Việc sưng đau bầu ngực kèm theo cảm giác căng tức, nóng rát khiến nhiều mẹ bầu lo lắng không biết nguyên nhân là gì và có đáng lo không.
Khi mang thai, bất kỳ bất thường nào trên cơ thể cũng khiến mẹ bầu lo lắng. Trong đó, đau ngực là một hiện tượng khá phổ biến. Có người chỉ đau nhẹ quanh vùng đầu ngực nhưng cũng có người bị căng tức hoặc nóng rát. Mẹ bầu sẽ thắc mắc nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và khi nào cần đến bệnh viện kiểm tra.
1. Nguyên nhân phổ biến gây tình trạng đau ngực khi mang thai
1.1. Những nguyên nhân không đáng lo
Căng thẳng và lo lắng
Với những bà mẹ lần đầu tiên mang thai, họ có thể cảm thấy bắt đầu căng thẳng hoặc lo lắng về sức khỏe của em bé. Sự thay đổi cảm xúc đột ngột này cũng có thể dẫn đến tình trạng đau ngực trong thai kỳ.
Kích thước ngực thay đổi
Mang thai khiến ngực trở nên to hơn là điều bình thường. Sự thay đổi các khớp và cơ ngực khiến thai phụ cảm thấy đau ngực và không thoải mái.
Ợ nóng
Khi mang thai, mẹ bầu thay đổi thói quen ăn uống không phù hợp sẽ gây ra tình trạng ợ nóng. Bên cạnh đó, nồng độ hormone progesterone tăng lên trong thai kỳ làm giãn cơ trơn tử cung, giãn van ngăn cách dạ dày và thực quản làm axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra tình trạng ợ nóng.
Có nhiều nguyên nhân gây đau tức ngực khi mang thai. (Ảnh minh họa)
Khó tiêu
Những cơn đau ngực thường xuất phát từ việc khó tiêu, triệu chứng của bệnh thường nặng hơn khi bước vào giai đoạn giữu và cuối thai kỳ, khoảng từ tuần thứ 27.
Căng tức cơ bắp
Khi em bé đang lớn dần trong bụng mẹ sẽ gây căng tức nhiều lên các cơ và dây chằng ở vùng ngực, đây cũng là nguyên nhân khiến ngực của mẹ dễ bị đau nhiều hơn.
1.2. Những nguyên nhân đáng lo
Chứng nghẽn mạch máu (DVT)
Tình trạng máu đóng cục (máu cục) trong tĩnh mạch được gọi là chứng nghẽn mạch máu. Những cục máu đông có thể di chuyển theo tĩnh mạch lên phổi gây đau ngực, tắc nghẽn phổi. Đây là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong.
Nhồi máu cơ tim
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của đau tim là đau tức ngực đồng thời đi kèm nhức đầu, khó thở, tê chân tê tay và đổ mồ hôi lạnh. Bệnh có nguy cơ cao đối với phụ nữ hút thuốc lá, tiền sử bệnh tiểu đường hoặc mang thai ngoài 40 tuổi. Do đó khi thấy những biểu hiện này cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Hen suyễn
Người mẹ có tiền sử bị suyễn hoặc đang bị suyễn nếu mang thai sẽ khiến bệnh tái phát nặng hơn, đi kèm những co thắt ngực đến đau ngực.
Phình động mạch vành
Đau ngực là một trong những triệu chứng của phình động mạch vành – căn bệnh liên quan đến tim. Bệnh sẽ xảy ra sau khi sinh hoặc một tháng trước khi sinh.
Tiền sản giật
Đau ngực và vai khi mang thai có thể chỉ ra một biến chứng nghiêm trọng được gọi là tiền sản giật. Điều này đôi khi có thể gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
2. Làm thế nào để giảm đau ngực khi mang thai?
Ăn uống khoa học, tránh những loại thực phẩm gây khó tiêu, đầy hơi là biện pháp hạn chế đau ngực ở bà bầu. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp cơn đau tức ngực kèm theo khó thở, chóng mặt, suy nhược thì mẹ bầu cần đi khám càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu cơn đau lành tính, mẹ bầu có thể thử các biện pháp dưới đây. Lưu ý rằng những cách này không giúp điều trị tận gốc nguyên nhân đau ngực khi mang thai mà chỉ làm dịu cảm giác khó chịu ở ngực tạm thời.
- Thư giãn: Không nên ép cơ thể làm việc quá sức. Thay vào đó, mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi, giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tích cực luyện tập các môn thể thao nhẹ nhàng, chẳng hạn như yoga cho bà bầu, bơi, đi bộ.
- Chú ý tư thế: Luôn ngồi thẳng và đứng thẳng lưng để phổi luôn có tối đa không gian hoạt động. Nếu ngồi sai tư thế, phổi có nguy cơ bị đè ép, gây khó thở, dẫn đến đau vùng quanh vú.
- Không nằm ngay sau khi ăn: Vì có nguy cơ gây trào ngược, dẫn đến đau tức vú.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Thai phụ nên chia các bữa ăn lớn trong ngày thành nhiều bữa ăn nhỏ hơn, giữ khoảng thời gian giữa các bữa ăn bằng nhau, để tránh bị khó tiêu, trào ngược axit, ợ nóng.
- Tránh dùng những đồ ăn dễ gây đầy hơi: Tránh uống rượu, caffeine, ăn những món cay và nhiều dầu mỡ, bởi vì những loại thực phẩm này dễ gây ra chứng khó tiêu và đầy hơi.
- Nằm cao: Kê gối cao khi nằm sẽ giúp mẹ bầu dễ thở hơn, giúp giảm đau vú khi có bầu.
- Xây dựng lối sống khoa học: Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu. Tập thể dục thường xuyên, đều đặn, tránh hút thuốc và sử dụng các sản phẩm có chứa chất kích thích như caffeine.
3. Khi nào đi khám bác sĩ vì triệu chứng đau ngực khi mang thai
Có tới 70% phụ nữ mang thai bị đau ngực kèm theo triệu chứng khó thở chỉ đơn giản là do những thay đổi về thể chất mà họ đang trải qua khi em bé lớn lên.
Hầu hết các cơn đau ngực trong thai kỳ là lành tính, nhưng nếu mẹ bầu cảm thấy không ổn, hãy gọi cho bác sĩ. Đặc biệt nếu mẹ bầu bị đau tức ngực kèm theo khó thở và buồn nôn, có thể là dấu hiệu của cục máu đông đến phổi.
Trong trường hợp đau ngực khi mang thai nhưng lan ra cánh tay trái hoặc hàm kèm theo đổ mồ hôi, chóng mặt, thay đổi thị giác hoặc buồn nôn có thể là dấu hiệu của cơn đau tim. Hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.