Sau 30 phút tiến hành mổ lấy thai, bé gái chào đời an toàn với cân nặng 6,2 kg trước sự bất ngờ của sản phụ và toàn bộ kíp phẫu thuật.
Trung bình, trẻ sơ sinh có cân nặng từ 2,9 - 3,8kg, tuy nhiên vẫn có những đứa trẻ chào đời nhẹ cân hoặc nặng cân hơn thế rất nhiều. Điển hình là trường hợp của sản phụ Đ.T.H (30 tuổi, tại Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang) khi sinh con quá cân rất nhiều so với mức bình thường.
Cụ thể vào chiều 30/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã mổ đẻ thành công cho chị H. - một sản phụ sinh con lần 3. Theo đó, chị H. tới bệnh viện trong tình trạng đau bụng, thai 39 tuần 4 ngày.
Qua xét nghiệm và siêu âm trước sinh, sản phụ được đánh giá thai nhi to trên nền mổ đẻ cũ, trọng lượng lớn hơn mức bình thường. Đáng nói, chị còn bị tiền sản giật nên qua hội chẩn các bác sĩ chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu.
Ngay lập tức, chị H. được đẩy vào phòng sinh. Kíp mổ gồm các bác sĩ khoa Phụ sản và khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức cùng các cộng sự đã được huy động. Sau 30 phút tiến hành mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tuỷ sống, gây mê tĩnh mạch, rạch đường ở bụng, bé gái chào đời an toàn với cân nặng 6,2 kg trước sự bất ngờ của sản phụ và toàn bộ kíp phẫu thuật.
Bé gái chào đời với cân nặng 6,2kg trong sự ngỡ ngàng của mẹ và toàn bộ ê kíp.
Theo BS.CKII Trần Hoàng Hưng, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang – người trực tiếp thực hiện ca mổ, đây là em bé có trọng lượng lớn nhất từ trước đến nay được chào đời tại bệnh viện. Song bác sĩ cũng cho biết thêm, ca mổ đã gặp phai một số khó khăn nhất định do sản phụ đã mổ đẻ 2 lần trước đó, sẹo mổ dính liền kèm theo bệnh lý tiền sản giật.
Hiện tại sau 1 ngày theo dõi, sản phụ có sức khoẻ ổn định, đã ngồi dậy và đi lại được. Bé gái khoẻ mạnh, bú tốt, không phát hiện bất thường. Dự kiến, mẹ và bé có thể xuất viện sau 5 ngày tới.
Những nguy cơ khi thai to quá
Trẻ sơ sinh từ 4kg trở lên được cho là thai to hay thai thừa cân. Thai quá to có thể mang tới nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé.
Cụ thể với người mẹ có thể tăng nguy cơ bị đột tử thai, sang chấn sản khoa trong quá trình sinh, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu, hậu sản,… Với thai nhi, trẻ dễ có có nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa sau sinh, mắc bệnh lý về phổi sau sinh,…
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên đi khám thai định kỳ thường xuyên, đặc biệt là với những chị em mang thai to cần đặc biệt lưu tâm. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, ăn nhiều rau xanh và hạn chế đường, tinh bột; đồng thời tầm soát tiểu đường thai kỳ để tránh gây ra biến chứng nguy hiểm.
Trong quá trình mang thai, nếu thai phụ gặp những triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tăng cân hơn 1kg/tuần cũng đừng chủ quan mà nên tới bệnh viện để kiểm tra sớm.