Làm một người chồng tuyệt diệu trong lúc vợ mang thai có khó lắm không? Bạn cần làm gì giúp vợ, cần làm gì để cô ấy cảm thấy yên tâm, thoải mái, dễ chịu với trọng trách “nặng nề” mới? Những bí quyết nho nhỏ được nhắc đến trong bài này sẽ giúp bạn!
1. Hạn chế tối đa những trận cãi vã
Có thể vợ chồng bạn từng nhiều lần “càm ràm” nhau chuyện này chuyện khác. Cũng có thể bạn “không chịu được” vợ mình một tính cách nào đấy. Nhưng kể từ lúc này, có lẽ bạn cần tăng cường gấp đôi khả năng thông cảm và nhường nhịn của mình lên!
2. Là người đứng giữa khéo léo
Mọi việc thật đơn giản nếu như vợ chồng bạn ở riêng. Nhưng nếu điều kiện cuộc sống không cho phép, bạn đang phải sống cùng “đại gia đình” của mình thì sao? Người mẹ chồng và các chị em chồng nếu biết thông cảm, đối xử ân cần hết mực với cô vợ đang “bầu bí” của bạn thì tuyệt quá rồi. Trong trường hợp giữa họ vốn đã có những gút mắc nho nhỏ và bây giờ, mọi việc như thể bùng nổ khi vợ bạn ở vào thời kỳ thai nghén, chuyện đó sẽ… vất vả và khó xử hơn nhiều!
Yếu tố tinh thần của người mẹ đặc biệt quan trọng. Vợ bạn không thể nào sinh một đứa con khỏe mạnh trong cảm giác stress liên tục, bị ức chế. Hành động đó của bạn cũng hoàn toàn không “bất hiếu”, vì chính khi tách ra, giảm bớt xung đột thì tình cảm có khi lại nảy sinh tốt hơn. Nếu thật lòng quan tâm, lo lắng cho cha mẹ thì dần dần cha mẹ sẽ hiểu được lòng bạn, chứ không nhất thiết ở chung, để mọi người “chịu đựng” lẫn nhau mới là… có hiếu.
Chồng cần tìm hiểu thêm sách báo để có thể trở thành chuyên viên tư vấn cho vợ. (ảnh minh họa)
3. Thu xếp “giảm tải” việc nhà và cả chuyện bếp núc
Không phải lo làm thế thì… “chiều quá vợ sinh lười” đâu! Thực tế, đây là việc cần làm. Thời kỳ đầu mang thai, hầu hết thai phụ đều bị nghén, chán ăn, dễ buồn nôn khi tiếp xúc với các mùi cá thịt. Sẽ thật tuyệt nếu lúc này bạn tỏ rõ “khí phách nam nhi” của mình bằng cách đỡ đần vợ trong công việc bếp núc, nấu ăn thay cô ấy.
Bên cạnh việc bếp núc, bạn cũng nên chủ động để tìm người giúp việc nhà hoặc tự mình san sẻ bớt việc nhà thay vợ. Đặc biệt là những công việc theo kiểu phải đứng lên ngồi xuống, khom lưng, trèo lên cao…
4. Trở thành “chuyên viên… tư vấn” của vợ
Bạn làm được đấy, không quá khó đâu! Hãy tìm kiếm thật nhiều sách báo, tài liệu liên quan đến việc sinh nở, nuôi dạy con và cùng vợ… nghiên cứu. Cô ấy sẽ cảm thấy không còn đơn độc và không quá lo lắng với việc mang thai nữa khi bên cạnh có một người cùng tìm hiểu, thậm chí hướng dẫn cho cô ấy những thông tin cần thiết.
Đây được xem là một liệu pháp tâm lý tuyệt vời và là một điều rất đáng làm. Nếu không có nhiều thời gian lắm cho việc tự “nghiên cứu”, bạn cũng có thể đăng ký cùng vợ học những lớp hướng dẫn dành cho các ông bố, bà mẹ trẻ. Ở những lớp học này, bạn sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết trong quá trình vợ mang thai, sinh nở, chăm sóc và nuôi dạy con.
5. Tăng cường sự… lãng mạn
Ơ, vợ mang bầu thì… cần gì lãng mạn? Bạn nghĩ thế là nhầm rồi đấy. Có thai, người vợ sẽ dễ dàng rơi vào tâm trạng hơi “lo lắng” là mình không còn “xinh đẹp” như xưa. Chính lúc này, những động tác lãng mạn âu yếm của bạn sẽ giúp cô ấy tự tin, thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều nữa.