Bà mẹ người Mỹ đã vô cùng bức xúc khi bị ép vứt bỏ gần 15 lít sữa mẹ tại cửa an ninh của sân bay Heathrow, London.
Bà mẹ 2 con Jessica Coakley Martinez (sinh sống tại bang California, Mỹ) đã vô cùng bức xúc trước hành động cấm vận chuyển sữa mẹ tại sân bay Heathrow, London, Anh khiến cô phải bỏ đi gần 15 lít sữa mà cô đã rất vất vả mới hút được. Làm công việc phải thường xuyên đi công tác nước ngoài mà không thể đưa cậu con trai 8 tháng tuổi đi cùng nên Martinez thường cố gắng tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để hút sữa trữ đông cho con.
Trong lá thư ngỏ đăng tải trên facebook cá nhân, bà mẹ 2 con cho biết cô cảm thấy “bị sỉ nhục” vì đã bị ép phải bỏ đi nguồn thức ăn cho con mình ở cửa an ninh sân bay. Trong các chuyến đi công tác xa nhà, Martinez phải rất vất vả vắt sữa trong nhà vệ sinh, trong giờ nghỉ trưa thậm chí là giữa giờ họp hay trong nhà vệ sinh trên máy bay để đảm bảo nguồn sữa cho con. Bà mẹ này cũng cho biết cô đã rất khó khăn và bất tiện khi lưu lại khách sạn nào, cô cũng phải thuyết phục họ cho tích trữ những túi sữa lớn cách nhiệt của mình trong tủ lạnh của nhà ăn.
Bà mẹ Jessica Coakley Martinez phải bỏ lại gần 15 lít sữa ở sân bay.
Bà mẹ 2 con cũng cho hay cô đã mang số sữa đông lạnh này qua nhiều sân bay và cửa an ninh ở 4 nước nhưng chỉ tại sân bay Heathrow, cô mới gặp phải rắc rối. Cô tranh cãi rằng sữa đã được đông lạnh thành chất rắn nhưng lực lượng an ninh không chấp nhận điều này.
"Bất chấp tôi van nài, cầu xin và thậm chí là khóc lóc tuyệt vọng xin các anh một giải pháp, các anh vẫn đối xử với tôi cứ như thể tôi đang vận chuyển các lít hydrogen peroxide (một loại chất nổ) lên máy bay. Các anh đã buộc tôi phải bỏ đi nguồn thức ăn giá trị trong gần hai tuần của con trai tôi.", cô viết.
Giới chức Heathrow cho hay quy định của chính phủ Anh về việc mang chất lỏng lên máy bay đã được thông báo rõ trên trang web của sân bay. Theo quy định do Bộ Giao thông Anh ban hành, chất lỏng phải được đựng trong các chai lọ có dung tích không quá 100 ml để trong một chiếc túi kín trong suốt.
Đồ ăn hoặc sữa trẻ em chỉ được ngoại lệ khi hành khách đi cùng trẻ nhỏ. Phần chất lỏng vượt quá giới hạn sẽ trở thành hành lý ký gửi.
Martinez thừa nhận cô nên tuân thủ quy định nhưng việc bắt một người mẹ phải bỏ phần sữa cho con do không đi cùng đứa trẻ là "vô cùng bất công khi tất cả các bà mẹ đang đi làm khác đều như tôi".
Martinez thừa nhận cô nên tuân thủ quy định nhưng việc bắt một người mẹ phải bỏ phần sữa cho con do không đi cùng đứa trẻ là "vô cùng bất công khi tất cả các bà mẹ đang đi làm khác đều như tôi".
"Bây giờ tôi không thể cho con trai tôi bú mẹ vì không có đủ sữa cho thằng bé trong lúc tôi đi làm dù tôi đã nỗ lực hết sức", cô nói. "Là một người đang đi làm và phải đảm bảo vẹn toàn cả công việc lẫn con cái là điều khó khăn nhất mà tôi từng làm nhưng các anh đã thành công khi biến điều đó thành một thứ gần như bất khả dĩ chỉ trong một buổi chiều.
An ninh là tối ưu nhưng nó không phải và không nên là mục tiêu duy nhất của các anh, và chắc chắn là không nên trừng phạt những người mà các anh muốn bảo vệ. Ngoài việc cướp đi miếng ăn từ miệng con tôi, các anh còn sỉ nhục tôi và khiến tôi hoàn toàn thất bại trên cả phương diện công việc lẫn làm mẹ".
Bà mẹ này cũng chia sẻ thêm cô đã từng rơi nước mắt khi chỉ đổ đi vài ml sữa chứ chưa nói đến cả gần 15 lít như thế này. Cô lo lắng rằng chính quy định cấm vận chuyển sữa mẹ của hãng hàng không có thể ảnh hưởng đến lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ trong tương lai, đặc biệt với các bà mẹ thường xuyên phải đi công tác.
Quy định giới hạn về lượng chất lỏng được mang lên máy bay như hành lý xách tay ở các sân bay Anh được ban hành sau khi giới chức phát giác âm mưu khủng bố bằng các chất nổ lỏng trên khoang của 7 máy bay vào năm 2006.