác. “Bà bầu có câu hỏi trên nên đi khám, siêu âm và trao đổi với bác sĩ về tình hình của mình theo đúng định kì để các bác sĩ nắm được các yếu tố ảnh hưởng và có hướng quản lý thai thích hợp nhất."
Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh thêm: “Bà bầu cần đi khám bác sĩ khi bị cảm cúm. Hệ thống miễn dịch của người phụ nữ sẽ suy giảm hơn từ khi bắt đầu mang thai, do đó, bà bầu rất dễ bị nhiễm trùng, bị ho, cảm lạnh và cúm. Và trong các trường hợp này chỉ có bác sĩ mới có những lời khuyên tốt nhất sau khi đã khám và làm các xét nghiệm cần thiết.Ngoài ra, không được tự ý dùng bất kì loại thuốc nào. Các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ dẫn đến sẩy thai, dị tật thai nghén, nhiễm độc thai nghén... nếu được dùng không đúng chỉ định, liều lượng và chức năng. Vì vậy, thai phụ chỉ nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ”.
Bác sĩ sản khoa này nói thêm, những nguy cơ con có thể mắc phải khi mẹ bị mắc cúm, nhưng đó không phải là điều chắc chắn. Tuy nhiên khi mang thai bạn cần chú ý giữ gìn sức khỏe, phòng tránh các bệnh dễ lây và dễ mắc, nên khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường ở thai nhi.