Đôi khi, chị em có thể nhầm lẫn giữa dấu hiệu sắp có kinh và có thai do có nhiều điểm tương đồng.
Cả khi đến chu kỳ kinh nguyệt và khi có thai, nội tiết tố trong cơ thể đều thay đổi nên chị em sẽ thấy những dấu hiệu như chảy máu âm đạo, căng tức ngực, thân nhiệt tăng, tâm trạng thay đổi,... Vậy làm thế nào để phân biệt dấu hiệu sắp có kinh và có thai để không nhầm lẫn?
Dấu hiệu sắp có kinh và có thai có nhiều điểm giống nhau khiến chị em bối rối. (Ảnh minh họa)
Chảy máu âm đạo
Sau khi trứng thụ tinh sẽ di chuyển về tử cung làm tổ, trong quá trình đó, nó có thể gây ra một vài vết thương nhỏ trên niêm mạc cổ tử cung khiến âm đạo bị ra máu.
Nhiều chị em dễ lầm tưởng máu báo thai này là kinh nguyệt trong những ngày đầu. Tuy nhiên, nếu để ý bạn sẽ thấy máu báo thai thường có màu nhạt hơn, ra thành giọt và chỉ xuất hiện trong 1-2 ngày.
Mặc khác, kinh nguyệt thường xuất hiện với lượng nhiều hơn, màu sẫm và có lẫn chất nhầy tử cung. Máu ra trong thời kỳ kinh nguyệt cũng kéo dài hơn, khoảng từ 3 đến 7 ngày tùy từng người.
Căng tức ngực
Trước khi có kinh nguyệt, nhiều chị em có thể cảm thấy căng tức ngực do hormone progesterone thay đổi. Phụ nữ đang nuôi con thường gặp triệu chứng nặng hơn. Tức ngực có thể ở mức độ ít hoặc nhiều, thường đau nhất vào giai đoạn trước chu kỳ và lại càng đau hơn trong và sau chu kỳ.
Tăng kích thước vòng 1 là dấu hiệu có thể gặp phải cả khi có kinh và có thai. (Ảnh minh họa)
Phụ nữ mới mang thai cũng sẽ có những thay đổi ở vùng ngực nhưng ngực thường chỉ tăng kích thước chứ không quá căng cứng. Ngoài ra, sự gia tăng hormone khi mang thai còn khiến đầu núm vú trông sẫm màu hơn. Còn khi có kinh, cơ thể bạn sẽ giảm lượng nội tiết tố tiết ra nên màu sắc núm vú vẫn như bình thường.
Thèm ăn
Trước khi tới ngày đèn đỏ, nhiều chị em có thể nhận thấy thói quen ăn uống của mình thay đổi như đột nhiên thèm ăn sô cô la, đồ uống có ga, đồ ngọt hoặc đồ mặn. Hoặc có nhiều người cũng có thể thấy đói cồn cào. Tuy nhiên hiện tượng thèm ăn này vẫn khác với khi mang thai.
Khi mang thai, ngoài việc thèm ăn một số món, có thể bạn hoàn toàn không thích một số thức ăn hoặc buồn nôn khi ngửi thấy một số mùi vị, kể cả những món trước đây từng thích. Tình trạng này có thể kéo dài suốt thai kỳ. Hoặc bạn có thể mắc chứng rối loạn ăn uống, tức là bạn ăn những thực phẩm hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng như đá lạnh, vẩy sơn khô hay mẩu kim loại.
Tâm trạng thay đổi
Cả trước khi có kinh và có thai, chị em có thể thấy tâm trạng thay đổi thất thường. (Ảnh minh họa)
Dù là lúc mới mang thai hay sắp có kinh, bạn đều có những biến đổi về tâm trạng. Tuy nhiên, khi mang thai, bạn sẽ nhận biết rõ các biến đổi này hơn. Tâm trạng sẽ trở nên khó chịu hay cáu gắt và vô cùng nhạy cảm. Những cảm giác mà trong giai đoạn mang thai sẽ khác hoàn toàn so với những cảm giác quen thuộc khi kì kinh đến.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.va. Câu hỏi của độc giả sẽ được các chuyên gia, bác sĩ uy tín trả lời vào thứ 6 hàng tuần trên chuyên mục Bà Bầu. |