Hà Nội - Gần một tháng nay, Hoàng, 33 tuổi mất ngủ, thèm ăn, dễ cáu gắt, đi khám bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng Couvade - mang thai đồng cảm.
Chị Huyền, vợ anh Hoàng, ở Hoàng Mai, có biểu hiện ốm nghén từ tuần thứ 7. Khoảng hai tuần sau, các triệu chứng của chị giảm cũng là lúc anh thấy nôn nao, khó chịu, nôn nhiều. Cứ đến giờ cơm, anh phải đóng kín cửa phòng, đợi thức ăn nguội mới xuống nhà. Anh thích ăn đồ chua, đặc biệt là khế, xoài, thậm chí giữa đêm cũng bật dậy ăn. Ngoài ra, Hoàng dễ cáu gắt, mệt mỏi, lười vận động hơn. Thấy dấu hiệu nôn nhiều, sợ bị bệnh dạ dày, anh đến bệnh viện kiểm tra.
Ngày 19/11, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết nhiều trường hợp tương tự, đến bệnh viện khám do có biểu hiện giống vợ khi mang thai, như đau bụng, đầy hơi, đau lưng, cáu gắt, ốm nghén, đau răng, stress, hồi hộp, mệt mỏi...
"Đây không phải là bệnh mà là hội chứng mang thai đồng cảm - Couvade", bác sĩ Thành cho biết. Các triệu chứng này biểu thị sự đồng cảm, lo lắng của người chồng với vợ và đứa con.
Bác sĩ tư vấn anh Hoàng về tâm lý, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phát triển hội chứng Couvade có khả năng gắn liền với văn hóa. Hội chứng chủ yếu xảy ra ở các nước phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh tại Mỹ là 25% đến 53% đối với nam giới đang có vợ hoặc người yêu mang thai. Ở Thụy Điển, tỷ lệ này là 20% và Thái Lan là 61%. Các triệu chứng trải dài từ nhẹ đến nặng, từ tinh thần đến thể chất. Tỷ lệ mắc bệnh ở Anh chưa rõ ràng, song ước tính trong năm 1970, nước này có khoảng 11% đến 50% nam giới bị Couvade. Công trình năm 1994 cho thấy ở các cặp vợ chồng hiếm muộn, người đàn ông dễ mắc hội chứng Couvade hơn.
Nhiều người chồng bị ốm nghén, mệt mỏi trong giai đoạn vợ mang thai. Ảnh: Health
Lý giải nguyên nhân, nhiều nghiên cứu cho rằng có thể cơ thể bị thay đổi nội tiết, thay đổi hormone và tâm lý. "Đặc biệt, người chồng có liên kết sâu sắc với đứa trẻ, cảm thấy trách nhiệm, lo lắng khi ở cương vị mới càng dễ stress, mệt mỏi", bác sĩ Thành nói. Người chồng có gắn kết với vợ nên có sự đồng cảm, "như sợi dây tình cảm vô hình", dẫn đến những triệu chứng tương tự.
"Thực tế nhiều người đàn ông khi vợ mang thai cũng dễ xúc động hơn, dễ thay đổi tâm trạng", bác sĩ cho biết.
Bên cạnh đó, tờ Washington Post nêu lý thuyết phân tâm học cho rằng hội chứng này phát triển từ sự ghen tị của người đàn ông với khả năng sinh sản của phụ nữ. Theo lý thuyết, đối với người đàn ông, phụ nữ mang thai đóng vai trò như chất xúc tác của mâu thuẫn và sự trỗi dậy của phức cảm Oedipus.
Phức cảm Oedipus là thuật ngữ được Sigmund Freud sử dụng trong học thuyết các giai phát triển tâm lý tính dục, mô tả cảm giác khao khát của đứa trẻ dành cho người cha, mẹ khác giới, sự ghen tị dành cho người cha mẹ cùng giới. Về cơ bản, bé trai sẽ vô thức cảm thấy mình cần chiến đấu với cha để có được sự quan tâm của mẹ và ngược lại. Phức cảm Oedipus ở nam giới có thể khiến người đàn ông nhớ lại cảm xúc thời thơ ấu, gợi cảm giác mâu thuẫn và đố kỵ.
Lý thuyết về tâm lý xã hội cho rằng nam giới có thể bị gạt ra ngoài lề trong thời kỳ mang thai và sinh nở của người phụ nữ, đặc biệt đối với các cặp đôi có con đầu lòng. Thực tế này khiến đàn ông nhìn nhận bản thân ở vai trò phụ trợ, cảm thấy không quan trọng. Để giải quyết tình trạng đó, nhiều người vô tình chuyển sự chú ý từ phụ nữ sang mình thông qua biểu hiện hội chứng Couvade. Điều này đã được chứng minh trong nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Khoa học SAGE năm 2000.
Để giảm cảm giác khó chịu, bác sĩ khuyên người mắc nên hạn chế đồ ăn có mùi. Bổ sung nước chanh, nước gừng hoặc vitamin. Tập yoga hoặc thiền để tinh thần thư thái, giảm căng thẳng. Trường hợp mệt mỏi nặng nề, bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống nôn hoặc thuốc bổ. Các cặp vợ chồng không nên quá căng thẳng mà nên chia sẻ, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn này.
*Tên nhân vật được thay đổi