Cùng với ốm nghén, mệt mỏi là những tác dụng phụ đầu tiên trong thời kỳ thai nghén.
Hầu hết các thai phụ đều có cảm giác mệt mỏi khi mang thai, đặc biệt là trong khoảng thời gian ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ. Thậm chí với nhiều chị em, cảm giác mệt mỏi còn đi theo suốt 9 tháng 10 ngày của quá trình mang thai và sau khi sinh. Nguyên nhân của "tác dụng phụ" này là do cơ thể sản xuất ra nhiều loại hoocmon mới để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Ngoài ra, những thay đổi về tâm lý cũng như thể chất trong quá trình thai nghén cũng có thể gây nên tâm trạng căng thẳng, cảm xúc thất thường, mất ngủ... khiến mẹ bầu mệt mỏi.
Cảm giác mệt mỏi thường xuất hiện vào ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ (ảnh minh họa)
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ trong thời gian mang thai với một chế độ ăn uống lành mạnh là vô cùng quan trọng, dưới đây là một số "bí kíp" đơn giản các mẹ có thể áp dụng để đánh tan cơn mệt mỏi, lấy lại sức sống tràn trề như thường ngày.
Sử dụng các loại tinh dầu
Hương thơm từ tinh dầu có thể làm dịu cơn đau đầu, dỗ bạn vào giấc ngủ, thúc đẩy việc điều trị và giảm căng thẳng thần kinh. Các loại tinh dầu như tinh dầu bưởi hoặc tinh dầu quýt từ lâu đã được biết đến có tác dụng rất tốt giúp cơ thể, tinh thần thư giãn, tiếp thêm năng lượng và điều hòa giấc ngủ.
Ngủ sớm, ngủ đủ giấc
Khi mang thai, mẹ sẽ buồn ngủ hơn bình thường và thông thường các mẹ dễ chìm vào giấc ngủ li bì, nhất là ở giai đoạn mang thai đầu tiên. Ngủ quá nhiều càng khiến mẹ bầu mệt mỏi. Lời khuyên cho mẹ trong trường hợp này là hãy để cơ thể có một đồng hồ sinh học ổn định, đừng ngủ giấc dài bất cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi và muốn nằm xuống mà hãy đảm bảo ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, đi ngủ trước 23 giờ và có giấc ngủ sâu vào ban đêm.
Có giấc ngủ ngắn ban ngày
Hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi cho chính bản thân mình. Mẹ nên tranh thủ những lúc nghỉ ngơi buổi trưa để thư giãn. Khi mẹ cảm thấy mệt mỏi, nếu có thể hãy ngả lưng một chút và làm giấc ngủ ngắn khoảng 15 phút để lấy lại tinh thần, sức lực, nhớ đừng ngủ quá lâu mà hãy dành giấc ngủ sâu cho buổi tối.
Duy trì mức độ hoạt động phù hợp
Chẳng hạn như công việc nội trợ, mẹ nên cắt giảm lượng công việc phải làm và xem xét thuê người giúp việc nếu như điều kiện tài chính cho phép để mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi cũng như tránh các trường hợp xấu có thể xảy khi dọn dẹp nhà cửa khiến mẹ mệt mỏi hoặc ảnh hưởng không tốt đến mẹ và bé.
Giảm lượng công việc
Tránh nhiệm của mẹ cho các hoạt động xã hội cũng như công việc (nếu có thể). Hầu hết chị em đều cố gắng làm việc cho đến khi sát ngày sinh. Tuy nhiên, càng cận kề ngày sinh, mẹ càng dễ căng thẳng, đi lại nhiều, áp lực, căng thẳng khiến "tác dụng phụ" mệt mỏi càng thêm rõ ràng hơn. Vì vậy, nếu mẹ yêu thích công việc hoặc không thể nghỉ ngơi được, nên tránh đi lại trong giờ cao điểm, đến muộn và về sớm hơn người khác.
Áp lực, căng thẳng công việc càng khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi (ảnh minh họa)
Tăng số lượng bữa ăn
Tăng số lượng bữa ăn, tuy nhiên, mẹ nhớ giảm lượng thức ăn trong mỗi bữa. Theo các chuyên gia sản khoa, chia làm 6 bữa nhỏ mỗi ngày và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp giữ năng lượng trong cơ thể và khiến mẹ không cảm thấy đói, đồng thời tránh được cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
Tăng thêm 300 - 500 calo mỗi ngày
Lượng calo này đủ cung cấp cho cả mẹ và bé. Điều mẹ cần đảm bảo 300 calo này bổ dưỡng và không nên ăn vặt.
Bữa ăn cân bằng, bổ dưỡng
Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng bao gồm nhiều chất sắt và protein sẽ giúp thai phụ giảm tâm trạng mệt mỏi; đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt như: thịt đỏ, hải sản, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên chất, mì sợi, các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu, các loại quả hạch và các loại hạt...
Uống đủ nước
Uống 1,5 - 1,8 lít nước mỗi ngày giúp tăng mức năng lượng đồng thời giữ cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Tuy nhiên, mẹ nhớ đừng uống thêm bất cứ thứ gì trong thời gian từ hai đến ba giờ trước khi đi ngủ để tránh phải trở dậy để đi tiểu về đêm.
Không ăn sát giờ đi ngủ
Bữa ăn cuối cùng trong ngày nên cách vài giờ trước khi đi ngủ để làm tránh chứng khó tiêu, đầy bụng khiến mẹ khó chịu, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc.
Tập thể dục thường xuyên
Một bài tập cường độ vừa phải, khoảng 30 phút mỗi ngày là thích hợp. Các mẹ có thể đi bộ, bơi lội, yoga hay các bài tập nhẹ nhàng khác đều có tác dụng tốt cho mẹ, không chỉ làm tăng tuần hoàn máu, giữ cơ bắp săn chắc, tinh thần sảng khoái, gia tăng năng lượng cho cơ thể, giảm mệt mỏi đáng kể mà tập luyện thường xuyên còn giúp mẹ sinh nở dễ dàng hơn.
Kéo căng cơ bắp chân trước khi đi ngủ
Chỉ khoảng 5 phút cho động tác này sẽ giúp cơ bắp dược thả lỏng, máu tuần hoàn tốt, tránh được tối đa chứng chuột rút khi mẹ đang ngủ.
Các động tác giãn cơ có tác dụng giúp cơ thể thả lỏng, giảm mệt mỏi, tuần hoàn máu tốt (ảnh minh họa)
Dành thời gian massage hoặc ngâm mình trong bồn tắm
Viêc massage, ngâm mình trong nước ấm giúp cơ thể được thư giãn nhẹ nhàng, thả lỏng tối đa, giảm mệt mỏi cũng như chứng co cơ, phù nề do sự chèn ép của bài thai gây ra khiến mẹ khó chịu.
Không đứng trong thời gian dài
Đứng quá lâu khiến máu lưu thông không tốt, khiến mẹ dễ bị chóng mặt.
Uống vitamin trước khi sinh
Vitamin, đặc biệt là sắt và axit folic cần được uống thường xuyên, chúng không chỉ có tác dụng cung cấp dưỡng chất cần thiết cho mẹ và bé mà còn có tác dụng giảm mệt mỏi trong thời kỳ mang thai.
Nhờ sự trợ giúp
Đừng ngại ngần nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh khi mẹ thấy cần. Mẹ có thể nhờ người thân giúp quán xuyến công việc nhà. Nếu cảm thấy quá căng thẳng, mẹ cũng có thể chia sẻ, trao đổi với bạn bè, người thân để thoải mái hơn. Đừng cố gắng làm quá nhiều, hay giữ tâm sự trong lòng khiến mẹ càng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hơn - điều này không hề tốt cho thai nhi.